Liệu ASEAN có thể đóng vai trò lớn hơn trong vấn đề Triều Tiên?

Theo mạng tin eurasiareview, đã đến lúc cần có một cách tiếp cận mới cho vấn đề Triều Tiên và ASEAN có nhiều tiềm năng để đóng một vai trò lớn hơn trong việc giải quyết vấn đề này.
Liệu ASEAN có thể đóng vai trò lớn hơn trong vấn đề Triều Tiên? ảnh 1(Nguồn: KCTV/AFP)

Theo mạng tin eurasiareview, việc Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai tại Hà Nội hồi tháng Hai vừa qua không đạt được thỏa thuận nào cho thấy đã đến lúc cần có một cách tiếp cận mới cho vấn đề Triều Tiên, và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có nhiều tiềm năng để đóng một vai trò lớn hơn trong việc giải quyết vấn đề này.

Đó là nhận định của hai nhà nghiên cứu Shawn Ho và Sarah Teo làm việc cho Chương trình Kiến trúc an ninh khu vực, Trường Nghiên cứu Quốc tế S.Rajaratnam (RSIS), thuộc Đại học Công nghệ Nanyang (NTU) của Singpore.

Dưới đây là nội dung bài viết:

Trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un không đạt được thỏa thuận tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai tại Hà Nội hồi tháng Hai vừa qua, dường như nghệ thuật ngoại giao tổ chức các cuộc gặp thượng đỉnh đã không còn có tác dụng.

Sau Hội nghị thượng đỉnh Hà Nội, nhiều câu hỏi đã được đặt ra liên quan tới tương lai các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa giữa Mỹ và Triều Tiên.

Câu hỏi quan trọng nhất là liệu cuối cùng Triều Tiên có hội nhập vào kiến trúc của khu vực hay không?

Câu hỏi này không tránh khỏi sẽ liên quan tới ASEAN - tổ chức đa phương quan trọng tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh.

Do Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim dường như đều không muốn thay đổi những yêu cầu công khai của mình đối với đối phương trong đàm phán phi hạt nhân hóa, đã đến lúc cần xem xét những cách tiếp cận khác đối với tình thế bế tắc hiện nay.

Là một tổ chức luôn tự hào về tính trung tâm và thái độ trung lập của mình tại khu vực, ASEAN có thể tận dụng cơ hội này để tăng cường uy tín của mình bằng cách hành động nhiều hơn để đưa Triều Tiên hội nhập với khu vực.

Lộ trình cho chiến lược của ASEAN

Trong tương lai gần, có một vài cơ hội mà ASEAN có thể tận dụng. Đầu tiên là Hội nghị cấp cao ASEAN-Hàn Quốc vào cuối năm nay tại Hàn Quốc, với sự tham dự của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và lãnh đạo 10 quốc gia thành viên ASEAN. Hội nghị này nhằm kỷ niệm 30 năm Quan hệ Đối thoại ASEAN-Hàn Quốc.

Như Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã đề xuất tại Hội nghị cấp cao ASEAN-Hàn Quốc ở Singapore tháng 11/2018, Hàn Quốc có thể mời Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tham dự Hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Hàn Quốc vào cuối năm nay.

Hy vọng rằng điều này sẽ giúp Bình Nhưỡng tham gia sâu hơn vào kiến trúc đa phương của khu vực, không chỉ giới hạn ở việc tham gia Diễn đàn khu vực ASEAN như hiện nay, và thuyết phục ông Kim rằng tăng cường can dự với cộng đồng quốc tế là con đường tiến tới đảm bảo an ninh và tăng trưởng kinh tế cho Triều Tiên.

[Reuters tiết lộ văn bản Tổng thống Mỹ trao tay cho lãnh đạo Triều Tiên]

Mục tiêu này cũng có thể được thực hiện thông qua đề xuất của Tổng thống Moon về việc mời Chủ tịch Kim tới thăm Seoul. Nếu điều đó xảy ra, ông Kim Jong-un sẽ trở thành lãnh đạo đầu tiên của Triều Tiên tới thăm Seoul. Tổng thống Moon muốn hiện thực hóa chuyến thăm này sớm nhất có thể, vốn đã được hai bên nhất trí tại Hội nghị thượng đỉnh liên Triều ở Bình Nhưỡng hồi năm ngoái.

Hội nghị cấp cao ASEAN-Hàn Quốc 2019 có thể càng khuyến khích Chủ tịch Kim Jong-un tới thăm Seoul bởi, chỉ trong một chuyến đi, ông sẽ có thể gặp tất cả 10 lãnh đạo các quốc gia thành viên ASEAN và Tổng thống Moon. Nếu điều này trở thành hiện thực, đây sẽ là lần đầu tiên Chủ tịch Triều Tiên tham dự một hội nghị cấp cao đa phương.

Tiến trình thực hiện

Trước thềm Hội nghị cấp cao ASEAN-Hàn Quốc 2019 và nhằm một lần nữa thúc đẩy đối thoại giữa Triều Tiên và Mỹ, Đối thoại Shangri-la sắp diễn ra tại Singapore vào tháng 5 và tháng 6 và Diễn đàn khu vực ASEAN ở Bangkok vào tháng 7 và tháng 8 có thể là hai cơ hội để thuyết phục Bình Nhưỡng tiếp tục đi theo con đường đối thoại và đàm phán.

Tại hai hội nghị cấp cao đa phương này, nếu Triều Tiên quyết định tham dự, sẽ có nhiều cơ hội để các nước trong và ngoài khu vực tiếp xúc với các đại diện cấp bộ trưởng của Triều Tiên.

Hơn nữa, nếu bối cảnh tích cực tạo thuận lợi cho đàm phán, một hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ ba có thể sẽ được tổ chức vào đầu năm 2020 tại Jakarta - trụ sở của ban thư ký ASEAN, hay một lần nữa là Hà Nội (do Việt Nam sẽ đảm nhận vị trí Chủ tịch ASEAN trong năm 2020).

Tất cả những khả năng kể trên đều có lợi cho nhu cầu của ASEAN là duy trì vai trò trung tâm trong kiến trúc khu vực và tăng cường vị thế của mình đối với các đối tác đối thoại như Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Nga. Tất cả những đối tác đối thoại này đều có lợi ích chung trong việc Triều Tiên thực hiện các kế hoạch phi hạt nhân hóa hoàn toàn.

Để ASEAN đóng một vai trò lớn hơn trong việc thúc đẩy Triều Tiên hội nhập vào kiến trúc khu vực, ASEAN cũng có thể cân nhắc việc khôi phục lại sáng kiến từng được đề xuất vào đầu những năm 2000, theo đó kêu gọi một số quốc gia được chọn lọc trong khu vực, cùng với nước đảm nhiệm vị trí Chủ tịch ASEAN, đi đầu trong việc giải quyết thách thức Bán đảo Triều Tiên. Sáng kiến này có thể giúp đảm bảo cách tiếp cận của khu vực luôn không thay đổi qua các đời chủ tịch ASEAN trong quan hệ với Triều Tiên.

Thách thức và cơ hội

Không nghi ngờ gì rằng bối cảnh khu vực ngày nay đã tốt hơn nhiều so với hai năm trước, khi Bán đảo Triều Tiên đứng trước nguy cơ xảy ra một cuộc xung đột lớn. Tuy nhiên, "cánh cửa" cơ hội để đạt được tiến triển quan trọng tại Bán đảo Triều Tiên đang hẹp dần. Trong bối cảnh chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ đã bắt đầu khởi động, trọng tâm của Tổng thống Trump chắc chắn sẽ hướng nhiều hơn tới các ưu tiên đối nội thay vì các vấn đề chính sách đối ngoại.

Hiện đang rất cần một cách tiếp cận khác, đặc biệt là một cách tiếp cận có thể khuyến khích Triều Tiên tham gia các hoạt động ngoại giao cấp cao đa phương của khu vực thông qua ASEAN. Mục tiêu là thuyết phục Chủ tịch Kim Jong-un rằng các quốc gia trong khu vực sẵn sàng hỗ trợ Triều Tiên và giúp nền kinh tế Triều Tiên phát triển, nếu ông Kim chấp nhận phi hạt nhân hóa hoàn toàn.

Hòa bình đến từ một Bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân hóa, mối quan hệ song phương được bình thường hóa giữa Triều Tiên và Mỹ, và hòa bình vĩnh viễn trên Bán đảo Triều Tiên, sẽ là mục tiêu vô cùng to lớn không chỉ đối với khu vực Đông Á mà còn đối với toàn thế giới.

Đối thoại vẫn là lựa chọn duy nhất có hiệu quả nhằm giải quyết những vấn đề phức tạp trên Bản đảo Triều Tiên. Theo khía cạnh này, một hội nghị thượng đỉnh đa phương giữa các nhà lãnh đạo của Triều Tiên, Hàn Quốc và 10 quốc gia thành viên ASEAN ở Hàn Quốc vào cuối năm nay có thể sẽ đi vào lịch sử như một cột mốc dẫn tới việc giải quyết hoàn toàn một trong những điểm nóng lâu năm nhất của châu Á./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục