Chị Ngoan ở Giải Phóng, Hà Nội vò võ một mình trong chiếc chăn. Tháng nào cũng mất hai, ba tuần chồng chị phải làm ca đêm. Xem hết chương trình ti vi mà chị vẫn không thể nào ngủ được. Vợ chồng mới cưới, sống chung một mái nhà mà thời gian ở bên nhau quá ít ỏi đã khiến chị không kìm được nỗi tủi thân.
Do thời gian làm việc lệch nhau nên có nhiều cặp vợ chồng phải chịu cảnh “sao Hôm sao Mai” như trường hợp của chị Ngoan. Điều này trở thành một nguy cơ tiềm ẩn đe dọa đến hạnh phúc gia đình.
Gặp nhau lần nào cũng vội
Anh Hòa là nhân viên kỹ thuật của Công ty Canon Việt Nam, còn vợ làm công nhân cho một công ty lắp đặt đồ điện ở Từ Liêm, Hà Nội. Gần một năm qua anh chị phải làm việc trái giờ nhau. Những bữa cơm chung của hai người chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đó cũng là lý do họ chưa dám sinh con. Cũng vì thế họ thường phải đối diện với nỗi cô đơn.
6 giờ sáng, hết ca làm, anh Hòa về nhà, nghĩ đến cảnh được ăn bát mì nóng vợ nấu, ngủ một giấc no say rồi thức dậy chuyện trò cùng bà xã những khó khăn mà anh đã vượt qua trong công việc.
Vừa mở cửa, anh đã thấy vợ cuống quýt dắt xe ra, dặn vội: “Mì tôm và thịt bò em để trong tủ, tắm xong anh nấu ăn nhé. Em đi kẻo muộn giờ mất.” Anh Hòa nghệt mặt nhớ ra tuần này vợ mình làm ca sáng. Anh biết mình sẽ phải đối diện với việc nhà và sự lủi thủi, chẳng hơn gì nỗi trống trải của vợ trong những lúc anh làm ca đêm.
“Nhiều lúc áp lực công việc khiến mình căng thẳng, về nhà muốn chia sẻ cùng vợ mà nào có thời gian. Không chịu được, tôi đành tìm đến bạn. Có lần thót tim nhận ra từ lúc nào tôi đã chịu ảnh hưởng của người khác hơn của vợ,” anh Hòa tâm sự.
Một trong những hoàn cảnh tương tự, vợ chồng chị Lan (Liễu Giai, Hà Nội) cũng làm việc lệch giờ nhau. Chị quản lý bán hàng cho siêu thị điện máy còn anh là kỹ sư giám sát chất lượng trong công ty Panasonic Việt Nam. Do đặc thù của công việc nên chị không được nghỉ cuối tuần. Trong khi đó, ngoài chủ nhật, những ngày còn lại anh phải giám sát ca đêm.
Mặc dù là vợ chồng trẻ nhưng hầu như anh chị không có thời gian đi chơi cùng nhau. Những khó khăn trong công việc chị thường giãi bày với đồng nghiệp, còn vui buồn thì tìm đến bạn bè. “Lúc mình cần, chồng hết bận lại mệt. Có lẽ một trong hai người sẽ phải đổi việc, chứ tiếp tục thế này sợ có ngày mình sẽ dựa vào vai người khác mất,” chị Lan lo lắng.
Đòi hỏi chính đáng
Bà Hợi ở Phùng Khoang, Hà Nội thương đứa cháu nội khi bố mẹ nó thường xuyên phải trái giờ làm việc. “Thằng nhóc lúc có mẹ thì vắng bố, khi có bố lại thiếu mẹ. Nhiều khi đưa cháu đi công viên, thấy những đứa trẻ khác vui chơi cùng cả gia đình lại chạnh lòng cho cháu mình,” bà tâm sự.
Theo Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình (Viện Khoa học Xã hội Việt Nam), ngày nay, có nhiều cặp vợ chồng làm việc lệch giờ nhau. Họ có rất ít thời gian đoàn tụ và thường gặp nhau trong tình trạng mệt mỏi. Do vậy, những cuộc trò chuyện cũng vội vã, không được chuẩn bị khiến sự chia sẻ bị giảm trong khi nhu cầu đó luôn tồn tại.
Bên cạnh đó, mối quan hệ bạn bè, đồng nghiệp lại diễn ra thường xuyên. Thời gian gần gũi khiến họ có ảnh hưởng, tác động lên nhau nhiều. Ông Bình chỉ ra, đây chính là một mối nguy hại tiềm ẩn cho hạnh phúc gia đình mà không phải ai cũng nhìn thấy.
Chẳng những vậy, Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình còn nhấn mạnh, vợ chồng làm việc lệch giờ nhau không chỉ khó đáp ứng đời sống tinh thần mà còn ảnh hưởng tới tâm sinh lý. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng biến dạng, méo mó đời sống gia đình. Hiện tượng “gia đình mở rộng” [quan hệ ngoài vợ, ngoài chồng] đã tăng lên.
Ông cho rằng, những gia đình có vợ chồng làm việc trái giờ nhau nguy cơ tan vỡ gấp 3 lần gia đình khác. Vì, khi cuộc sống phát triển, con người có đòi hỏi sống cho bản thân nên không có sự hy sinh triệt để như ngày xưa.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình coi đây là một hiện thực tất yếu mang tính nhân văn. “Những đòi hỏi chính đáng thỏa mãn bản thân của con người nhằm hướng đến chất lượng cuộc sống toàn diện,” ông lý giải.
Mang tâm sự của một người trong cuộc, chị Ngoan cũng thừa nhận, nếu không cố gắng dùng chữ “đạo” trong đời sống vợ chồng thì có lẽ gia đình chị cũng tan vỡ rồi. Chị tâm sự, việc vợ chồng “sao Hôm sao Mai" chỉ là sự hy sinh trong một thời gian nhất định làm bước đệm cho tương lai của mình./.
(Nhân vật trong bài đã được đổi tên)
Do thời gian làm việc lệch nhau nên có nhiều cặp vợ chồng phải chịu cảnh “sao Hôm sao Mai” như trường hợp của chị Ngoan. Điều này trở thành một nguy cơ tiềm ẩn đe dọa đến hạnh phúc gia đình.
Gặp nhau lần nào cũng vội
Anh Hòa là nhân viên kỹ thuật của Công ty Canon Việt Nam, còn vợ làm công nhân cho một công ty lắp đặt đồ điện ở Từ Liêm, Hà Nội. Gần một năm qua anh chị phải làm việc trái giờ nhau. Những bữa cơm chung của hai người chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đó cũng là lý do họ chưa dám sinh con. Cũng vì thế họ thường phải đối diện với nỗi cô đơn.
6 giờ sáng, hết ca làm, anh Hòa về nhà, nghĩ đến cảnh được ăn bát mì nóng vợ nấu, ngủ một giấc no say rồi thức dậy chuyện trò cùng bà xã những khó khăn mà anh đã vượt qua trong công việc.
Vừa mở cửa, anh đã thấy vợ cuống quýt dắt xe ra, dặn vội: “Mì tôm và thịt bò em để trong tủ, tắm xong anh nấu ăn nhé. Em đi kẻo muộn giờ mất.” Anh Hòa nghệt mặt nhớ ra tuần này vợ mình làm ca sáng. Anh biết mình sẽ phải đối diện với việc nhà và sự lủi thủi, chẳng hơn gì nỗi trống trải của vợ trong những lúc anh làm ca đêm.
“Nhiều lúc áp lực công việc khiến mình căng thẳng, về nhà muốn chia sẻ cùng vợ mà nào có thời gian. Không chịu được, tôi đành tìm đến bạn. Có lần thót tim nhận ra từ lúc nào tôi đã chịu ảnh hưởng của người khác hơn của vợ,” anh Hòa tâm sự.
Một trong những hoàn cảnh tương tự, vợ chồng chị Lan (Liễu Giai, Hà Nội) cũng làm việc lệch giờ nhau. Chị quản lý bán hàng cho siêu thị điện máy còn anh là kỹ sư giám sát chất lượng trong công ty Panasonic Việt Nam. Do đặc thù của công việc nên chị không được nghỉ cuối tuần. Trong khi đó, ngoài chủ nhật, những ngày còn lại anh phải giám sát ca đêm.
Mặc dù là vợ chồng trẻ nhưng hầu như anh chị không có thời gian đi chơi cùng nhau. Những khó khăn trong công việc chị thường giãi bày với đồng nghiệp, còn vui buồn thì tìm đến bạn bè. “Lúc mình cần, chồng hết bận lại mệt. Có lẽ một trong hai người sẽ phải đổi việc, chứ tiếp tục thế này sợ có ngày mình sẽ dựa vào vai người khác mất,” chị Lan lo lắng.
Đòi hỏi chính đáng
Bà Hợi ở Phùng Khoang, Hà Nội thương đứa cháu nội khi bố mẹ nó thường xuyên phải trái giờ làm việc. “Thằng nhóc lúc có mẹ thì vắng bố, khi có bố lại thiếu mẹ. Nhiều khi đưa cháu đi công viên, thấy những đứa trẻ khác vui chơi cùng cả gia đình lại chạnh lòng cho cháu mình,” bà tâm sự.
Theo Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình (Viện Khoa học Xã hội Việt Nam), ngày nay, có nhiều cặp vợ chồng làm việc lệch giờ nhau. Họ có rất ít thời gian đoàn tụ và thường gặp nhau trong tình trạng mệt mỏi. Do vậy, những cuộc trò chuyện cũng vội vã, không được chuẩn bị khiến sự chia sẻ bị giảm trong khi nhu cầu đó luôn tồn tại.
Bên cạnh đó, mối quan hệ bạn bè, đồng nghiệp lại diễn ra thường xuyên. Thời gian gần gũi khiến họ có ảnh hưởng, tác động lên nhau nhiều. Ông Bình chỉ ra, đây chính là một mối nguy hại tiềm ẩn cho hạnh phúc gia đình mà không phải ai cũng nhìn thấy.
Chẳng những vậy, Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình còn nhấn mạnh, vợ chồng làm việc lệch giờ nhau không chỉ khó đáp ứng đời sống tinh thần mà còn ảnh hưởng tới tâm sinh lý. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng biến dạng, méo mó đời sống gia đình. Hiện tượng “gia đình mở rộng” [quan hệ ngoài vợ, ngoài chồng] đã tăng lên.
Ông cho rằng, những gia đình có vợ chồng làm việc trái giờ nhau nguy cơ tan vỡ gấp 3 lần gia đình khác. Vì, khi cuộc sống phát triển, con người có đòi hỏi sống cho bản thân nên không có sự hy sinh triệt để như ngày xưa.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình coi đây là một hiện thực tất yếu mang tính nhân văn. “Những đòi hỏi chính đáng thỏa mãn bản thân của con người nhằm hướng đến chất lượng cuộc sống toàn diện,” ông lý giải.
Mang tâm sự của một người trong cuộc, chị Ngoan cũng thừa nhận, nếu không cố gắng dùng chữ “đạo” trong đời sống vợ chồng thì có lẽ gia đình chị cũng tan vỡ rồi. Chị tâm sự, việc vợ chồng “sao Hôm sao Mai" chỉ là sự hy sinh trong một thời gian nhất định làm bước đệm cho tương lai của mình./.
(Nhân vật trong bài đã được đổi tên)
Thiên Linh (Vietnam+)