Trong bối cảnh lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đang nhanh chóng có những điều chỉnh để thích nghi với những hoàn cảnh mới và vẫn liên tục có thêm những chiến binh ngoại giao gia nhập hàng ngũ của chúng, các quốc gia thành viên Liên hợp quốc phải đề ra phương án đối phó mang tính chiến lược, trong đó bao gồm cả việc giải quyết những nguyên nhân chính trị và kinh tế xã hội của các cuộc xung đột, đặc biệt là ở Syria và Lybia.
Phó Tổng thư ký phụ trách các vấn đề chính trị Jeffrey Feltman đã đưa ra kết luận trên trong buổi báo cáo đầu tiên trước Hội đồng Bảo an về những nỗ lực của Liên hợp quốc nhằm chống lại IS và các chi nhánh của chúng.
Trong báo cáo trước Hội đồng Bảo an ông Feltman đã nêu bật một số phát hiện quan trọng về hoạt động của lực lượng khủng bố IS.
Trước hết, các cuộc xung đột và tình trạng bất ổn định kéo dài tại Iraq và Syria cũng như việc các nhà nước này không thể kiểm soát được các vùng lãnh thổ và biên giới quốc gia đã tạo "cơ hội" để IS trỗi dậy mạnh mẽ.
Thứ hai, nhờ có nguồn tài chính ổn định và mối quan hệ với các tội pháp có tổ chức xuyên quốc gia, IS đang mở rộng hoạt động sang các khu vực khác.
Thứ ba, IS đang theo đuổi chiến lược bành trướng sang toàn cầu, các hoạt động của chúng trải rộng khắp Tây và Bắc Phi, Trung Đông, Nam và Nam Á đang thu hút được lượng đáng kể các tay súng khủng bố trên toàn thế giới tham gia.
Hiện có khoảng 30.000 chiến binh nước ngoài cộng tác tích cực với IS. Trong nửa cuối năm 2015, những kẻ ủng hộ IS đã tiến hành thành công nhiều vụ tấn công khủng bố có quy mô khá lớn, mà điển hình là các vụ tại Paris, Beirut và Jakarta.
Thứ tư, IS tiếp tục đàn áp người dân đang chịu sự kiểm soát của chúng bằng các hình thức man rợ như hành quyết hàng loạt, tra tấn, bạo lực tình dục, biến trẻ em thành nô lệ.
Thứ năm, các nguồn tài chính của chốt của IS gồm khai thác dầu và một số tài nguyên thiên nhiên khác, "thu thuế," tịch thu và cướp bóc các di tích khảo cổ, cũng như sử dụng Internet và các trang mạng xã hội để gây quỹ.
Báo cáo nhấn mạnh rằng đối phó với mối đe dọa IS thuộc về trách nhiệm của Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác. Do đó, các quốc gia thành viên Liên hợp quốc cần phải kịp thời trao đổi thông tin tình báo, thực thi các nghị quyết có liên quan của Hội đồng Bảo an và củng cố việc phối hợp với lĩnh vực tư nhân để đối phó với mối đe dọa IS.
Để ngăn chặn, hoạt động tuyển mộ chiến binh của IS, báo cáo kiến nghị cần phải có những biện pháp phòng ngừa, tập trung vào việc giáo dục cho thanh niên - những đối tượng dễ bị xúi giục có những hành vi bạo lực cực đoan./.