LHQ và AU tổ chức đối thoại phá vỡ bế tắc chính trị tại Sudan

Cuộc đối thoại nhằm tìm cách phá vỡ bế tắc chính trị ở Sudan và ngăn chặn một vòng xoáy kinh tế sau khi các nhà lãnh đạo của chính quyền quân sự lên nắm quyền hồi tháng 10 năm ngoái.
LHQ và AU tổ chức đối thoại phá vỡ bế tắc chính trị tại Sudan ảnh 1Người dân tham gia biểu tình yêu cầu chuyển tiếp sang chính quyền dân sự tại Sahafa, ngoại ô Khartoum, Sudan, ngày 25/12/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cuộc đối thoại do Liên hợp quốc và Liên minh châu Phi (AU) bảo trợ nhằm khôi phục trật tự chính trị tại Sudan đã bắt đầu ngày 8/6, trong đó có sự tham dự của các nhà lãnh đạo chính quyền quân sự và các đảng phái chính trị khác.

Cuộc đàm phán nhằm tìm cách phá vỡ bế tắc chính trị ở Sudan và ngăn chặn một vòng xoáy kinh tế sau khi các nhà lãnh đạo của chính quyền quân sự lên nắm quyền hồi tháng 10 năm ngoái.

[Sudan ban hành sắc lệnh dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc]

Mở đầu cuộc đàm phán, đặc phái viên AU tại Sudan, Mohamed Hassan Lebatt, cho biết hiện một số nhân vật chính trị quan trọng không tham dự cuộc họp này và điều này có thể cản trở việc tìm kiếm một giải pháp chính trị cho quốc gia Bắc Phi.

Cuộc đảo chính tháng 10/2021 của giới quân sự làm gián đoạn quá trình chuyển đổi hòa bình sang dân chủ ở Sudan, chấm dứt thỏa thuận chia sẻ quyền lực giữa quân sự với các chính đảng dân sự đạt được sau khi quân đội lật đổ nhà lãnh đạo lâu năm Omar al-Bashir vào tháng 4/2019.

Kể từ thời điểm Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang Sudan, Tướng Abdel Fattah Al-Burhan ban bố tình trạng khẩn cấp ngày 25/10/2021, giải tán chính phủ và Hội đồng Chủ quyền, Sudan đã rơi vào cuộc khủng hoảng chính trị.

Thủ đô Khartoum cũng như các thành phố lớn khác luôn phải đối mặt với các cuộc biểu tình do các đảng phái chính trị đã kêu gọi đòi quay trở lại chế độ dân sự.

Nhiều tổ chức quốc tế đã thúc đẩy đối thoại trong nội bộ của Sudan nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị.

Tuy nhiên, các đảng phái chính trị đòi quay trở lại chế độ dân sự đã tẩy chay các cuộc đàm phán này, cho rằng hình thức đàm phán hiện nay là để tìm cách hợp pháp hóa chính quyền quân sự./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục