LHQ khởi động tiến trình hòa bình ở Tây Sahara: Nhiệm vụ bất khả thi?

Ông Staffan de Mistura - Đặc phái viên riêng của Tổng thư ký Liên hợp quốc về Tây Sahara là người chịu trách nhiệm đưa chính quyền Maroc và đại diện của Mặt trận Polisario trở lại bàn đàm phán.
LHQ khởi động tiến trình hòa bình ở Tây Sahara: Nhiệm vụ bất khả thi? ảnh 1Tây Sahara là thuộc địa cuối cùng ở châu Phi, bị Maroc chiếm đóng từ năm 1975, dưới sự hỗ trợ của Pháp. (Nguồn: AFP)

Theo trang mạng cresus.dz/liberte-algerie.com/atlantico.fr/horizons.dz, ông Staffan de Mistura - Đặc phái viên riêng của Tổng thư ký Liên hợp quốc về Tây Sahara - vừa có chuyến công du đầu tiên của ông để gặp gỡ các bên có liên quan trong nỗ lực khởi động lại tiến trình hòa bình tại khu vực này.

Ông Staffan de Mistura khởi đầu bằng chuyến thăm Rabat (Maroc), tiếp đến là thăm các trại tị nạn tại Tây Sahara, sau đó là đến Nouakchott (Mauritania), và Algeria là điểm dừng chân cuối cùng của chuyến công du.

Ông Staffan de Mistura nhậm chức người đứng đầu phái bộ Liên hợp quốc vào tháng 11/2021.

Ông là người chịu trách nhiệm đưa chính quyền Maroc và đại diện của Mặt trận Polisario trở lại bàn đàm phán - một nhiệm vụ được đánh giá là cực kỳ khó khăn bởi ông đã là hòa giải viên thứ 13 được giao nhiệm vụ này.

Trong suốt chuyến công du đầu tiên của mình, ông Staffan de Mistura chỉ lắng nghe các bên liên quan và kiềm chế không đưa ra bất kỳ tuyên bố công khai nào.

Ông mong muốn được nghe quan điểm của tất cả các bên liên quan về cách để tiến tới nối lại tiến trình chính trị ở Tây Sahara.

Sự vắng mặt của một đặc phái viên mới của Liên hợp quốc trong hơn 2 năm, kể từ khi ông Horst Köhler - người tiền nhiệm của ông Mistura - từ chức vào tháng 5/2019 đã cho thấy sự bế tắc trong tiến trình hòa bình tại đây.

Tây Sahara, rộng 266 nghìn km2, là một vùng lãnh thổ tranh chấp thuộc vùng Maghreb của Bắc Phi, ven Đại Tây Dương và giáp với Maroc, Algeria và Mauritania. Phần lớn lãnh thổ là địa hình sa mạc, thuộc phía Tây của hoang mạc Sahara, mật độ dân cư khá thưa thớt.

Tây Sahara nằm trong Danh sách những lãnh thổ không tự trị của Liên hợp quốc từ những năm 1960 khi nó còn là thuộc địa của Tây Ban Nha. Vùng đất này là thuộc địa cuối cùng ở châu Phi, bị Maroc chiếm đóng từ năm 1975, dưới sự hỗ trợ của Pháp.

Trên thực địa, Maroc hiện đang kiểm soát gần 80% lãnh thổ, đề xuất một kế hoạch tự trị thuộc chủ quyền của mình và gọi vùng đất này là Các tỉnh phía Nam hay Sahara thuộc Maroc.

Trong khi đó, những người ly khai của Mặt trận Polisario hiện kiểm soát 20% lãnh thổ, đòi giành độc lập dưới tên nhà nước Cộng hoà Dân chủ Arab Saharawi. Polisario đang đấu tranh để yêu cầu một cuộc trưng cầu dân ý về quyền tự quyết cho người dân tại Saharawi.

Tình trạng của lãnh thổ này cũng là vấn đề tranh chấp chính giữa hai đối thủ nặng ký ở khu vực Maghreb là Maroc và Algeria - nước ủng hộ chính của Polisario.

Vào ngày 13/11/2020, lệnh ngừng bắn được ký kết vào năm 1991 giữa Maroc và Mặt trận Polisario dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc đã bị phá vỡ sau khi Maroc triển khai quân đội ở cực Nam Tây Sahara để đánh bật những người ly khai đang chặn con đường duy nhất đến Mauritania, một hành động mà Polisario cho là bất hợp pháp.

Cuối tháng 10/2021, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã kêu gọi "các bên" nối lại các cuộc đàm phán "mà không cần điều kiện tiên quyết và thiện chí," đồng thời thông qua một nghị quyết gia hạn Minurso, phái bộ của Liên hợp quốc trong khu vực tranh chấp, thêm một năm.

Các bên không thể tìm được tiếng nói chung

Quá trình tiếp quản và thực thi nhiệm vụ đầu tiên của Đặc phái viên của Tổng thư ký Liên hợp quốc về Tây Sahara đã được dự báo là không suôn sẻ ngay từ đầu với sự không khoan nhượng của Rabat. Người đứng đầu ngành ngoại giao Maroc tái khẳng định, vào cuối cuộc gặp với ông Mistura, rằng "Quan điểm của vương quốc vẫn giữ nguyên về vấn đề Tây Sahara." Điều này có nghĩa là đối với Maroc, điều kiện tiên quyết để họ nối lại đàm phán với Mặt trận Polisario là sáng kiến Tây Sahara tự trị thuộc chủ quyền của mình.

Về phần mình, Mặt trận Polisario quyết định "tăng cường" cuộc đấu tranh vũ trang chống lại Maroc để giành chủ quyền đối với toàn bộ lãnh thổ tranh chấp Tây Sahara.

[Việt Nam kêu gọi các bên xung đột ở Tây Sahara sớm quay lại đàm phán]

Brahim Ghali - lãnh đạo phong trào độc lập Polisario - cho biết: "Người Saharawi đã quyết định tăng cường cuộc đấu tranh giải phóng bằng mọi biện pháp, trên hết là cuộc đấu tranh vũ trang, cho đến khi thiết lập chủ quyền của Cộng hòa Saharawi (tự xưng bởi Polisario) trên toàn bộ lãnh thổ của mình."

Đối với người saharawi, quyền tự quyết của họ là một quyền không thể đem ra bàn cãi và họ sẽ đấu tranh để giành lấy bằng mọi giá.

Những lợi ích phía sau

Chủ tịch Điều phối châu Âu về hỗ trợ và đoàn kết với người dân Saharawi (Eucoco), Pierre Galand, nói rằng người dân Maroc nên đặt câu hỏi về những người hưởng lợi thực sự từ các hiệp định thương mại EU-Maroc, trong đó bao gồm phần lãnh thổ Tây Sahara bị chiếm đóng.

Phát biểu trên mạng xã hội, ông Pierre Galand nhấn mạnh: "Ngày nay, người dân Maroc không đạt được gì trong cuộc chiến chống lại Mặt trận Polisario."

Ông cho rằng những người hưởng lợi từ việc khai thác bất hợp pháp tài nguyên thiên nhiên của Tây Sahara trong lĩnh vực thủy sản và phốtphát là nhà vua và một số nhà tài phiệt lớn của Maroc, những người hưởng lợi nhờ chia sẻ quyền khai thác này với Tây Ban Nha để đánh bắt cá và với Pháp để lấy phốtphát.

Đề cập đến đề xuất của Maroc với Liên hợp quốc về trao "quyền tự trị rộng rãi" cho Tây Sahara, ông Galand nhận định điều đó chứng minh rằng Maroc hành xử như một cường quốc thuộc địa. Tất cả các cường quốc thuộc địa vào thời điểm gặp khó khăn đều đưa ra đề xuất "tự trị rộng rãi" cho các thuộc địa cũ của họ.

Ông cũng lên án rằng hơn 30 năm sau thỏa thuận ngừng bắn đầu tiên được ký kết giữa Maroc và Mặt trận Polisario để tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về quyền tự quyết vào năm 1991, không có điều gì được thực hiện. Maroc đã làm mọi thứ để đảm bảo rằng cuộc trưng cầu dân ý này sẽ không bao giờ diễn ra.

Ngoài ra, ông Galand cũng cho rằng lý do khiến Pháp hiện vẫn luôn sát cánh cùng Maroc đó là vì họ vẫn muốn duy trì sự ảnh hưởng chính trị không chỉ đối với Maroc mà còn đối với châu Phi.

Thực trạng đáng quan ngại

Ở các vùng lãnh thổ do mình kiểm soát, lực lượng chiếm đóng Maroc bị tố cáo là che giấu tình hình chiến tranh và vi phạm nhân quyền.

Nhà hoạt động nhân quyền người Pháp Claude Mangin nói rằng các cường quốc phương Tây, đặc biệt là Pháp, phải theo dõi những gì đang xảy ra ở Tây Sahara.

Bà kêu gọi Hội đồng Bảo an cung cấp thêm nguồn lực cho đặc phái viên mới của Liên hợp quốc để khôi phục kế hoạch giải quyết của Liên hợp quốc.

"Các cường quốc phương Tây phải theo dõi những gì đang xảy ra ở Tây Sahara, vì mặc dù châu Âu không xa Maghreb về mặt địa lý nhưng chẳng ai quan tâm."

Bà cảnh báo về sự xấu đi của tình hình nhân quyền ở Tây Sahara, nơi đã bị cô lập về truyền thông kể từ năm 2014. Sự đàn áp các nhà hoạt động Saharawi vì độc lập và tự quyết ở các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng đã trở nên "kinh hoàng" trong một năm rưỡi nay.

Mô tả tình hình là "một nhà tù ngoài trời lớn," vợ của tù nhân chính trị Saharawi, Naâma Asfari, đã không ngừng lên án sự im lặng của các cơ quan quốc tế mặc dù được cảnh báo thông qua các báo cáo và thông tin liên lạc.

Các tù nhân chính trị Saharawi (khoảng 1.000 người) bị bắt nhốt, tra tấn và ngược đãi. Để tiếng nói của mình được lắng nghe, một số người đã tuyệt thực. Đại dịch COVID-19 cũng làm phức tạp thêm tình hình vốn đã bấp bênh của họ.

Bên cạnh đó, lệnh cấm các chuyến thăm trong hai năm qua càng làm tăng thêm sự cô lập.

Chuyến thăm của đặc phái viên riêng của Tổng thư ký Liên hợp quốc Staffan de Mistura đến các trại tị nạn được đánh giá là đã giúp phơi bày tuyên truyền sai lệch của Maroc với cộng đồng quốc tế về tình hình người tị nạn Saharawi.

Trong cuộc gặp với ông Mistura, Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền Saharawi, Al Hassain Salek, cũng nhấn mạnh nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến các vi phạm nhân quyền. Ông cũng đề cập đến lệnh cấm vận truyền thông và an ninh áp đặt lên các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng, bao gồm chính sách cấm các quan sát viên, nhà báo và phương tiện truyền thông quốc tế xâm nhập để ngăn chặn họ phản ánh tình hình thực tế, bất chấp sự hiện diện của phái bộ Minurso.

Quan chức Saharawi này đề nghị ông Mistura đến thăm cả lãnh thổ Saharawi bị chiếm đóng và các vùng lãnh thổ Saharawi được giải phóng để có cái nhìn bao quát về thực tế của cuộc xung đột ở Tây Sahara nhằm xác định quá trình giải quyết và hình thức đối thoại giữa hai bên trong cuộc xung đột.

Ông cũng nhấn mạnh rằng "việc nối lại các cuộc đàm phán không có nghĩa là chấm dứt cuộc đấu tranh vũ trang bởi vì tăng cường đấu tranh vũ trang mới có thể giúp phá vỡ chế độ chuyên chế Maroc, tạo điều kiện thuận lợi cho đối thoại và đàm phán."

Trong những ngày tới, Staffan de Mistura sẽ đệ trình báo cáo nhiệm vụ của mình lên Tổng thư ký Liên hợp quốc. Liệu ông Mistura có thể giúp kết nối lại các bên có liên quan để chấm dứt sự bế tắc?

Các nhà quan sát cho rằng nếu không có ý chí chính trị từ các thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an, ông Mistura cũng chỉ nối dài danh sách những người không thể làm gì nhiều để giải quyết cuộc xung đột kéo dài 47 năm ở Tây Sahara này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục