Ngày 24/1, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã chỉ định nhà trung gian hòa giải đồng thời là cựu quan chức phụ trách hoạt động cứu trợ Martin Griffiths làm đặc phái viên phụ trách đàm phán hòa bình tại Yemen, đảm nhận sứ mệnh mà hai phái viên trước đó đã rút lui do không đạt tiến triển.
Ông Griffiths, một cựu nhà ngoại giao Anh, sẽ thay ông Ismail Ould Cheikh Ahmed. Trước đó, ông Cheikh Ahmed đã tuyên bố rút lui khỏi vai trò trung gian đàm phán tại Yemen. Người tiền nhiệm của ông, Jamal Benomar, cũng đã từ bỏ sứ mệnh này hồi tháng 4/2015 sau bốn năm nỗ lực thúc đẩy giai đoạn chuyển tiếp chính trị tại Yemen thất bại.
Ông Griffiths hiện là giám đốc điều hành Viện Hòa bình châu Âu có trụ sở tại Brussels (Bỉ) và từng tham gia giúp lập Trung tâm Đối thoại nhân đạo tại Geneva, Thụy Sĩ, chuyên về đối thoại chính trị. Ông từng là cố vấn về trung gian hòa giải cho cựu Tổng Thư ký Liên hợp quốc Kofi Annan trong sứ mệnh tại Syria, đồng thời là người điều phối nhân đạo cho khu vực Hồ Lớn vào những năm 90 của thế kỷ trước. Năm 1994, ông được bổ nhiệm làm giám đốc phụ trách các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc tại Geneva và sau đó phụ trách hoạt động điều phối viện trợ khẩn cấp của Liên hợp quốc tại New York từ năm 1998.
Cũng liên quan đến vấn đề Yemen, phóng viên TTXVN tại Bắc Phi dẫn truyền Saudi Arabia cho biết các cuộc tấn công nhằm vào thủ phủ của phiến quân tại tỉnh Saada đã tiêu diệt 40 tay súng.
[Mỹ, Anh, UAE, Saudi Arabia thảo luận một giải pháp chính trị cho Yemen]
Các đợt không kích tăng cường của liên quân diễn ra sau khi Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel al-Jubeir thảo luận với người đồng cấp các nước Anh, Mỹ và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) tại Paris (Pháp) hôm 23/1 về xung đột tại Yemen và Syria. Tại đây, Ngoại trưởng Anh Boris Johnson khẳng định không có một giải pháp quân sự nào cho căng thẳng tại Yemen và Syria, chỉ có hòa bình và đàm phán chính trị mới có thể giải quyết được triệt để vấn đề.
Liên minh do Saudi Arabia dẫn đầu đang phải chịu nhiều áp lực từ quốc tế do các tác động của cuộc can thiệp quân sự được tiến hành gần ba năm qua tại Yemen đối với hoạt động nhân đạo.
Lực lượng hùng hậu của liên minh đã không thể ngăn cản phiến quân, hiện vẫn kiểm soát thủ đô Sanaa và nhiều vùng cao nguyên phía Bắc và bờ biển Đỏ. Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có hơn 9.200 người thiệt mạng tại Yemen - phần lớn là thường dân - kể từ khi liên quân Saudi Arabia bắt đầu can thiệp quân sự.
Hơn 1/4 trong tổng số 29 triệu người Yemen đang cần trợ giúp nhân đạo, và khoảng 8,4 triệu người đang đối mặt với nạn đói.
Liên minh do Arabia Saudi dẫn đầu trong tuần này đã cam kết thực hiện gói viện trợ mới cho Yemen trị giá 1,5 tỷ USD sau khi Liên hợp quốc đưa ra lời kêu gọi giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo được cho là tồi tệ nhất thế giới này./.