Đằng sau việc Trung Quốc đe dọa áp thuế đối với lúa mạch Australia

Trung Quốc cáo buộc các nhà kinh doanh ngũ cốc có trụ sở tại Australia đã xuất khẩu lúa mạch với giá rẻ hơn so với giá bán ở trên thị trường nội địa để gây bất lợi cho nông dân Trung Quốc.
(Nguồn: world-grain.com)
(Nguồn: world-grain.com)

Australia đang cân nhắc việc đệ đơn kiện Trung Quốc lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nếu Bắc Kinh tiếp tục đe dọa áp thuế hơn 80% đối với mặt hàng lúa mạch nhập khẩu từ Australia.

Trong bài phân tích đăng trên tờ Australian Financial Review, hai nhà báo Phillip Correy và Brad Thompson nhận định rằng mối quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc và Australia đang gia tăng sau khi Canberra được thông báo có 10 ngày để thuyết phục Bắc Kinh không áp dụng thuế quan.

Tối hậu thư được gửi tới sau một cuộc điều tra kéo dài 18 tháng của Trung Quốc về cáo buộc Australia đã bán phá giá lúa mạch, vốn dùng để sản xuất bia và làm thức ăn cho gia súc, vào thị trường Trung Quốc.

Trong năm 2019, do bị ảnh hưởng bởi hạn hán kéo dài, nông dân Australia chỉ thu được 600 triệu AUD (tương đương 384 triệu USD) từ thị trường lớn nhất châu Á, thấp hơn nhiều so với hàng tỷ đô la doanh thu trong những năm trước đó.

Chính phủ của Thủ tướng Scott Morrison bác bỏ cáo buộc cho rằng các nhà kinh doanh ngũ cốc có trụ sở tại Australia đã xuất khẩu lúa mạch với giá rẻ hơn so với mức giá bán trên thị trường trong nước, gây bất lợi cho người nông dân Trung Quốc, bên cạnh một cáo buộc khác quy kết nông dân Australia được chính phủ trợ cấp.

Xếp hạng của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho thấy nông dân Australia nằm trong số những người được trợ cấp ít nhất trên thế giới, trong khi nông nghiệp Trung Quốc là một trong những ngành được trợ cấp nhiều nhất, gấp ba lần mức trung bình của OECD.

Trung Quốc đã đánh tín hiệu sẽ áp thuế chống bán phá giá lên tới 73,6% và thuế chống trợ cấp 6,9% đối với tất cả các loại lúa mạch nhập khẩu từ Australia, những động thái được cho là sẽ chấm dứt hoạt động nhập khẩu mặt hàng này.

Những người trong ngành công nghiệp ngũ cốc Australia khẳng định tuyên bố của Trung Quốc là không có cơ sở, nhưng thừa nhận các gói cứu trợ hạn hán và hỗ trợ liên quan, cùng với hiện tượng giá lúa mạch bán trong nước cao “ngất ngưởng,” đã làm phức tạp thêm tình hình.

Giới quan chức Trung Quốc thông báo ngày 19/5 sẽ là thời hạn kết thúc cuộc điều tra bán phá giá mà họ đã thực hiện dựa trên các quy tắc của WTO kể từ cuối năm 2018.

Tuyên bố của Đại sứ Trung Quốc tại Australia

Tối hậu thư trên trùng với những đe dọa về thương mại đối với Australia mà Đại sứ Trung Quốc tại Canberra đã tuyên bố vào cuối tháng trước, sau khi Thủ tướng Scott Morrison khẳng định theo đuổi một cuộc điều tra về nguồn gốc và sự lây lan của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Chính phủ Australia tin rằng tối hậu thư là một “phép thử” mới của Bắc Kinh. Bộ trưởng Thương mại Australia Simon Birmingham khẳng định lập trường chống lại sự áp đặt "mức thuế quan phi lý" của Trung Quốc.

Ông nói: “Chúng tôi hy vọng rằng trong những ngày tới có thể đảm bảo một kết quả tích cực và đó là người nông dân Australia, những người trồng lúa mạch không nhận được các khoản trợ cấp trái luật và không bán phá giá các sản phẩm của họ trên thị trường nước ngoài.”

[Trung Quốc từ chối thảo luận về lệnh ngừng nhập khẩu thịt bò Australia]

Ông Birmingham cho biết, nếu trong trường hợp Trung Quốc quyết chống lại Australia thì Canberra hoàn toàn bảo lưu quyền theo đuổi những cách thức xử lý khác, bao gồm cả việc thông qua WTO.

Ông khẳng định các nhà sản xuất lúa mạch Australia hoạt động trong một môi trường cạnh tranh toàn cầu vào không có bất kỳ một sự trợ cấp thương mại nào, sản phẩm của nước này được định giá hoàn toàn theo đúng cách thức kinh doanh thị trường.

Nông dân Australia lo ngại kết quả vụ việc sẽ đi theo chiều hướng cùng với sự xấu đi trong mối quan hệ giữa Canberra và Bắc Kinh, liên quan tới những lời kêu gọi một cuộc điều tra về sự bùng phát của đại dịch COVID-19.

Những động cơ chính trị

Trung Quốc mở rộng cuộc điều tra chống bán phá giá mặt hàng lúa mạch của Australia thêm sáu tháng tính từ tháng 11/2019 và tăng cường cảnh báo với người nông dân trong nước về kế hoạch vụ mùa lúa mạch năm nay.

Để chuẩn bị cho thời hạn 19/5, người mua Trung Quốc đã hoạt động tích cực tại thị trường Australia trong thời gian gần đây, tranh thủ mua hàng từ vụ mùa thu hoạch lúa mạch của năm ngoái.

Một liên minh các nhóm kinh doanh ngành hàng ngũ cốc Australia, dẫn đầu bởi Giám đốc điều hành Tập đoàn Kinh doanh Ngũ cốc Australia Pat O’Shannassy, cho biết, ngành công nghiệp ngũ cốc Xứ Chuột túi sẽ tiếp tục hợp tác với các nhà điều tra Trung Quốc.

Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội Nông dân và các Nhà sản xuất Ngũ Cốc bang Victoria Andrew Weidemann thừa nhận cú ngoặt mới nhất trong mối quan hệ thương mại Australia-Trung Quốc là vô cùng đáng thất vọng.

Ông nói Australia đã hồi đáp cuộc điều tra của Trung Quốc một cách trung thực và toàn diện. Hành động của Trung Quốc rõ ràng xuất phát từ động cơ chính trị và sự cáo buộc là không chính xác.

Đã có một sự hồi sinh lớn trong hoạt động thu mua lúa mạch của Trung Quốc vào hai tháng gần đây, khi ngành sản xuất thịt lợn phục hồi sau dịch cúm lợn. Nền kinh tế đứng thứ hai thế giới là thị trường xuất khẩu lúa mạch lớn nhất của Australia. Ngược lại, Australia nhà cung cấp lúa mạch lớn nhất của Trung Quốc.

Cuộc điều tra chống bán phá giá lúa mạch Australia

Trung Quốc cáo buộc các nhà kinh doanh ngũ cốc có trụ sở tại Australia đã xuất khẩu lúa mạch với giá rẻ hơn so với giá bán ở trên thị trường nội địa để gây bất lợi cho nông dân Trung Quốc.

Trong đơn khiếu nại, Trung Quốc cho biết nhập khẩu lúa mạch hàng năm từ Australia đã tăng 67% lên ngưỡng 6,4 triệu tấn, trị giá 1,28 tỷ USD từ năm 2014 đến năm 2017, với mức giá trung bình giảm từ 288,72 USD/ tấn xuống còn 198,05/tấn so với cùng kỳ. Nước này cũng tuyên bố giá nhập khẩu năm 2017 thấp hơn giá hiện tại ở Australia.

Một số nguồn tin trong ngành kinh doanh lúa mạch Australia ước tính các nhà xuất khẩu lớn như CBH có trụ sở ở Tây Australia, Glencore, Archer Daniels Midland và GrainCorp đã chi hàng trăm nghìn đô la tiền thủ tục pháp lý và các khoản chi phí khác nhằm chuẩn bị đối phó với các đề xuất của Trung Quốc.

Những doanh nghiệp này bác bỏ quan điểm cho rằng lúa mạch của Australia, được giao dịch trong nhiều thập kỷ trên thị trường nội địa và xuất khẩu, đã được bán vào Trung Quốc với giá thấp.

Tuy nhiên, việc phòng thủ bán phá giá trở nên phức tạp hơn do trong thời kỳ hạn hán khắc nghiệt tác động vào quốc gia lớn nhất châu Đại Dương đã xuất hiện trường hợp lúa mạch trồng ở Tây Australia được vận chuyển đến Queensland và miền Bắc bang New South Wales và được bán với giá rất cao. Tuy nhiên, quy định của WTO nêu rõ có những miễn trừ cho các trường hợp đặc biệt như hạn hán.

Trong bản đề xuất chống bán phá giá, Trung Quốc đã liệt kê khoảng 32 sáng kiến cấp bang và liên bang cho lĩnh vực nông nghiệp, bị cáo buộc là đã trợ cấp cho người trồng lúa mạch Australia.

Một số chương trình liên quan đến hỗ trợ kho khăn do hạn hán, nhưng nhiều chương trình khác thậm chí không liên quan đến việc trồng lúa mạch.

Danh sách các chương trình này bao gồm gói tài chính trị giá 10 tỷ AUD (6,4 tỷ USD) khơi thông thủy lợi cho lưu vực sông Murray-Darling, Chiến lược Thực phẩm Toàn cầu Thương hiệu Australia và Chương trình Thúc đẩy Sản xuất Australia.

Thời hạn của cuộc điều tra sẽ kết thúc vào tháng Sáu. Trung Quốc đã đưa ra một bản câu hỏi dài 88 trang liên quan đến đề xuất chống bán phá giá và một bản câu hỏi dài 67 trang về các khoản trợ cấp của Chính phủ Australia trong hơn 9 năm qua./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục