Lộ trình dài hạn để sống chung an toàn với đại dịch COVID-19

Tuần qua, hàng loạt quốc gia công bố lộ trình “sống chung với COVID-19” cho thấy việc điều chỉnh chính sách từ "Zero COVID" sang thích ứng an toàn với COVID-19 đang là xu thế chung.
 Lộ trình dài hạn để sống chung an toàn với đại dịch COVID-19 ảnh 1Hành khách tại sân bay quốc tế Changi, Singapore, ngày 8/9/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

COVID-19 là một bệnh truyền nhiễm có thể kiểm soát bằng cách tiêm chủng vaccine và thực hiện các biện pháp chống dịch phù hợp - quan điểm đó đang được chính phủ nhiều nước trên thế giới thúc đẩy trong nỗ lực khôi phục từng bước đời sống bình thường cho người dân.

Xu thế chung: Thích ứng an toàn với COVID-19

Trong 7 ngày qua, thêm hàng loạt quốc gia đã chính thức công bố hoặc bắt tay vào soạn thảo chiến lược, kế hoạch, lộ trình “sống chung với COVID-19” trong dài hạn. Điều đó cho thấy việc điều chỉnh chính sách từ "Zero COVID" sang thích ứng an toàn với COVID-19 đang là xu thế chung.

Châu Á là khu vực khá tích cực chuyển động trong xu thế này. Hàn Quốc ngày 13/10 đã thành lập Ủy ban hỗ trợ khôi phục đời sống thường nhật để xây dựng lộ trình từng bước khôi phục trạng thái bình thường mới ở nước này từ tháng 11 tới, với 3 phương hướng lớn.

Trước mắt là "khôi phục dần dần, từng bước" theo hướng quản lý phòng dịch chặt chẽ, như áp dụng "Thẻ thông hành vaccine" đồng thời củng cố hệ thống y tế. Tiếp đến là "khôi phục một cách bao trùm" và cuối cùng là "đời sống thường nhật đồng hành cùng người dân."

Lộ trình kiểm soát đại dịch và khôi phục nền kinh tế đất nước của Indonesia được triển khai song song với việc thực hiện các quy định 3M (khẩu trang, rửa tay, khoảng cách), 3T (truy vết, xét nghiệm, điều trị), tiêm chủng và việc triển khai ứng dụng PeduliLindungi trong quản lý, kiểm soát tiêm vaccine.

[Campuchia chuẩn bị mở lại nền kinh tế trong "bình thường mới"]

Nhờ đó, từ ngày 14/10, các cửa khẩu hàng không quốc tế của Indonesia đã mở lại đón du khách từ 18 quốc gia, trong đó có Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và New Zealand. Nước này cũng xây dựng giải pháp đón du khách nước ngoài tới "thiên đường nghỉ dưỡng" Bali và Riau.

Bên cạnh đó, Indonesia cũng chủ động chuẩn bị mọi biện pháp để giảm thiểu những rủi ro và nguy cơ lây lan virus trong quá trình khôi phục trạng thái bình thường mới, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 chưa chấm dứt, thậm chí tại nhiều khu vực đang có xu hướng bùng phát trở lại khi mùa Đông đến, như Nga ngày 16/10 lần đầu tiên ghi nhận số ca tử vong trên 1.000 ca/ngày, trong khi số ca mắc mới cũng ở con số cao chưa từng thấy với 33.208 ca.

Chính phủ Indonesia đã thông báo triển khai 6 chiến lược để ngăn chặn nguy cơ làn sóng mới vào cuối năm - thời điểm hoạt động đi lại của người dân gia tăng trong dịp Giáng sinh và Năm mới.

Các chiến lược này tập trung vào kiểm soát chặt chẽ các lĩnh vực và hoạt động di chuyển khi mở cửa trở lại; tiếp tục tăng cường chiến dịch tiêm chủng, đặc biệt đẩy mạnh tiêm chủng cho trẻ em để khi dịp lễ Noel và Năm mới đến thì khả năng miễn dịch của trẻ em đã được hình thành; nâng cao ý thức cảnh giác và tuyên truyền vận động người dân tuân thủ các quy định phòng chống dịch.

Chiến lược mở cửa trở lại đất nước một cách an toàn của Thái Lan bao gồm việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa để ngăn chặn sự lây lan dịch giữa các nhóm có nguy cơ và dễ bị tổn thương cũng như xây dựng niềm tin của công chúng về “lối sống bình thường mới."

Thái Lan cũng đã công bố kế hoạch từ ngày 1/11 sẽ mở cửa hoàn toàn cho du khách đã tiêm đầy đủ vaccine phòng COVID-19 đến bằng đường hàng không từ 10 quốc gia được coi là có nguy cơ bùng phát dịch bệnh thấp, như Anh, Mỹ, Trung Quốc, Đức và Singapore.

Theo lộ trình trở lại cuộc sống bình thường mới, thời gian giới nghiêm ban đêm tại Thái Lan sẽ được rút ngắn (từ 11h đêm hôm trước đến 3h sáng hôm sau) và nhiều doanh nghiệp hơn có thể hoạt động trở lại từ ngày 16/10.

Các cửa hàng tiện lợi, chợ, rạp chiếu phim, quán ăn, rạp hát, sân vận động, công viên công cộng và trung tâm mua sắm có thể mở cửa đến 10h tối, trong khi tất cả các phương tiện giao thông công cộng không cần áp dụng quy định giãn cách ghế. Tuy nhiên, các địa điểm vui chơi giải trí sẽ vẫn đóng cửa, bao gồm cả quán rượu, quán bar và quán karaoke.

Singapore đã xác định đi theo con đường “thích nghi, phát triển và chung sống lâu dài với COVID-19” từ cuối tháng Năm vừa qua, và hiện nền kinh tế Singapore đã có một số dấu hiệu tích cực, cho thấy chiến lược này đang đúng hướng.

Hiện tại, các trung tâm mua sắm lớn, các khu vực ăn uống tập trung tại Singapore đang dần nhộn nhịp trở lại. Các công trình xây dựng nhà ở, đường sá, cầu cống đã và đang được thi công khẩn trương nhằm bắt kịp tiến độ sau thời gian đình trệ trước đây. Hoạt động giao thông, đi lại bằng xe buýt, bằng tàu điện ngầm, ôtô cá nhân gần như đã trở lại với lưu lượng như trước khi có dịch.

Singapore tuyên bố sẽ mở rộng Chương trình Hành lang du lịch cho khách đã tiêm đủ liều vaccine, mở cửa đường biên giới và không yêu cầu cách ly với những người đã tiêm đủ vaccine từ 9 quốc gia châu Âu và Bắc Mỹ gồm Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Italy, Đan Mạch, Hà Lan và Tây Ban Nha từ ngày 19/10. Trước đó, Singapore đã thí điểm mở cửa từ tháng Chín với công dân Đức, Brunei tiêm đủ vaccine và dự kiến mở rộng danh sách các nước được nhập cảnh thời gian tới.

Tại Việt Nam, ngày 11/10, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP về quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19."

Nghị quyết được ban hành với mục tiêu bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân; hạn chế đến mức thấp nhất các ca mắc, ca chuyển bệnh nặng, tử vong do COVID-19; khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội; thực hiện mục tiêu kép, đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới sớm nhất có thể, phấn đấu trong năm 2021.

Cùng với châu Á, các khu vực khác cũng đang thúc đẩy chính sách “sống chung an toàn với COVID-19” theo lộ trình dài hạn.

Với việc đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng, Australia đang lên kế hoạch trở lại cuộc sống bình thường, cho phép những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine được tự do xuất cảnh và nhập cảnh trở lại Australia kể từ tháng 11 tới.

Mỹ cũng cho biết từ ngày 8/11 tới sẽ dỡ bỏ hạn chế đi lại bằng đường hàng không tới 33 quốc gia, áp dụng với những người đã tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine ngừa COVID-19 đã được các cơ quan quản lý của Mỹ hoặc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cấp phép.

Tại Costa Rica, kế hoạch mang tên "Mở cửa từng bước có trách nhiệm" đã bắt đầu được triển khai từ ngày 16/10, bao gồm việc kéo dài thời gian cho phép lưu thông các phương tiện vận tải, tăng số người có mặt tại các cơ sở công cộng, đặc biệt với những người đã tiêm đủ liều, và cho phép mở rộng các hoạt động kinh tế-xã hội.

Vaccine vẫn là tấm lá chắn quan trọng

Dù mỗi nước có chính sách riêng để mở cửa, nhưng nhìn chung, để tiến tới cuộc sống bình thường mới trong điều kiện an toàn nhất định, bên cạnh ý thức tự bảo vệ bản thân và cộng đồng mỗi người dân, thì xây dựng "tấm lá chắn" tiêm chủng vaccine luôn được các quốc gia coi trọng.

Chính phủ Hàn Quốc đặt mục tiêu tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ sẽ đạt trên 70% dân số vào cuối tháng này và đây sẽ là một trong những điều kiện tiên quyết để thực hiện kế hoạch từng bước đưa cuộc sống hằng ngày trở lại bình thường.

 Lộ trình dài hạn để sống chung an toàn với đại dịch COVID-19 ảnh 2Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Bali, Indonesia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Indonesia cũng đặt mục tiêu hoàn tất tiêm chủng cho người cao tuổi trước Giáng sinh 2021.

Đặc biệt, trong 7 ngày qua, thêm một loạt quốc gia đã triển khai chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em.

Ngày 12/10, Argentina đã chính thức khởi động chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em từ 3-11 tuổi, sử dụng vaccine của hãng Sinopharm.

Cùng ngày, Ấn Độ đã khuyến nghị sử dụng khẩn cấp vaccine ngừa COVID-19 do công ty Bharat Biotech nước này sản xuất cho trẻ em dưới 12 tuổi.

Khuyến nghị trên được đưa ra trong bối cảnh Ấn Độ đã chuyển trọng tâm sang tiêm phòng cho trẻ em ngừa COVID-19, sau khi đã tiêm hơn 950 triệu liều cho người trưởng thành ở đất nước có 1,4 triệu dân này.

Myanmar cũng thông báo khởi động chương trình tiêm vaccine cho trẻ em trên 12 tuổi.

Trong khi đó, ngày 15/10, hãng dược phẩm Pfizer Inc (Mỹ) và đối tác BioNTech SE (Đức) thông báo đã nộp các dữ liệu về việc sử dụng vaccine phòng COVID-19, do hai hãng phối hợp phát triển, với nhóm trẻ em từ 5-12 tuổi lên Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) để được xem xét cấp phép.

Việc các nước xác định sống chung lâu dài với COVID-19 và xây dựng lộ trình dài hạn để thích ứng an toàn, linh hoạt đang cho thấy đây là sự chuyển hướng kịp thời, bước đầu phát huy hiệu quả, cho phép không ít quốc gia mở cửa trở lại.

Tuy nhiên, các chuyên gia khẳng định trong bối cảnh đại dịch vẫn diễn biến khó lường tại nhiều quốc gia, như Nga và một số nước Đông Âu đang trải qua giai đoạn bùng phát dịch phức tạp, lộ trình thích ứng an toàn, có kiểm soát trước COVID-19 cần được thực hiện cẩn trọng và kiên trì, trên cơ sở kết hợp tổng hòa những biện pháp cân bằng giữa việc ngăn chặn bệnh dịch lây lan và khôi phục các hoạt động của cuộc sống./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục