LHQ kêu gọi thay đổi phương thức giải quyết xung đột Israel-Palestine

Theo phái viên của Liên hợp quốc về tiến trình hòa bình Trung Đông, Liên hợp quốc, Hội đồng Bảo an và cộng đồng quốc tế nói chung đều sa vào khuôn mẫu "quản lý, thay vì giải quyết" xung đột Palestine.
LHQ kêu gọi thay đổi phương thức giải quyết xung đột Israel-Palestine ảnh 1Phái viên Nickolay Mladenov. (Nguồn: THX/TTXVN)

Phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 25/1, phái viên của Liên hợp quốc về tiến trình hòa bình Trung Đông, ông Nickolay Mladenov nhận định Liên hợp quốc, Hội đồng Bảo an và cộng đồng quốc tế nói chung đều sa vào khuôn mẫu "quản lý, thay vì giải quyết" cuộc xung đột Palestine-Israel.

Ông Mladenov cũng nhấn mạnh giờ là lúc cần chấm dứt thế bế tắc này, chứng tỏ khả năng lãnh đạo chính trị và thúc đẩy những chính sách trên thực địa để gây dựng lòng tin.

Phái viên Mladenov đã nói với các thành viên Hội đồng Bảo an rằng "25 năm kể từ khi Hiệp định Oslo được ký kết, chúng ta đang ở giai đoạn quyết định trong tiến trình hòa bình Trung Đông." Tuy nhiên, tính bấp bênh và không ổn định của môi trường hiện nay khiến tất cả các bên đưa ra những quan điểm cứng rắn hơn và những phát biểu gay gắt hơn. Hậu quả là những phần tử cực đoan lợi dụng tình huống này để kích động một cuộc xung đột khác.

[Tổng thống Palestine: Israel đã "chấm dứt" thỏa thuận hòa bình Oslo]

Ông kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp tục gây dựng những điều kiện cần thiết để nối lại các cuộc đàm phán đồng thời tái khẳng định rằng giải pháp hai nhà nước vẫn là phương án khả thi duy nhất để đạt được sự chấm dứt một cách công bằng và bền vững cho cuộc xung đột. Giải pháp hai nhà nước có nghĩa là Israel và Palestine tồn tại như hai nhà nước riêng biệt sống bên nhau trong hòa bình, an ninh và công nhận lẫn nhau.

Trong bối cảnh năm nay kỷ niệm 25 năm ngày ký kết Hiệp ước Oslo (văn kiện đề ra thời gian biểu cho việc đạt được hòa bình giữa Israel và Palestine), đặc phái viên Liên hợp quốc hối thúc các bên thực thi những chính sách tái gây dựng lòng tin; can dự vào các vấn đề về quy chế cuối cùng dựa trên cơ sở sự thống nhất của quốc tế; nhằm chứng tỏ khả năng lãnh đạo chính trị để gỡ bỏ những trở ngại đối với một giải pháp bền vững.

Ông Mladenov nhấn mạnh đến những cái giá đắt phải trả mà sự tê liệt này gây ra như tình trạng bạo lực và mất an ninh tiếp diễn; Israel mở rộng chưa từng có các khu định cư bất hợp pháp; sự chia rẽ chính trị dai dẳng của người Palestine, tình trạng khó khăn ở Dải Gaza.

Đây là lần đầu tiên kể từ khi Đại hội đồng Liên hợp quốc tiến hành bỏ phiếu phản đối quyết định về Jerusalem của Mỹ, Hội đồng Bảo an nhóm họp để thảo luận về tiến trình hòa bình giữa Israel-Palestine. Tại phiên họp, Đại sứ Mỹ Nikki Haley cho biết Mỹ vẫn "giữ cam kết mạnh mẽ" đối với một thỏa thuận hòa bình Israel-Palestine, song cũng chỉ trích phản ứng của ban lãnh đạo Palestine đối với quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.

Đáp lại lời bà Nikki, Đại sứ Palestine Riyad Mansour giải thích rằng việc Palestine phản đối quyết định của Mỹ về Jerusalem không nhằm mục đích "không tôn trọng" mà thay vào đó là "quan điểm được bắt nguồn từ việc hoàn toàn tôn trọng luật pháp, các nguyên tắc của công lý và sự công bằng."

Tại phiên họp, Đại sứ Pháp Francois Delattre bày tỏ quan ngại trước quyết định của Mỹ đóng băng khoản viện trợ cho Cơ quan Cứu trợ và Hành động của Liên hợp quốc (UNRWA) phụ trách viện trợ nhân đạo cho người tị nạn Palestine.

Ông Delattre cho rằng việc cắt giảm này sẽ tác động xấu tới hoạt động của UNRWA trong bối cảnh có hơn 5 triệu người tị nạn tại các vùng lãnh thổ Palestine và khu vực cần được giúp đỡ. Ông cảnh báo rằng "UNRWA càng suy yếu, sẽ càng có nhiều tổ chức khủng bố biến những trại tị nạn thành nơi chiêu mộ quân"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục