Linh hoạt giải pháp cung ứng, lưu thông hàng hóa thời gian giãn cách

Nhờ nỗ lực từ các bộ, ngành chức năng, các địa phương, việc cung ứng hàng hóa đến cho người dân dần được ổn định nhưng trong quá trình thực hiện vẫn còn phát sinh nhiều vấn đề về lưu thông hàng hóa.
Linh hoạt giải pháp cung ứng, lưu thông hàng hóa thời gian giãn cách ảnh 1Siêu thị đảm bảo rau, củ quả tươi xanh phục vụ khách hàng. (Ảnh: Nguyễn Văn Trí/TTXVN)

Tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp và nhiều tỉnh, thành phố vẫn đang tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/TC-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Nhờ nỗ lực từ các bộ, ngành chức năng và các địa phương, việc cung ứng hàng hóa đến cho người dân đã dần được ổn định. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn tiếp tục phát sinh nhiều vấn đề trong điều phối, lưu thông hàng hóa đang được các cơ quan chức năng khẩn trương giải quyết.

Tăng kết nối cung ứng

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Thành phố thực hiện quy định, bắt đầu từ 18h chiều nay (26/7) người dân tuyệt đối không ra đường đến 6h sáng hôm. Vì vậy, hầu hết nhà bán lẻ thuộc kênh bán lẻ hiện đại tại Thành phố Hồ Chí Minh đã đồng loạt thông báo đến khách hàng về điều chỉnh giờ đóng cửa điểm bán lẻ trên toàn hệ thống trước 18h.

Theo bà Phạm Thị Vân, Trưởng Ban quản lý hệ thống bán lẻ Tổng công ty Thương mại Sài Gòn-Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên (Satra) cho biết hệ thống bán lẻ Satra vẫn đảm bảo được lượng hàng hóa cung ứng cho người tiêu dùng với giá ổn định nhờ vào việc liên tục đàm phán với mạng lưới nhà cung cấp. Satra không ngừng tìm kiếm thêm những nhà cung cấp mới, thương thảo hợp đồng gối đầu; giải quyết nhanh công tác vận chuyển để hàng hóa kịp phục vụ người dân. Nhờ đó, hệ thống bán lẻ Satra vẫn giữ giá ổn định khi cung cấp hàng hóa ra thị trường.

Tương tự, các hệ thống bán lẻ của Big C, MM Mega Market, MEATDeli, VinMart, VinMart+ ... cũng cho biết là đóng cửa điểm bán lẻ từ 17h mỗi ngày và áp dụng từ hôm nay. Trong khi đó, một số hệ thống bán lẻ khác như Saigon Co.op, AEON... cũng đóng cửa sớm hơn hơn khung giờ kinh doanh hiện tại là đến 22h mỗi ngày, để nhân viên và khách hàng đều đảm bảo quy định không ra đường sau 18h mỗi ngày.

Ngành công thương Thành phố Hồ Chí Minh cũng đang khẩn trường phối hợp với nhà bán lẻ, doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh để đưa ra những kịch bản linh hoạt, thích ứng với quy định quy định trên. Để kịp thời cung ứng hàng hóa đến người dân được thuận lợi hơn nữa, ngành công thương phối hợp liên ngành, doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh... trên địa bàn tìm đường, mở lối cung cấp lương thực, thực phẩm... đến các địa phương, nhất là khu vực bị phong tỏa, cách ly. Trên địa bàn thành phố hiện chỉ còn khoảng 30 chợ hoạt động. Một số địa phương như thành phố Thủ Đức; quận 1, 3, 4, 6, 7, 8, 10, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú... đã đóng toàn bộ mạng lưới chợ truyền thống.

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cho hay sở đã ban hành văn bản hướng dẫn, kèm sơ đồ mẫu hướng dẫn mô hình tổ chức bán thực phẩm tươi sống an toàn đến thành phố Thủ Đức, quận, huyện để tham khảo. Do đó, đã có một số địa phương như huyện Củ Chi, quận 12... tổ chức khá tốt mô hình này; còn những quận, huyện khác cũng đã rà soát, đánh giá, mở cửa hoạt động trở lại một số chợ để bán thực phẩm cho bà con.

[TP.HCM: Kênh bán lẻ hiện đại đóng cửa trước 18 giờ kể từ ngày 26/7]

Cụ thể, hoạt động cung ứng lương thực, thực phẩm trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh chỉ được phép hoạt động theo mô hình mới, có quy mô giảm còn khoảng 30%. Hộ kinh doanh được tổ chức hoạt động luân phiên theo ngày chẵn-lẻ để giảm tối đa lượng người tương tác.

Tại Đồng Tháp, tỉnh có trên 250 cơ sở kinh doanh cung cấp hàng hóa thiết yếu đã dự trữ hàng hóa tăng từ 3-5 lần. Ngoài các siêu thị, chợ, cửa hàng tiện lợi, tiện ích, các doanh nghiệp sản xuất các hàng hóa thiết yếu trên địa bàn tỉnh sẵn sàng cung cấp ngay khi cần thiết.

Theo các tiểu thương chợ thành phố Cao Lãnh, nguồn cung cấp rau xanh các loại dồi dào và không xảy ra tình trạng khan hiếm. Các loại rau ở địa phương và rau từ Đà Lạt đưa về luôn có giá bình ổn và giảm giá 20% so với trước đây 1 tuần.

Ông Dương Minh Sang, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất-Tiêu thụ rau an toàn xã Long Thuận (Đồng Tháp) cho biết hợp tác xã và hệ thống siêu thị Co.opmart trên địa bàn tỉnh thiết lập một mối liên kết bền vững. Trung bình mỗi ngày, hợp tác xã cung cấp từ 1,2-1,5 tấn rau tươi các loại cho siêu thị, chủ yếu là cải xanh, cải ngọt, rau dền, củ cải, hành, rau muống... Từ đó, các siêu thị, chợ, cửa hàng tiện lợi, tiện ích có các sản phẩm rau, củ quả đầy đủ hàng ngày, đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm của người dân trong thời gian giãn cách xã hội phòng, chống dịch COVID-19.

Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), thống kê từ 388 đầu mối đăng kí qua Tổ công tác đặc biệt của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Thành phố Hồ Chí Minh, sản lượng hàng hóa có thể cung cấp đến 31/7/2021 rất dồi dào và đang có dấu hiệu thừa nhóm hàng trái cây, sản phẩm chăn nuôi và thủy sản.

Cụ thể, nhóm rau củ tăng đột biến sản lượng khoai lang tím và dứa. Dưa leo có dấu hiệu cung vượt cầu. Nhóm trái cây có số lượng đăng ký tăng cao nhất là nhãn, lượng cung các đầu mối lên tới trên 700 tấn/ngày. Nhãn và chuối đang có dấu hiệu khó khăn trong tiêu thụ do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các doanh nghiệp thu mua không thể tiếp cận hết các địa bàn.

Trong khi đó, nhóm thủy sản cũng ghi nhận sản lượng của tôm, cua, cá nước mặn tăng nhanh. Số đầu mối sản phẩm chăn nuôi cung cấp ít nhưng có dấu hiệu dư thừa của thịt gà lông trắng, chim bồ câu ở khu vực các tỉnh miền Đông. Dự báo, những ngày sắp tới, các mặt hàng dưa leo, nhãn xuồng, nhãn Idor, khóm, chanh, chuối, khoai lang, gà lông trắng, cua và tôm nước mặn sẽ cung vượt cầu.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trần Thanh Nam thông tin, hầu hết các tỉnh, thành trong khu vực phía Nam đã tạm hoàn chỉnh hệ thống cập nhật dữ liệu của các đầu mối cung cấp nông sản; hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn về vận chuyển, xét nghiệm nhanh COVID-19, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đến địa phương mua hàng.

Linh hoạt giải pháp cung ứng, lưu thông hàng hóa thời gian giãn cách ảnh 2 Nhiều mặt hàng nông sản Việt có giá bán khuyến mãi bày bán tại siêu thị Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Nhiều tỉnh hình thành các điểm bán hàng nhu yếu phẩm đến từng huyện, xã cho người dân, đáp ứng các biện pháp phòng dịch như huyện Giồng Riềng (Kiên Giang), thành phố Bến Tre, thành phố Vị Thanh-Hậu Giang… Nhờ đó, lượng nông sản, thực phẩm được thu mua, tiêu thụ tại chỗ rất ổn định và cung cấp một phần cho các tỉnh lân cận.

Tháo gỡ đình trệ vận tải hàng hóa

Liên quan đến những phát sinh vướng mắc trong lưu thông vận tải hàng hóa, theo ông Trần Đức Nghĩa, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, khi thay đổi hoặc áp đặt quy định để phòng chống dịch COVID-19, hầu hết các địa phương có xu hướng áp dụng rất nhanh, gây lúng túng cho doanh nghiệp.

Ví dụ tại Hải Phòng từ ngày 18 đến 20/7, 3 cửa ngõ đi vào Hải Phòng bị ách tắc nghiêm trọng bởi áp dụng dán tem cho các phương tiện và xét nghiệm lái xe trong khi các tỉnh khác chưa áp dụng, các doanh nghiệp chưa thể cập nhật thông tin. Điều này gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Tình trạng trên đã gây thiệt hại ít nhất 100 tỷ đồng/ngày.

Ông Đào Việt Long, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội thông tin liên quan đến “luồng xanh” và tình trạng phương tiện phải quay đầu tại các điểm chốt kiểm soát dịch, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã yêu cầu lực lượng thanh tra giao thông phối hợp với công an chủ trì cùng các lực lượng y tế, quân đội tổ chức phân luồng, hướng dẫn cụ thể để giảm bớt ách tắc.

“Những ngày qua Sở Giao thông Vận tải đang trực 24/24h để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp xe tải. Với phương tiện chưa được cấp thẻ “luồng xanh” hoạt động trên địa bàn Hà Nội hoặc đi qua Hà Nội không cần phải đến Sở Giao thông Vận tải chỉ cần vào trang web tại địa chỉ: https://sogtvt.hanoi.gov.vn để đăng ký trực tuyến. Trong trường hợp gặp khó khăn, cần gọi trực tiếp đến số điện thoại trực về công tác trên để được giải đáp, tháo gỡ: 0912357845, 0972756888,” ông Đào Việt Long cho biết.

Về những ý kiến doanh nghiệp phản ánh như ùn tắc giao thông tại chốt kiểm dịch, ông Đào Việt Long khẳng định Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã tiếp nhận, lắng nghe và có hướng dẫn, giải đáp cụ thể để các phương tiện ra vào thành phố đảm bảo phòng chống dịch. Các phương tiện cần đăng ký thực hiện theo “luồng xanh” địa phương kết nối với “luồng xanh” quốc gia.

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội xác định nhiệm vụ chống dịch phải đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đơn vị sẽ tiếp tục lắng nghe, tiếp nhận thông tin qua 3 số đường dây nóng, để cùng doanh nghiệp tháo gỡ để phương tiện vận tải được lưu thông thuận tiện nhất.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho hay từ tháng Năm tới nay, có những địa phương áp dụng biện pháp chống dịch rất mạnh, với mục tiêu cao nhất là phòng chống dịch, hạn chế thấp nhất nguy cơ. Tuy nhiên, tại một số thời điểm những biện pháp này chưa có sự linh hoạt, gây ùn tắc cục bộ, gây khó khăn cho các tài xế và doanh nghiệp vận tải.

Linh hoạt giải pháp cung ứng, lưu thông hàng hóa thời gian giãn cách ảnh 3 Lực lượng chức năng hướng dẫn các phương tiện quay đầu khi thực hiện Chỉ thị 17/CT-UBND của UBND thành phố Hà Nội. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Trước thực trạng trên, Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ, ngành đã có những biện pháp tháo gỡ kịp thời, có những biện pháp vừa đảm bảo chống dịch, vừa lưu thông hàng hóa thông suốt,” ông Trần Thanh Hải chia sẻ.

Hiện, Bộ Giao thông Vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động vận tải; trong đó, có việc thành lập 4 tổ công tác của Bộ Giao thông Vận tải tại 19 tỉnh phía Nam.

Chia sẻ về kết quả của các tổ công tác này, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục đường bộ Việt Nam cho biết việc Bộ Giao thông Vận tải thành lập 4 đoàn công tác đến các địa phương, các tuyến quốc lộ, cao tốc để kiểm tra, phát hiện kịp thời những khó khăn, vướng mắc. Theo báo cáo từ các sở giao thông vận tải địa phương, cả nước đã cấp gần 55.000 thẻ “luồng xanh” cho các phương tiện lưu thông.

Tại tỉnh Lâm Đồng, tỉnh không thực hiện kiểm tra đối với các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm phục vụ đời sống người dân (đã được dán giấy nhận diện có mã QR Code của ngành Giao thông Vận tải) trên các tuyến đường cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ, đường giao thông liên huyện, giao thông đô thị. Việc kiểm tra đối với các phương tiện nêu trên chỉ được thực hiện tại các điểm giao nhận hàng hóa, bảo đảm tuân thủ đầy đủ yêu cầu phòng chống dịch.

Căn cứ các văn bản của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Sở Giao thông Vận tải Lâm Đồng đã hướng dẫn các đơn vị vận tải thực hiện đăng ký để được cấp, sử dụng và kiểm soát phương tiện có thẻ nhận diện ưu tiên hoạt động trên “Luồng xanh” vận tải.

Theo ông Nguyễn Văn Gia, Phó giám đốc Sở Giao thông Vân tải tỉnh Lâm Đồng, để đảm bảo việc lái xe, phụ xe di chuyển qua các địa bàn có dịch quay trở lại tỉnh Lâm Đồng không làm lây lan dịch ra cộng đồng, tỉnh Lâm Đồng đã xây dựng các khu lưu trú tập trung tại 12/12 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh, có cả khu lưu trú miễn phí và khu lưu trú giá rẻ, các nhà khách… do doanh nghiệp hoặc địa phương đó bố trí để lái xe lựa chọn.

Tất cả các lái xe, phụ xe tham gia vận chuyển hàng hóa đến vùng có dịch bắt buộc phải lưu trú tập trung tại đây. Sở Giao thông vận tải Lâm Đồng cũng đã lập danh sách 5.795 người là lái xe, phụ xe qua chốt kiểm soát dịch tại các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Bảo Lâm, Đạ Tẻh và chốt kiểm soát dịch Đạ Huoai từ ngày 4/7 đến ngày 18/7/2021. Danh sách này đã được chuyển qua Sở Y tế tỉnh để xét nghiệm sàng lọc và tiêm vaccine phòng chống COVID-19./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục