Liên minh châu Âu chia rẽ về cách thức giải quyết vấn nạn tin giả

Các hiệp hội tiêu dùng và các nhà lập pháp châu Âu kêu gọi một lập trường cứng rắn hơn để chấm dứt nạn tin giả, trong khi các doanh nghiệp lại bác bỏ việc áp dụng quy định để giải quyết vấn nạn này.
Liên minh châu Âu chia rẽ về cách thức giải quyết vấn nạn tin giả ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: cnbc.com)

Sự chia rẽ về cách thức giải quyết nạn tin giả đã nổi lên sau khi các chuyên gia của Ủy ban châu Âu ngày 13/3 kêu gọi các nhóm công nghệ và doanh nghiệp truyền thông xã hội chấp nhận bộ quy tắc mang tính tự nguyện nhằm chấm dứt tình trạng này.

Báo cáo của Nhóm chuyên gia Cấp cao về tin giả và tin tức sai sự thật nhấn mạnh các nền tảng trực tuyến cần minh bạch hơn về cách thức tin tức được chia sẻ.

Các hiệp hội tiêu dùng và các nhà lập pháp châu Âu kêu gọi một lập trường cứng rắn hơn so với đề xuất của các chuyên gia ngày 12/3, trong khi các doanh nghiệp lại bác bỏ việc áp dụng quy định để giải quyết vấn nạn trên.

Ủy viên châu Âu về thị trường kỹ thuật số Mariya Gabriel cho rằng quan điểm của các chuyên gia sẽ giúp đưa ra một số phương án giải quyết tốt hơn các nguy cơ do việc lan truyền thông tin sai lệch trên mạng.

Dự kiến, EU sẽ đề ra dự thảo chiến lược đầu tiên vào tháng tới.

Các hãng công nghệ như Facebook, Google đang đối mặt với làn sóng chỉ trích ngày càng tăng do thất bại trong việc chấm dứt nạn tin giả, cũng như những bình luận mang tính kích động hận thù.

[Mega Story] Cuộc chiến chống fake news và trách nhiệm của báo chí

Báo cáo cho rằng các doanh nghiệp nên tuân thủ theo một bộ quy tắc nhằm đảm bảo tính minh bạch thông qua việc giải thích cách thức thuật toán lựa chọn thông tin để đăng tải.

Báo cáo nhấn mạnh các công ty công nghệ nên hợp tác với các hãng tin châu Âu để tăng cường lượng tin tức đáng tin cậy.

Về phần mình, Nhóm chuyên gia Cấp cao về tin giả và tin tức sai sự thật cho rằng thuật ngữ "tin giả" là không chính xác mà nên được coi là thông tin sai lệch khi nó bị trộn lẫn với tin thật.

Hãng phần mềm và trình duyệt web Mozilla đã bác đề xuất áp dụng quy tắc của các chuyên gia do bản chất phức tạp và đa nhân tố cả về nguyên nhân và tác động của hiện tượng tin giả khiến giải pháp một quy định duy nhất cho tất cả là không phù hợp.

Trong khi đó, bà Marietje Schaake, thành viên Nghị viện châu Âu, nhấn mạnh báo cáo của các chuyên gia cho thấy thiếu sót lớn khi không giải quyết triệt để tác nhân then chốt của việc phổ biến tin tức sai sự thật, vốn nằm trong các thuật toán và mô hình quảng cáo trực tuyến đang thống trị phần lớn các nền tảng công nghệ.

Theo bà, chính các mô hình trên đã đẩy các nội dung mang tính giật gân vào các trang cập nhật thông tin.

Tổ chức Người tiêu dùng châu Âu (BEUC) cũng nhất trí rằng báo cáo này không giải quyết được tận gốc nguyên nhân của vấn đề.

Tổng Giám đốc BEUC Monique Goyens tin rằng các nền tảng như Google hoặc Facebook đang hưởng lợi lớn từ việc người dùng đọc và chia sẻ bài báo giả chứa đựng các thông tin quảng cáo. Tuy nhiên, nhóm chuyên gia lại lờ đi mô hình kinh doanh này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục