Liệu Campuchia có được lợi từ Hiệp định thương mại với Trung Quốc?

FTA Campuchia-Trung Quốc đặc biệt sẽ đem lại lợi ích cho ngành gạo của Campuchia vì Trung Quốc là nhà nhập khẩu gạo lớn nhất của nước này, chiếm hơn 50% xuất khẩu gạo của Campuchia.
Liệu Campuchia có được lợi từ Hiệp định thương mại với Trung Quốc? ảnh 1Công nhân vận chuyển gạo tại Phnom Penh, Campuchia. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo bài viết đăng trên báo The Business Times số ra gần đây, Campuchia và Trung Quốc đã có thể hoàn tất một thỏa thuận thương mại trong vòng chưa đầy một năm, nhưng để được hưởng lợi đầy đủ từ thỏa thuận này, Campuchia vẫn cần được trang bị kiến thức và sự hiểu biết về thị trường Trung Quốc, trong đó có những thủ tục hải quan và quy định của nước này.

Được ký kết vào tháng 10/2020 nhưng vẫn chưa được phê chuẩn, hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Campuchia và Trung Quốc là bước ngoặt mới nhất trong mối quan hệ song phương đang phát triển mạnh mẽ giữa hai nước. Trung Quốc đã vượt Nhật Bản trở thành nước viện trợ và nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Campuchia.

Quốc gia Đông Nam Á này từ lâu đã là một trong những đồng minh thân cận nhất của Trung Quốc ở châu Á và là người ủng hộ then chốt đối với sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) của Chính phủ Trung Quốc - sáng kiến mà Campuchia đang tìm kiếm lợi ích từ đó.

Ông Prayag Chitrakar, Giám đốc DHL Express Campuchia, cho rằng Campuchia có năng lực cơ sở hạ tầng chưa thỏa đáng và tương đối thấp trong khả năng cạnh tranh về chi phí và hệ thống logistics so với các nước láng giềng.

Tuy nhiên, với các dự án phát triển cơ sở hạ tầng và kết nối với Trung Quốc, dự kiến hệ thống hậu cần (logistics) của nước này sẽ có hiệu quả hơn.

Một dự án như vậy là cao tốc Phnom Penh-Sihanoukville dài 190km, với kỳ vọng sẽ giảm thời gian và chi phí của việc vận tải hàng hóa giữa hai cực kinh tế quan trọng này của Campuchia.

[Chuyên gia đánh giá về cơ hội phát triển từ FTA Campuchia-Trung Quốc]

Bất chấp mối quan hệ chặt chẽ giữa hai nước, các cuộc đàm phán về thương mại mới chỉ được bắt đầu vào đầu năm 2020, với việc Campuchia hy vọng thỏa thuận có thể nâng xuất khẩu sang Trung Quốc lên 25% và thậm chí là xóa bỏ thâm hụt thương mại khổng lồ của nước này.

Trong khi năm 2020, nhập khẩu từ Trung Quốc là 7,03 tỷ USD, thì xuất khẩu từ Campuchia chỉ đạt 1,09 tỷ USD.

Một hiệp định mới có thể đem lại cú hích cần thiết cho nền kinh tế bị tác động nặng nề bởi COVID-19 của Campuchia. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này dự kiến chỉ đạt 2,5% trong năm nay, giảm so với dự kiến trước đó là 4,1%.

Trước khi hiệp định này có hiệu lực, việc hiểu được đầy đủ mức độ những gì nó đòi hỏi và tìm hiểu kỹ các rào cản pháp lý khi thâm nhập thị trường Trung Quốc sẽ cho phép các nhà xuất khẩu của Campuchia tối đa hóa lợi ích tiềm năng của thỏa thuận này.

Mặc dù Chính phủ Campuchia vẫn chưa công khai đầy đủ những chi tiết của thỏa thuận, nhưng các tin tức trong nước cho rằng nó tập trung nhiều vào lĩnh vực nông nghiệp.

Người phát ngôn Bộ Thương mại Campuchia Seang Thay cho biết: “Hiệp định này sẽ đóng vai trò lớn trong việc khuyến khích sản xuất trong nước, đặc biệt là trong một số ngành nông nghiệp như chuối, xoài, nhãn, hạt điều…”

Sự thiếu vắng đáng chú ý trong thỏa thuận là ngành may mặc. May mặc chiếm tỷ trọng lớn nhất trong xuất khẩu của Campuchia và đã mang lại 7,4 tỷ USD giá trị xuất khẩu năm 2020.

Ông Chitrakar tin rằng việc loại khỏi hiệp định hạng mục này một phần vì Trung Quốc cũng cạnh tranh ở các sản phẩm cấp thấp như dệt may. Ông hy vọng việc tiếp cận miễn thuế đối với thị trường khổng lồ của Trung Quốc, như một phần của FTA, sẽ mang lại những lợi ích đáng kể cho Campuchia trong những lĩnh vực khác như du lịch, xây dựng, vận tải và môi trường đầu tư.

Theo Phòng Thương mại châu Âu tại Campuchia (Eurocham), Campuchia có thể xuất khẩu hơn 10.000 hạng mục sang Trung Quốc và Trung Quốc có thể vận chuyển hơn 8.000 sản phẩm sang Campuchia. Thuế quan có thể được cắt giảm hoặc loại bỏ đối với hầu hết các hạng mục này. Hiện nay, cả hai nước đã được hưởng mức thuế quan giảm thông qua FTA giữa Trung Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) mà Campuchia là một thành viên.

Bất chấp việc ngành may mặc bị loại ra, thỏa thuận này được kỳ vọng sẽ khôi phục nền kinh tế của Campuchia. Trong báo cáo mới nhất về nước này, Ngân hàng Thế giới (WB) đã nêu bật vai trò của lĩnh vực nông nghiệp trong sự phục hồi kinh tế của Campuchia. WB cũng lưu ý sức chống chọi của lĩnh vực này trong cuộc khủng hoảng COVID-19 năm 2020.

Lĩnh vực này được hỗ trợ bởi đầu tư gia tăng vì triển vọng tốt đẹp của FTA Campuchia-Trung Quốc và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) mới được ký kết. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), hiệp định mới này sẽ giúp giảm những hạn chế mà lĩnh vực này đang phải đối mặt do thị trường trong nước của Campuchia.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự đoán lĩnh vực nông nghiệp của Campuchia sẽ tăng trưởng 1,3% trong năm 2021 và 1,2% trong năm tiếp theo do sản lượng vụ mùa cao hơn, sự tăng trưởng trong nuôi trồng thủy sản và xuất khẩu gia tăng với Trung Quốc.

Thỏa thuận này đặc biệt sẽ đem lại lợi ích cho ngành gạo của Campuchia vì Trung Quốc là nhà nhập khẩu gạo lớn nhất của nước này, chiếm hơn 50% xuất khẩu gạo của Campuchia.

Theo ông Chitrakar, với việc giảm hơn nữa các thuế quan và việc tiếp cận lớn hơn đối với thị trường khổng lồ của Trung Quốc, thương mại của Campuchia trong các lĩnh vực khác cũng sẽ được lợi.

Tuy nhiên, để tận dụng được thỏa thuận mới này, các nhà xuất khẩu của Campuchia trước hết phải làm quen với thị trường Trung Quốc, những thủ tục hải quan và quy định của nước này.

Ông Chitrakar cho rằng: “Điều này đòi hỏi các nhà xuất khẩu Campuchia phải có sự hiểu biết về văn hóa Trung Quốc và điều chỉnh thích nghi, trên hết là tự trang bị kiến thức về thị trường. Chúng tôi sẽ giúp họ bằng việc cung cấp những nghiên cứu và phân tích cập nhật về thị trường của Trung Quốc để họ có nhận thức đầy đủ về quy định và yêu cầu hải quan trước khi vận chuyển hàng.”

Theo ông Heimkhemra Suy, cố vấn cho cơ quan phát triển Đức Deutsche Gesellschaft für Internationale Zusammenarbeit, để hiệp định này đạt được thành công, FTA này phải gia tăng tính cạnh tranh kinh tế của Campuchia và giúp tạo công ăn việc làm ở địa phương.

Ông phát biểu: “Phần lớn các FTA dựa vào việc nâng cao tính hiệu quả kinh tế, cho phép mỗi quốc gia ký kết tiến hành hoạt động kinh tế mà họ chuyên môn hóa, tham gia thương mại quốc tế và trở nên tốt hơn so với việc họ vận hành một nền kinh tế độc lập hơn.”

Ông Suy cho rằng trong bối cảnh của hiệp định này, Campuchia chắc chắc sẽ thúc đẩy và phát triển hơn nữa ngành lúa gạo để đổi lấy hiệu quả kinh tế của Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất. Theo cách này, mỗi bên có thể được lợi bằng việc đầu tư hơn nữa vào những lĩnh vực mà họ có lợi thế cạnh tranh.

Mặc dù tác động của thỏa thuận này chỉ có thể được đánh giá sau khi có hiệu lực, nhưng việc ký kết hiệp định mới này là một tín hiệu đáng chú ý về hợp tác kinh tế và thương mại song phương rộng lớn hơn giữa hai nước trong tương lai./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục