Liên minh châu Âu tìm cách tăng nguồn cung khí đốt tự nhiên hóa lỏng

Kể từ khi Moskva mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine ngày 24/2, các quốc gia thành viên EU đã cố gắng tìm cách hạn chế tình trạng phụ thuộc vào nguồn khí đốt nhập khẩu từ Nga.
Liên minh châu Âu tìm cách tăng nguồn cung khí đốt tự nhiên hóa lỏng ảnh 1Hệ thống đường ống dẫn khí từ tại Szazhalombatta (Hungary). (Ảnh: Reuters/TTXVN)

Ngày 4/6, Ủy viên phụ trách các vấn đề kinh tế của Liên minh châu Âu (EU) Paolo Gentiloni cho biết các quốc gia thành viên trong khối sẽ được phép sử dụng tiền từ quỹ phục hồi của EU - vốn được thiết lập để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế sau đại dịch COVID-19, để nâng cao năng lực nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG).

Kể từ khi Moskva mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine ngày 24/2, các quốc gia thành viên EU đã cố gắng tìm cách hạn chế tình trạng phụ thuộc vào nguồn khí đốt nhập khẩu từ Nga. Xây dựng cơ sở hạ tầng mới để nhập khẩu thêm LNG là một phần trong chiến lược của EU.

Cùng ngày, Ủy viên Gentiloni cũng cho biết ông dự kiến trình bày một giải pháp cải cách đối với Hiệp định ổn định khu vực đồng euro sau mùa Hè năm nay, trong đó bổ sung các quy tắc mới có khả năng xác định mục tiêu nợ của từng quốc gia cụ thể.

[Liên minh châu Âu thông qua gói trừng phạt thứ sáu đối với Nga]

Theo ông Gentiloni, Ủy ban châu Âu muốn điều chỉnh quy định về giới hạn vay nợ mới sao cho những quy định này dễ hiểu và linh hoạt hơn.

Nga đã đối mặt với 6 gói trừng phạt của EU, liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau trong đó có dầu mỏ, và với mức độ ngày càng gia tăng nhằm gây sức ép với Moskva. Các lệnh trừng phạt đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế Nga.

Tuy nhiên, các nước EU cũng thiệt hại hàng chục tỷ USD do áp đặt các biện pháp cấm vận Nga./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục