Long An đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An Phạm Tấn Hòa nhấn mạnh công tác xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số của tỉnh thời gian qua đạt hiệu quả khá cao.
Long An đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số ảnh 1(Nguồn: dangcongsan)

Ngày 15/4, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An Phạm Tấn Hòa đã chủ trì hội nghị trực tuyến về công tác xây dựng chính quyền điện tử, nhằm khắc phục những hạn chế của năm 2020 và tập trung hoàn thành các chỉ tiêu của năm 2021.

Ông Phạm Tấn Hòa nhấn mạnh công tác xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số của tỉnh thời gian qua đạt hiệu quả khá cao. Nhiều địa phương, đơn vị đã nhận thức rất tốt, triển khai tập trung đầu tư, sử dụng ngân sách địa phương hoặc nguồn xã hội hóa đầu tư, bố trí cán bộ, nguồn nhân lực đảm bảo thực hiện xây dựng chính quyền điện tử. Song bên cạnh đó, nhiều địa phương vẫn còn một số hạn chế.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An đề nghị các ban ngành, địa phương tập trung thảo luận nguyên nhân hạn chế, phân tích đánh giá để khắc phục, quyết tâm thực hiện những chỉ tiêu khó chưa đạt.

Báo cáo của Ban Chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử tỉnh Long An cho biết tỉnh đến tháng Tư này tỉnh còn 6/14 chỉ tiêu chưa đạt gồm: tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 phổ biến, liên quan tới nhiều người dân, doanh nghiệp được tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia; tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên tổng số hồ sơ giải quyết; tỷ lệ các hệ thống thông tin của tỉnh có liên quan đến người dân, doanh nghiệp đã đưa vào vận hành, khai thác được kết nối, liên thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu, thông tin của người dân, doanh nghiệp đã được số hóa và lưu trữ tại các cơ sở dữ liệu quốc gia không phải cung cấp lại; Ủy ban Nhân dân tỉnh, cơ quan chuyên môn cấp tỉnh thực hiện họp thông qua Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc tại các cuộc họp của Ủy ban Nhân dân; tỷ lệ cấp huyện thực hiện họp thông qua Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc tại các cuộc họp của Ủy ban Nhân dân.

[Công bố 5 nền tảng Cloud 'make in Vietnam' phục vụ Chính phủ điện tử]

Theo đó, tỷ lệ cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của Long An hiện nay đạt 35,5% ở mức độ 3 và 34% ở mức độ 4. Tuy nhiên theo chỉ đạo của Chính phủ, phải đảm bảo 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp mức độ 4 và đa số hồ sơ nộp trực tuyến. Bên cạnh đó, việc khai báo, công bố bộ thủ tục hành chính của tỉnh chưa thống nhất trên các hệ thống: một cửa điện tử tỉnh, Cổng dịch vụ công tỉnh và Cổng dịch vụ công quốc gia, làm ảnh hưởng đến quá trình giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công của tỉnh.

Sở Thông tin và Truyền thông-Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử tỉnh Long An kiến nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, Ủy ban Nhân dân cấp huyện bố trí cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin đảm đương các nhiệm vụ, đặc biệt công tác chuyển đổi số; chủ trương đào tạo chuyên sâu trình độ chuyên môn Thạc sỹ, Tiến sỹ cho cán bộ công chức viên chức ngành Thông tin và Truyền thông trong chương trình đào tạo, phát triển nguồn nhân lực của tỉnh.

Bên cạnh đó bố trí 1% kinh phí ngân sách cấp tỉnh để phục vụ công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông; tranh thủ các nguồn lực để hiện đại hóa hạ tầng ICT phục vụ chuyển đổi số (chính quyền, kinh tế, xã hội), trong đó, sớm phát triển 5G trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, đề nghị bổ sung thêm vốn giai đoạn 2022-2023 thực hiện dự án “Đầu tư hệ thống Đài Truyền thanh cấp xã ứng dụng công nghệ thông tin-viễn thông;” thủ tục triển khai Dự án “Xây dựng hạ tầng, nền tảng, dịch vụ đổ thị thông minh của tỉnh giai đoạn 1”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục