LHQ đề nghị bảo vệ trẻ em trong các cuộc xung đột

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon khẩn thiết kêu gọi chính phủ các nước tăng cường bảo vệ trẻ em trước các cuộc tấn công.
Trong báo cáo hàng năm gửi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 11/5, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon nhấn mạnh năm 2010 là năm tồi tệ nữa đối với trẻ em trong các cuộc xung đột trên toàn cầu.

Tổng Thư ký khẩn thiết kêu gọi chính phủ các nước tăng cường bảo vệ trẻ em trước các cuộc tấn công, tình trạng bắt trẻ em đi lính, giết hại, gây thương tật và các hình thức bạo lực tình dục.

Tổng Thư ký Ban Ki-moon khẳng định trường học phải là các địa điểm an toàn và khu vực hòa bình để trẻ em học tập và phát triển.

Ông nêu bật hiện trạng 22 nước trên thế giới, trong đó điển hình ở 15 nước đã tái diễn nghiêm trọng các cuộc tấn công quân sự vào các trường học và bệnh viện, buộc các địa điểm này phải đóng cửa hoặc bị sử dụng làm nơi tuyển mộ hoặc bắt trẻ em đi lính.

Theo ông Ban, xu hướng này đang ngày càng nghiêm trọng ở các nước có xung đột và Hội đồng Bảo an cần quy trách nhiệm và trừng phạt những bên chủ mưu gây ra các cuộc tấn công này.

Báo cáo của Tổng Thư ký Liên hợp quốc cũng ghi nhận tiến bộ ở Afghanistan trong việc giải ngũ cũng như ngăn chặn tuyển mộ lính trẻ em trong quân đội nước này.

Somalia, Philippines cũng đã cam kết không tuyển mộ lính trẻ em và giải ngũ các đối tượng thuộc diện này.

Liên hợp quốc nhận định mặc dù tình trạng đối xử với trẻ em ở các nước xung đột vẫn nghiêm trọng trong năm 2011, nhưng điều đáng khuyến khích là ngày càng có nhiều bên tiếp cận Liên hợp quốc để tham gia chương trình hành động về bảo vệ trẻ em trong các cuộc xung đột.

Trong khi đó, Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cũng công bố báo cáo cho thấy những bất ổn tại Trung Đông và Bắc Phi đang tác động tiêu cực tới tâm lý của trẻ em tại khu vực này. Số trẻ em thiệt mạng trong các cuộc đụng độ liên tục gia tăng, những em may mắn thoát chết thì luôn sống trong căng thẳng, sợ hãi.

UNICEF khẳng định trẻ em cần được giúp đỡ để tái hòa nhập vào cuộc sống, quên đi thảm kịch bạo lực, tình trạng mất an ninh, và chính phủ các nước cần có giải pháp cụ thể cho mục tiêu này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục