Liên tiếp gặp sự cố, chuyện gì đang xảy ra với Boeing?

Chuyên gia dự đoán năm 2024 sẽ tiếp tục là một năm khó khăn nữa với Boeing và cuộc khủng hoảng mà "gã khổng lồ" trong ngành hàng không thế giới phải đối mặt không biết bao giờ mới có hồi kết.

Máy bay Boeing của hãng hàng không United Airlines tại sân bay quốc tế Denver, Colorado, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Máy bay Boeing của hãng hàng không United Airlines tại sân bay quốc tế Denver, Colorado, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Khủng hoảng liên tiếp khiến danh tiếng của Boeing bị ảnh hưởng nghiêm trọng và thiệt hại tài chính khó lường.

Việc khôi phục niềm tin của các hãng hàng không, cơ quan quản lý và hành khách trở nên khó khăn hơn với Boeing mỗi khi xảy ra sự cố cùng những khó khăn trong hoạt động kinh doanh.

Liên tiếp gặp sự cố

Chỉ trong ba tháng đầu năm 2024, Boeing đã gặp phải hai sự cố liên quan đến các dòng máy bay của hãng.

Điều này khiến các chuyên gia nhận định, năm 2024 sẽ tiếp tục là một năm khó khăn nữa với Boeing và cuộc khủng hoảng mà "gã khổng lồ" trong ngành hàng không thế giới phải đối mặt không biết bao giờ mới có hồi kết.

Ngày 11/3, máy bay Boeing 787 của hãng hàng không LATAM Airlines (Chile/Chi-lê), đã gặp sự cố rung lắc mạnh khi đang trên đường từ Sydney, Australia đến Auckland, New Zealand. Vụ việc đã khiến 50 người bị thương. Đây là sự cố lớn thứ hai từ đầu năm của Boeing.

Trước đó, ngày 5/1, chiếc máy bay Boeing 737 MAX 9 mang số hiệu 1282 của hãng hàng không Mỹ Alaska Airlines cất cánh từ sân bay Portland, bang Oregon đến thành phố Ontario, bang California, đã gặp sự cố sau khi khởi hành khoảng 20 phút. Khi ở độ cao gần 5.000 mét, cửa sổ và một mảnh thân máy bay đã bung ra, nổ tung giữa không trung. May mắn là không có hành khách nào bị thương.

Sự cố đó đã dẫn đến việc một số máy bay 737 MAX bị đình chỉ hoạt động tạm thời ở Mỹ, sau đó là các phiên điều trần tại Quốc hội, sự chậm trễ trong sản xuất và giao hàng, nhiều cuộc điều tra liên bang.

Các vụ việc trên khiến cổ phiếu của Boeing mất 25% giá trị trong năm nay, giảm 40 tỷ USD so với định giá thị trường của hãng. Giữa lúc xảy ra các vụ kiện, các khoản tiền phạt tiềm tàng và hoạt động kinh doanh bị tổn thất, Boeing có thể mất thêm hàng tỷ USD nữa.

Nhưng vận đen chưa dừng lại ở đó. Hồi tháng 2/2024, các phi công trên chiếc 737 MAX của hãng hàng không United Airlines báo cáo rằng bộ điều khiển chuyến bay bị kẹt khi máy bay hạ cánh ở Newark.

Hai tuần trước đó, Cục Hàng không liên bang (FAA) đã cảnh báo các vấn đề an toàn với thiết bị làm tan băng trên các mẫu 737 MAX và 787 Dreamliner có thể khiến động cơ mất lực đẩy.

FAA đang cho phép các máy bay tiếp tục bay và Boeing cho biết vấn đề này không gây ra rủi ro an toàn ngay lập tức.

Tờ New York Times ngày 14/3 dẫn báo cáo kết quả cho thấy dòng máy bay 737 MAX không vượt qua được cuộc kiểm tra toàn diện khi chỉ đạt 33 trong tổng số 89 bài kiểm tra.

Ngành hàng không bị ảnh hưởng

Những sự cố liên tiếp đã khiến Boeing phải tạm dừng hoạt động sản xuất, dẫn tới việc bàn giao máy bay chậm trễ. Điều này cũng ảnh hưởng trực tiếp đến một số hãng hàng không lớn của Mỹ như Southwest Airlines, Alaska Airlines và United Airlines, khiến họ phải điều chỉnh dự báo công suất cho năm 2024, cũng như tạm dừng tuyển dụng.

Boeing cho biết nhà sản xuất này sẽ chỉ có thể cung cấp cho Southwest Airlines 46 máy bay Boeing 737 MAX 8 trong năm 2024, dù cho trước đó đã cam kết cung cấp 58 chiếc.

Alaska Airlines cho biết sự cố ngày 5/1 khiến lợi nhuận của hãng bị ảnh hưởng (ít nhất là 150 triệu USD).

Ngoài ra, công suất cả năm của hãng có thể còn thay đổi do không chắc chắn về thời gian giao máy bay trong bối cảnh FAA và Bộ Tư pháp tăng cường giám sát đối với Boeing và các hoạt động của hãng.

Còn United Airlines thông báo sẽ phải ngừng tuyển dụng phi công vào mùa Xuân 2024.

Trong khi đó, Alaska Air Group cho biết kế hoạch công suất năm 2024 của hãng vẫn chưa thay đổi vì cuộc khủng hoảng Boeing. Song CEO Ben Minicucci cho biết hãng không kỳ vọng sẽ nhận được toàn bộ 47 máy bay từ Boeing trong hai năm tới.

ttxvn_boeing_2.jpg
Máy bay Boeing 737 MAX 9 của hãng hàng không Alaska Airlines bị bung cửa sổ và phải hạ cánh khẩn cấp, tại Portland, Oregon, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tính đến tháng 2/2024, Boeing đã bàn giao 54 máy bay, trong đó có 42 máy bay MAX, giảm so với 66 chiếc được báo cáo trong hai tháng đầu năm 2023.

Trong khi hãng đối thủ châu Âu Airbus nhận 33 đơn đặt hàng trong hai tháng đầu của năm 2024 mà không có đơn đặt hàng nào bị hủy và đã giao 79 máy bay kể từ đầu năm.

Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Boeing Stan Deal đã bày tỏ sự đáng tiếc trước sự chậm trễ bàn giao máy bay, khiến hoạt động của các hãng hàng không bị ảnh hưởng.

Bên cạnh đó, các vấn đề của Boeing thúc đẩy các hãng hàng không tăng giá vé.

Trả lời phỏng vấn của CNN, Giám đốc điều hành Ryanair, ông Michael O'Leary cho rằng nếu nguồn cung máy bay thắt chặt trong khi nhu cầu gia tăng, giá vé máy bay sẽ tăng trở lại trong mùa Hè từ 5-10%.

Tuy vậy, các nhà quan sát cho rằng tình trạng thiếu máy bay trầm trọng khiến giá vé máy bay tăng vọt không hẳn do một mình Boeing, mà đối thủ của hãng là Airbus cũng đang gặp khó khăn.

Theo công ty phân tích hàng không Cirium, khoảng 600 máy bay Airbus trên toàn cầu dừng bay trong tháng trước vì sự cố động cơ do hãng Pratt & Whitney sản xuất.

Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế, khoảng 4,7 tỷ người dự kiến sẽ di chuyển bằng máy bay trong năm nay, mức cao lịch sử, vượt cả con số 4,5 tỷ người được ghi nhận vào năm 2019.

Giải pháp nào cho Boeing?

Cuối tháng 2/2024, FAA đã đưa ra một đánh giá gay gắt về văn hóa doanh nghiệp của Boeing và kêu gọi hãng thực hiện hơn 50 thay đổi liên quan đến an toàn.

Boeing có 90 ngày để đưa ra kế hoạch khắc phục các vấn đề sâu xa về kiểm soát chất lượng. Boeing đã nhận trách nhiệm, cam kết giảm mạnh tốc độ sản xuất và sẽ làm tốt hơn.

Báo cáo thu nhập mới nhất của Boeing đều xoay quanh vấn đề an toàn, chất lượng và sự tin cậy. Tuy nhiên, để giải quyết mọi vấn đề của mình, Boeing cần thay đổi cách tổ chức.

Một lý do cho thấy cách tổ chức lỏng lẻo của Boeing là hãng này ngày càng ưu tiên lợi nhuận so với vấn đề kỹ thuật.

Trong một chiến lược nhằm đảm bảo các khoản tín dụng thuế, Boeing đã chuyển trụ sở chính từ Seattle đến Chicago, tạo ra khoảng cách địa lý hơn 2.000 dặm giữa ban quản lý cấp cao và đông đảo kỹ sư và nhân viên.

Sau đó, vào năm 2022, hãng này lại thông báo chuyển địa điểm khác đến Arlington, Virginia. Sự tách biệt về mặt địa lý này đã gây cản trở trong việc giao tiếp hiệu quả và hạn chế khả năng giám sát và thực thi các quy tắc cũng như tạo dựng sự gắn kết trong toàn hãng.

Ngoài ra, để tăng lợi nhuận, Boeing đã thuê nhiều nhà thầu phụ thực hiện phần lớn hoạt động sản xuất của hãng. Một lần nữa, sự thay đổi này hướng tới một mạng lưới phi tập trung, mở rộng hơn, khiến việc giám sát, thực thi các quy định trở nên khó khăn hơn.

Duy trì sự chặt chẽ về văn hóa và tuân thủ các giá trị cốt lõi có thể không tạo ra lợi nhuận ngay lập tức hoặc trực tiếp, nhưng lại hết sức cần thiết để hoạt động hiệu quả.

FAA đã khuyến nghị Boeing nên áp dụng mô hình an toàn bằng cách đặt ra những dự báo rõ ràng, thiết lập cơ cấu, tập trung hóa việc ra quyết định, duy trì sự giám sát thông qua việc tăng cường giám sát và đảm bảo các quy tắc được thực thi.

Bên cạnh đó, Boeing cũng phải nỗ lực tuyên truyền giá trị cốt lõi về an toàn không chỉ trong toàn hãng mà còn đến tất cả các đối tác bên ngoài./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục