LHQ thảo luận hiệp ước kiểm soát buôn bán vũ khí

LHQ đang thảo luận nhằm đề ra và thống nhất tiêu chuẩn quốc tế liên quan tới nhập khẩu, xuất khẩu và trao đổi vũ khí thông thường.
Ngày 2/7, tại trụ sở ở New York, Mỹ, Đại Hội đồng Liên hợp quốc bắt đầu phiên thảo luận nhằm soạn thảo và thông qua Hiệp ước quốc tế về buôn bán vũ khí.

Tham gia hội nghị có đại diện của 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế, các nhóm xã hội, giới báo chí và các tổ chức buôn bán vũ khí.

Mục tiêu của hội nghị, dự kiến kéo dài tới ngày 27/7 này, là đề ra và thống nhất các tiêu chuẩn quốc tế liên quan tới vấn đề nhập khẩu, xuất khẩu và trao đổi vũ khí thông thường.

Nhân dịp này, hơn 30 nghệ sỹ, diễn viên và họa sỹ nổi tiếng thế giới, trong đó có nghệ sỹ Yoko Ono, Scarlett Johansson và Annie Lennox, đã ký tên trong một bức thư ngỏ gửi lên Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon, đề nghị thống nhất các nỗ lực của quốc tế và thông qua khẩn cấp một hiệp ước về kiểm soát buôn bán vũ khí toàn cầu.

Theo bức thư, hiện nay, số lượng đạn dược được sản xuất ra hàng năm gấp đôi số dân trên Trái Đất. Vì không có các quy định chung điều chỉnh hoạt động buôn bán vũ khí, nên không ai có thể nói chính xác số đạn dược này sẽ đi về đâu và chúng sẽ cướp đi bao nhiêu sinh mạng.

Những người ký tên trong bức thư kêu gọi các chính phủ thực hiện bước đi quyết định, nhanh chóng thông qua một hiệp ước có giá trị và có hiệu lực nhằm bảo vệ các quyền của con người.

Bức thư nhấn mạnh một hiệp ước kiểm soát buôn bán vũ khí như vậy sẽ giúp chấm dứt sự chết chóc và thương tật vô ích của con người trong các cuộc xung đột vũ trang; và việc giải quyết được thỏa thuận này là vấn đề giữa sự sống và cái chết.

Ý tưởng về một hiệp ước toàn cầu liên quan tới buôn bán vũ khí được một nhóm các nhà khoa học giành giải Nobel đưa ra từ năm 1995, song tới năm 2009, Đại Hội đồng Liên hợp quốc mới quyết định bắt đầu chuẩn bị triệu tập một hội nghị thảo luận vấn đề này.

Dự kiến, hiệp ước kiểm soát buôn bán vũ khí này sẽ không đề cập tới vấn đề mua bán vũ khí trong nội bộ riêng từng nước cũng như việc sở hữu vũ khí của công dân, mà liên quan tới hoạt động buôn bán và cung cấp vũ khí quốc tế. Hiệp ước này sẽ có hiệu lực khi được ít nhất 60 nước thông qua, trong đó có 10 nước là nhà xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục