Lo ngại về thỏa thuận China Mobile mua lại công ty điện thoại Digicel

Thỏa thuận tiềm năng có giá trị lên tới 900 triệu USD xuất hiện chỉ vài ngày sau khi Trung Quốc đe dọa áp thuế chống bán phá giá và ngừng nhập một số mặt hàng như lúa mạch, thịt bò, thép từ Australia.
Lo ngại về thỏa thuận China Mobile mua lại công ty điện thoại Digicel ảnh 1China Mobile - Công ty viễn thông thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc. (Nguồn: Reuters)

Thông tin đăng tải trên tờ Australian Financial Review cho biết, China Mobile - Công ty viễn thông thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc, đang thương thảo để mua lại nhà cung cấp điện thoại lớn nhất tại khu vực quần đảo Thái Bình Dương, Digicel, trong bối cảnh mối quan hệ Australia-Trung Quốc có nhiều căng thẳng và những lo ngại mới về một cuộc chiến gây ảnh hưởng của Bắc Kinh ở khu vực này.

Thỏa thuận tiềm năng có giá trị lên tới 900 triệu USD, xuất hiện chỉ vài ngày sau khi Trung Quốc đe dọa áp thuế chống bán phá giá và ngừng nhập khẩu một số mặt hàng như lúa mạch, thịt bò và thép từ Australia.

Báo cáo điều tra của Australia Financial Review tiết lộ một liên doanh, do một giám đốc điều hành viễn thông cao cấp của Australia dẫn đầu, đã tham gia đấu thầu cạnh tranh với China Mobile. Tuy nhiên, liên doanh này đang thiếu khoản bảo lãnh cho vay của chính phủ liên bang để đáp ứng yêu cầu bảo đảm tài sản.

Thông thường, Chính phủ Australia sẽ không can thiệp vào các thỏa thuận kinh doanh của tư nhân, nhưng có vẻ như Canberra sẽ "để mắt" với việc một doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc đạt được vị trí lớn ở Thái Bình Dương.

Các nguồn tin an ninh từ Canberra cho biết, họ đã được thông báo về tiềm năng của thỏa thuận và lo ngại về ý nghĩa chiến lược phía sau. Trong khi, Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT) xác nhận sẽ "tiếp tục theo dõi vấn đề," đồng thời nhấn mạnh "tầm quan trọng của dịch vụ viễn thông an toàn và chất lượng cao dành cho các đối tác Thái Bình Dương của Australia."

Thông báo của DFAT khẳng định Chính phủ Australia muốn thấy việc đầu tư hạ tầng cơ sở tại Thái Bình Dương, bao gồm cả mạng lưới viễn thông, được thực hiện minh bạch, chắc chắn và đảm bảo chất lượng cao với chi phí thấp cho người dân và doanh nghiệp.

Thỏa thuận mua lại Digicel của China Mobile diễn ra chỉ hai năm sau khi Chính phủ liên bang Australia buộc phải tài trợ phần lớn chi phí xây dựng một tuyến cáp quang xuyên biển ở Thái Bình Dương, để ngăn cản công ty công nghệ viễn thông Trung Quốc Huawei thực hiện.

Tuyến cáp quang này nối dài từ Quần đảo Solomon và Papua New Guinea (PNG) đến thành phố Sydney (bang New South Wales), có chi phí 136 triệu AUD (tương đương hơn 87 triệu USD) và được chương trình viện trợ nước ngoài của Australia tài trợ 2/3 số này.

Digicel, do tỷ phú người Ireland Denis O’Brien sáng lập, là nhà cung cấp điện thoại di động lớn nhất ở PNG, Vanuatu, Quần đảo Solomon, Tonga và Samoa. Tại Fiji, công ty này đứng thứ hai chỉ sau hãng di động Vodafone. Digicel cũng có hoạt động tại Trung Mỹ và Caribe, đồng thời tại Thái Bình Dương. Tuy nhiên, tại hai khu vực này, công ty đang phải vật lộn với khoản nợ lên tới 6,7 tỷ USD và sẽ phải trả nợ trong vòng 30 tháng tới.

[Đằng sau việc Trung Quốc đe dọa áp thuế đối với lúa mạch Australia]

Các nguồn tin liên quan tới cuộc đàm phán cho biết, China Mobile đã tiến hành thẩm tra hoạt động kinh doanh tại Thái Bình Dương của Digicel từ đầu năm nay. Mảng kinh doanh này dự kiến sẽ được tách rời khỏi hoạt động của công ty mẹ trước khi đem bán.

Hiện tờ Australian Financial Review chưa nhận được thông tin phản hồi từ China Mobile.

Các nguồn tin tiết lộ giá bán sẽ phụ thuộc vào mức nợ mà doanh nghiệp Thái Bình Dương mới sẽ phải gánh chịu. Điều đó có nghĩa là giá bán đã được thảo luận, sẽ nằm trong khoảng từ 1-900 triệu USD.

Công ty của doanh nhân Australia đang tìm kiếm các nhà đầu tư từ châu Âu và Mỹ, tạo lập liên doanh với những doanh nghiệp có trụ sở đóng tại địa phương, để cạnh tranh với China Mobile. Mặc dù Australia là nhà viện trợ lớn nhất cho Thái Bình Dương, và theo truyền thống coi khu vực này thuộc phạm vi chịu ảnh hưởng, nhưng Canberra lại không có quyền hợp pháp để ngăn chặn bất kỳ thỏa thuận nào liên quan tới China Mobile.

Lo ngại về thỏa thuận China Mobile mua lại công ty điện thoại Digicel ảnh 2Một cửa hàng của Digicel. (Nguồn: fbcnews.com.fj)

Bộ trưởng Viễn thông PNG Timothy Masiu cho biết Bộ đã biết thông tin về những rắc rối tài chính mà Digicel đang gặp phải, nhưng chưa nhận thông báo về bất kỳ thỏa thuận nào được thực hiện với China Mobile. Ông nói: "Khi chúng tôi được thông báo chính thức, chúng tôi sẽ thiết lập đánh giá cụ thể." Nhưng ông Masiu cũng lưu ý rằng Chính phủ PNG có rất ít quyền hạn để ngăn cản việc Trung Quốc tiếp quản công ty điện thoại lớn nhất quốc gia này, vì đó là một thỏa thuận kinh doanh.

Sau khi chặn Huawei tham gia vào Mạng lưới băng thông rộng Quốc gia (NBN) của Australia, Chính phủ của cựu Thủ tướng Malcolm Turnbull đã lo ngại rằng Trung Quốc có thể sử dụng đường cáp quang xuyên biển để tạo lập vị trí ở Thái Bình Dương và có khả năng là mạng gián điệp trong khu vực.

Đến năm 2018, dưới thời của tân Thủ tướng Scott Morrison, Australia đã công bố tài trợ cho thỏa thuận cáp quang xuyên biển đó với mục tiêu đẩy mạnh chương trình "Bước tiến Thái Bình Dương," đồng thời chống lại việc Bắc Kinh nỗ lực gây ảnh hưởng lớn hơn trong khu vực. Cũng trong năm này, Canberra một lần nữa ngăn Huawei tham gia vào kế hoạch xây dựng mạng viễn thông 5G tại Australia.

Sự quan tâm của China Mobile nhắm đến Digicel xuất hiện vào một thời điểm khó khăn đối với Chính phủ của Thủ tướng Morrison, trong bối cảnh Canberra đang phải ứng phó với một cuộc chiến thương mại về lúa mạch, thịt bò và thép, do Bắc Kinh khởi xướng.

Ngày 10/5, Trung Quốc cảnh báo sẽ áp thuế nhập khẩu lên tới hơn 80% cho mặt hàng lúa mạch của Australia, một động thái được xem là sẽ khiến giới nhà nông Australia không thể cạnh tranh và phá hủy một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của họ.

Tiếp theo, vào ngày 12/5, Trung Quốc, thị trường tiêu thụ tới 25% sản lượng xuất khẩu thịt của Australia, lại tuyên bố cấm nhập khẩu thịt bò từ bốn công ty chế biến thịt lớn nhất "xứ chuột túi."

Các nguồn tin từ Canberra cho rằng tranh chấp thương mại có liên quan tới lệnh cấm Huawei và những lời kêu gọi về một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Sang đến ngày 13/5, Bộ trưởng Thương mại Australia Simon Birmingham lên tiếng xác nhận Bắc Kinh đã "phàn nàn" về cơ chế chống bán phá giá của Australia, cho rằng nước này đánh thuế cao tới 140% đối với các sản phẩm thép, nhôm và hóa chất của Trung Quốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục