Liệu vũ lực đơn thuần có thể đánh bại khủng bố ở châu Phi?

Khu vực Lòng hồ Chad đang ở thế bế tắc nhức nhối. Các nước đang trong thế giằng co dai dẳng nhằm chống lại 2 phe nhóm của tổ chức khủng bố Boko Haram.
Liệu vũ lực đơn thuần có thể đánh bại khủng bố ở châu Phi? ảnh 1Binh sỹ Cộng hòa Chad sau khi tham gia chiến dịch chống Boko Haram tại N'djamena. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trang mạng dailymaverick.co.za ngày 2/7 đăng bài phân tích của Akinola Olojo - chuyên gia nghiên cứu cấp cao về các mối đe dọa xuyên quốc gia và tội phạm quốc tế - về khả năng đối thoại với tổ chức khủng bố Boko Haram nhằm giải quyết vấn đề khủng bố tại vùng Sừng châu Phi và khu vực Lòng hồ Chad.

Nội dung bài viết như sau:

Khu vực Lòng hồ Chad đang ở thế bế tắc nhức nhối. Các nước - dưới sự điều phối của Lực lượng đặc nhiệm hỗn hợp đa quốc gia (MNJTF) - đang trong thế giằng co dai dẳng nhằm chống lại 2 phe nhóm của tổ chức khủng bố Boko Haram.

Benin, Cameroon, Chad, Nigeria và Niger đều căng sức đến mức cao nhất có thể trong các trận chiến dường như không có hồi kết.

Cách tiếp cận chính trong cuộc chiến chống khủng bố của khu vực là sử dụng sức mạnh lực lượng vũ trang hiện chưa mang lại hòa bình cho các cộng đồng dân cư.

[Sáng kiến công lý thay thế trong cuộc chiến chống khủng bố ở Tây Phi]

Tổ chức khủng bố Al-Shabaab ở khu vực Sừng châu Phi vẫn đương đầu được trước sức ép quân sự của Phái đoàn Liên minh châu Phi ở Somalia (AMISOM).

Tương tự như trường hợp của al-Shabaab, liệu bây giờ có phải là thời điểm phù hợp để cân nhắc cách tiếp cận có vẻ ngược chiều là đối thoại với Boko Haram? Liệu đối thoại có thể thay cho sử dụng vũ lực?

Nhiều người cho rằng các chính phủ không nên đàm phán với những kẻ khủng bố. Ngay cả người dân Nigeria, vốn chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của cuộc khủng hoảng do Boro Haram gây ra, vẫn đang chia rẽ về vấn đề đối thoại với tổ chức khủng bố này.

Boko Haram hiện bao gồm 2 phe chính - một phe do Abubakar Shekau lãnh đạo và phe còn lại là Nhà nước Hồi giáo Tây Phi (ISWAP) do Abu Abdullah Ibn Umar al-Barnawi cầm đầu.

Cuộc khủng hoảng hiện nay do 2 phe nhóm này gây ra phức tạp hơn rất nhiều so với những năm trước, khi vấn đề đối thoại được đưa ra thử nghiệm.

Hiện tại, cả MNJTF và 2 phe khủng bố đều không thể giành ưu thế về mặt quân sự. Sự bế tắc này là lý do chính xác cho việc nên thử nghiệm đối thoại như một phần của tổng thể toàn diện các lựa chọn chính sách. Tuy nhiên, quyết định lựa chọn đàm phán với Boko Haram hoặc ISWAP rất phức tạp.

Các điểm đàm phán chính sẽ gồm nội dung gì hoặc những lĩnh vực nào có thể thỏa hiệp giữa các bên đối lập?

Chẳng hạn, điểm tranh cãi mấu chốt là trong khi các phe nhóm của Boko Haram hướng tới thành lập một nhà nước Hồi giáo, thì Điều 10 Hiến pháp Nigeria nghiêm cấm việc cho phép thành lập một quốc giáo tại nước này.

Lâu nay, Chính phủ Nigeria qua các thời kỳ đã nỗ lực để khởi động các cuộc đàm phán. Các nỗ lực này đều thất bại không phải do không thể đàm phán mà vì thiếu quyết tâm chính trị, cũng như thiếu sự đồng thuận về các mục tiêu và kết quả mong muốn từ phía chính phủ.

Nỗ lực đối thoại lớn đầu tiên với Boko Haram diễn ra vào tháng 9/2011, khi cựu Tổng thống Nigeria Olusegun Obasanjo và Babakura Fugu - anh rể của thủ lĩnh Boko Haram Mohammed Yusuf, cùng thúc đẩy cuộc gặp giữa 2 bên.

Cuộc gặp đầu tiên có thể thành hiện thực và có thể mở ra một loạt cuộc hòa đàm sau đó, nhưng đã bị dập tắt ngay từ trong trứng nước bởi vụ ám sát Babakura Fugu.

Các nghi ngờ về thủ phạm vụ ám sát Fugu đều nhằm vào Boko Haram, nhưng nhóm này đã bác bỏ mọi cáo buộc.

Tháng 3/2012, Boko Haram chấp nhận vai trò trung gian của Hội đồng tối cao vì Sharia dưới quyền của Tổng thống Nigeria Ahmed Ahmed Datti.

Tuy nhiên, chính Sheikh Datti đã rút khỏi các cuộc đàm phán, cáo buộc chính phủ nước này đã không bảo mật tốt thông tin và công bố tin tức cho giới truyền thông quá sớm.

Vụ bắt cóc các nữ sinh ở thị trấn Chibok của Nigeria năm 2014 và việc thả một số nạn nhân bị bắt cóc sau đó đã mở ra nhiều khả năng đàm phán với Boko Haram.

Điều này cũng cho thấy rõ sự chia rẽ trong những kẻ khủng bố và ngay từ đầu, nhiều thành viên Boko Haram đã không đồng thuận với việc bắt cóc các nữ sinh.

Rõ ràng, quan điểm của các thành viên Boko Haram không hoàn toàn đồng nhất và thực sự mở ra khả năng tiếp cận, cũng như giành được sự ủng hộ từ nội bộ Boko Haram nếu đi đúng hướng.

Thậm chí, có những thời điểm, các thành viên của tổ chức khủng bố này tự nguyện giao nộp vũ khí và đầu hàng.

Đối với những tình huống như vậy, thông tin từ những người quy hàng có thể góp phần xây dựng chiến lược truyền thông nhằm tiếp cận rộng rãi hơn với các phe nhóm khủng bố.

Để theo đuổi lộ trình đối thoại, cần tuân thủ một số điều kiện tiên quyết. Chính phủ Nigeria cần đưa ra các mục tiêu của giai đoạn đàm phán ban đầu và tham vấn các cộng đồng địa phương.

Quan điểm của những người lãnh đạo cộng đồng cũng như của các nạn nhân khủng bố phải góp phần định hình các cuộc đối thoại.

Chính phủ nên tham vấn nhiều cá nhân và nhóm khác nhau, bao gồm các thành viên gia đình của những kẻ khủng bố, các giáo sỹ Hồi giáo, các chuyên gia hòa giải, các nhóm phụ nữ, các thể chế truyền thống và các tổ chức xã hội dân sự.

Cái nhìn sâu sắc, tổng thể từ các cá nhân và nhóm xã hội này sẽ mang lại nguồn dữ liệu quý giá để đề ra các phương pháp, các kênh và giai đoạn đối thoại mang tính khả thi.

Quan niệm phổ biến cho rằng nên bắt đầu đối thoại khi các nhóm khủng bố đang ở thế phòng thủ. Nhưng các chính phủ hầu như không bao giờ bắt đầu các cuộc đàm phán trong giai đoạn này do nhận thức sai lệch rằng chiến thắng của quân đội đã cận kề và một cú đánh quyết định cuối cùng sẽ giải quyết được cuộc chiến.

Tuy nhiên, "đọc vị" được chiến trường lại là yếu tố sống còn trong việc chọn đúng thời điểm đàm phán, cũng như sẵn sàng nhượng bộ ở mức nhất định khi cân nhắc đối thoại.

Liệu vũ lực đơn thuần có thể đánh bại khủng bố ở châu Phi? ảnh 2Các tay súng Boko Haram. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Chính phủ Nigeria cần thừa nhận sự khác biệt giữa Boko Haram và ISWAP, đồng thời cần công khai chiến lược truyền thông.

Ngoài ra, cũng cần phải khắc phục sự thiếu thống nhất giữa các bên tham gia đại diện cho chính phủ.

Ở cả vùng Sừng châu Phi và khu vực Lòng hồ Chad, sự thiếu gắn kết và sự ngờ vực làm tiêu tan khả năng các chính phủ có thể đạt được lập trường thống nhất về các vấn đề chính sách liên quan đến chống khủng bố. Đối thoại có thể không phải là một giải pháp tức thời hoặc toàn diện để chấm dứt khủng bố.

Tuy nhiên, các quốc gia cần từ bỏ quan niệm rằng các nhóm cực đoan ở bất cứ đâu cũng có thể bị đánh bại bằng súng và bom./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục