Khi thế giới trông đợi vào sự phục hồi kinh tế khi đại dịch qua đi, đâu là viễn cảnh cho khu vực Đông Nam Á? Liệu khu vực này có nhanh chóng trở lại mức tăng trưởng hợp lý trong năm 2021 như một số dự báo.
Roland Rajah, chuyên gia kinh tế hàng đầu và hiện là Giám đốc Chương trình nghiên cứu Kinh tế Quốc tế tại Viện Nghiên cứu Lowy (Australia), nhận định sự phục hồi kinh tế tại mỗi quốc gia thành viên ASEAN tiếp tục duy trì ở mức độ thấp và không hoàn thiện trong bối cảnh bùng phát dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế nếu có thể tăng nhanh trở lại cũng chỉ là yếu tố bề nổi che dấu các "vết sẹo" kinh tế và xã hội mà COVID-19 để lại.
Dự báo mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy thu nhập bình quân đầu người ở các nền kinh tế ASEAN-5 (Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam) sẽ vẫn thấp hơn 6% vào năm 2024 so với mức dự báo trước khi dịch COVID-19 bùng phát.
Đối với Philippines, quốc gia đối mặt với viễn cảnh kinh tế tồi tệ nhất, các ảnh hưởng của đại dịch dự kiến sẽ tồi tệ hơn gấp đôi, với thu nhập bình quân đầu người thấp hơn 12% so với dự báo trước đây.
Tương tự, tiến bộ trong việc giải quyết tình trạng nghèo đói, khắc phục tình trạng việc làm bấp bênh và vấn đề phát triển con người cũng sẽ bị cản trở.
Điều quan trọng hơn, các nền kinh tế rơi vào tình trạng suy thoái càng dài, ảnh hưởng của các "vết sẹo" này dường như càng tồi tệ hơn, thậm chí cuối cùng có thể làm gia tăng các bất ổn về chính trị.
Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế này cũng chỉ ra rằng bất chấp triển vọng kinh tế bị bủa vây bởi sự không chắc chắn, có ba nhân tố chính đóng vai trò quan trọng trong việc định hình ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tại khu vực Đông Nam Á hiện nay. Những yếu tố này cũng có ý nghĩa then chốt cho những gì xảy ra tiếp theo.
Kiểm soát dịch bệnh
Đầu tiên là việc kiểm soát dịch bệnh để hạn chế thiệt hại về kinh tế. Những kinh nghiệm tương phản của Việt Nam, Indonesia và Philippines là hình ảnh thu nhỏ về Đông Nam Á.
Việt Nam là một ví dụ điển hình. Đây là một trong số ít nền kinh tế trên thế giới đạt được mức tăng trưởng dương trong năm 2020 nhờ phản ứng nhanh chóng và thành công về sức khỏe cộng đồng.
Điều đó cho phép quốc gia Chủ tịch ASEAN 2020 nhanh chóng mở cửa trở lại nền kinh tế và bước vào giai đoạn phục hồi mạnh mẽ.
Trong khi đó, tại Indonesia, chính phủ nước này đã miễn cưỡng thực hiện các hành động có thể làm suy yếu nền kinh tế trong ngắn hạn.
Indonesia chỉ áp đặt các hạn chế về giãn cách xã hội nhưng tương đối muộn, trong khi không đạt được phản ứng hiệu quả về sức khỏe cộng đồng.
Mặc dù nền kinh tế Indonesia suy thoái không quá nghiêm trọng so với nhiều nền kinh tế khác, nhưng do quốc gia Đông Nam Á này không thể ngăn chặn được đại dịch lây lan nên quá trình phục hồi kinh tế rất yếu.
Trong khi đó, mặc dù đã áp đặt các biện pháp kiểm dịch chặt chẽ và hạn chế nghiêm ngặt, nhưng Philippines vẫn không kiểm soát được sự lây lan của virus.
Kinh tế Philippines đã giảm 14% (so với thời điểm trước khi dịch bệnh bùng phát) trong quý II/2020 và giảm 9% vào cuối năm 2020, khiến nước này là một trong những nền kinh tế hoạt động yếu kém nhất trên phạm vi toàn cầu.
Lợi ích của thương mại quốc tế
Nhân tố chính thứ hai hình thành nên cuộc khủng hoảng tại Đông Nam Á là vai trò của thương mại quốc tế.
Thương mại toàn cầu đã tăng trưởng một cách đáng ngạc nhiên và điều này đặc biệt có lợi cho Đông Nam Á khi đây là khu vực tập trung nhiều vào thương mại.
Hiện tại, thương mại đã bắt đầu phục hồi, đặc biệt là khi các đợt phong tỏa biên giới công khai ở hầu hết quốc gia trên thế giới dần được nới lỏng.
Bên cạnh đó, chính phủ nhiều nước phương Tây đã triển khai các gói tài chính khổng lồ nhằm giải cứu nền kinh tế.
[ASEAN thông qua 13 ưu tiên của Brunei về hợp tác kinh tế]
Nhu cầu về thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE), thiết bị điện tử và các sản phẩm hỗ trợ hình thức làm việc tại nhà tăng đột biến cũng hỗ trợ cho xuất khẩu của các nước ASEAN.
Tại thời điểm giữa năm 2020, xuất khẩu hàng hóa của khu vực đã giảm gần 1/5, nhưng đến tháng 10/2020, xuất khẩu đã phục hồi và thậm chí còn cao hơn so với mức trước đại dịch, mặc dù không nhiều.
Chính sách tài khóa mở rộng
Yếu tố quan trọng thứ ba định hình cuộc khủng hoảng của Đông Nam Á là khả năng đáp ứng của chính sách kinh tế vĩ mô.
Ngoài Thái Lan và Singapore, mức độ phản ứng tài chính đối với dịch COVID-19 trung bình tại Đông Nam Á là 3% GDP trong năm 2020, thấp hơn tương đối so với con số 13,5% GDP ở cấp độ toàn cầu và thậm chí con số này ở các nền kinh tế lớn phương Tây còn cao hơn nữa.
Tuy nhiên, tác giả nhận định chính sách tài khóa ở Đông Nam Á vẫn mở rộng, đặc biệt nếu so với các cuộc khủng hoảng trong quá khứ. Ông cho rằng điều này có vai trò quan trọng trong việc hạn chế suy thoái kinh tế và xã hội do đại dịch gây ra.
Trong khi bản chất của cuộc khủng hoảng đòi hỏi chính sách tài khóa đóng vai trò chủ đạo, phản ứng của một số ngân hàng trung ương trong khu vực cũng rất quan trọng, đáng chú ý nhất là ở Indonesia và Philippines.
Ngân hàng trung ương ở cả hai quốc gia này không chỉ mua số lượng đáng kể trái phiếu chính phủ trong nước trên thị trường thứ cấp mà còn tài trợ trực tiếp cho một phần lớn thâm hụt ngân sách của chính phủ.
Đây là một yếu tố thay đổi cuộc chơi trong lộ trình đối phó với cuộc khủng hoảng. Đầu tiên, để đối phó với dòng vốn tháo chạy ngay khi đại dịch bùng phát, các quốc gia này đã ổn định thị trường trái phiếu nội địa.
Tiếp đến, trong bối cảnh thị trường và hoạt động thương mại khó khăn, viện trợ quốc tế hạn hẹp, bằng cách đảm bảo các khoản thâm hụt ngân sách lớn do cuộc khủng hoảng gây ra có thể được tài trợ, các quốc gia Đông Nam Á này đã bước đầu xử lý thành công những khó khăn, thách thức do dịch bệnh mang lại.
Trước đó không lâu, những động thái này của ngân hàng trung ương ở các nền kinh tế mới nổi có thể khiến dòng tiền chảy ra thậm chí còn mạnh hơn.
Thay vào đó, phản ứng của thị trường trầm lặng một cách đáng ngạc nhiên, một phần phản ánh sự tín nhiệm được cải thiện mà các ngân hàng trung ương này đã xây dựng trong nhiều năm qua. Đồng thời, động thái này cũng giảm bớt áp lực dòng tiền khi các ngân hàng trung ương của các quốc gia giàu có mạnh mẽ giải phóng thanh khoản toàn cầu.
Điều gì sẽ đến tiếp theo?
Giống như nhiều khu vực khác, sẽ có nhiều yếu tố không chắc chắn xung quanh tốc độ phục hồi mà các nền kinh tế Đông Nam Á có thể đạt được. Sự phục hồi ở từng quốc gia sẽ còn yếu và chưa hoàn thiện chừng nào dịch bệnh còn lây lan trong nước và chưa được kiểm soát.
Xét trên khía cạnh này, triển vọng kinh tế khu vực hầu như không có nhiều hứa hẹn. Đại dịch vẫn tiếp tục lây lan trong cộng đồng tại Indonesia, Philippines và Malaysia trong khi các nước còn lại vẫn xuất hiện các đợt bùng phát nhỏ lẻ.
Trong khi đó, các biến thể COVID-19 mới và các mối đe dọa mới nguy hiểm hơn có thể khiến việc triển khai chương trình tiêm chủng vaccine bị chậm lại đáng kể.
Tại khu vực, chỉ có Singapore dường như đang đi đúng hướng để hoàn thành tiêm chủng rộng rãi trong năm 2021, trong khi các quốc gia còn lại sẽ triển khai tiêm chủng chậm hơn nhiều.
Tín hiệu lạc quan hiện nay là triển vọng thương mại tại khu vực có phần tích cực hơn.
Mặc dù nhu cầu đột biến đối với quần áo bảo hộ (PPE) và thiết bị điện tử có thể sẽ sớm tiêu tan, nhưng nhu cầu toàn cầu có khả năng tiếp tục tăng mạnh nếu các nền kinh tế lớn có thể tiếp tục trên đà phục hồi, trong đó nhu cầu của Mỹ đóng vai trò đặc biệt quan trọng.
Việc thông qua các biện pháp ngân sách bổ sung trị giá 1.900 tỷ USD gần đây đã nâng tổng quy mô kích thích tài khóa của Mỹ được lên kế hoạch cho năm 2021 lên mức tương đương 13% GDP.
Mặc dù chưa thể dự đoán chắc chắc tác động của gói kích cầu này đối với lĩnh vực tiêu dùng, kết hợp với các khoản tiết kiệm mà người dân tích lũy được, song dự kiến nhu cầu của Mỹ sẽ xuất hiện lộ trình phục hồi.
Điều đó góp phần thúc đẩy nhập khẩu của Mỹ, và do đó thương mại toàn cầu sẽ tiếp tục là động lực hỗ trợ kinh tế quan trọng trong năm tới.
Cuối cùng, việc duy trì các chính sách kinh tế vĩ mô mở rộng sẽ rất quan trọng. Đến nay, các biện pháp về tài khóa của các nước tương đối nhỏ không phải là dấu hiệu tốt cho sự phục hồi mạnh mẽ.
Đáng lo ngại hơn, lãi suất trên phạm vi toàn cầu đã bắt đầu tăng khi các thị trường điều chỉnh theo viễn cảnh lạm phát của Mỹ trong tương lai cao hơn và chính sách tiền tệ thắt chặt sớm hơn dự kiến trước đó.
Đối với Đông Nam Á, điều này sẽ đồng nghĩa với việc tăng chi phí đi vay và áp lực lên tiền tệ sẽ khiến việc duy trì các chính sách mở rộng cần thiết để phục hồi trở nên khó khăn hơn./.