Xây dựng Chính phủ điện tử từ quản lý số hóa toàn diện hộ khẩu

Cần đẩy nhanh cải cách thủ tục hành chính sổ hộ khẩu, đặc biệt tiến tới số hóa toàn diện hộ khẩu, tạm trú… là ý kiến của đa số đại biểu tại thảo luận trực tuyến 1 số nội dung của dự thảo Luật Cư trú.
Đại biểu Trần Thị Dung, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên. (Ảnh: quochoi.vn)
Đại biểu Trần Thị Dung, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên. (Ảnh: quochoi.vn)

Trong khuôn khổ buổi thảo luận trực tuyến một số nội dung của dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) vừa diễn ra sáng nay (ngày 21/10), Chương trình kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIV, nhiều đại biểu bày tỏ ý kiến về việc cần đẩy nhanh cải cách thủ tục hành chính sổ hộ khẩu và đặc biệt tiến tới số hóa toàn diện hộ khẩu, tạm trú…

Cần số hóa toàn diện

Liên quan tới quy định về thời hạn giá trị của sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết: Mặc dù Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội đều tán thành với việc cần chuyển đổi sang phương thức quản lý cư trú mới và nhất trí quy định Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2021 như đề xuất và cam kết của Chính phủ, song nhiều ý kiến đề nghị trong Luật cần có một số quy định có tính chất chuyển tiếp phù hợp để bảo đảm sự thích ứng kịp thời của các cơ quan nhà nước có liên quan, tránh làm phát sinh thêm thủ tục, gây khó khăn, phiền hà cho người dân.

[Bộ Trưởng Tô Lâm: Sẽ bỏ hộ khẩu, sổ tạm trú từ ngày 1/7/2021]

Nhiều ý kiến đề nghị cho phép người dân được tiếp tục sử dụng Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã được cấp cho đến hết ngày 31/12/2022 để chứng minh thông tin về nơi cư trú, tránh làm phát sinh thêm thủ tục, khó khăn, phiền phức cho người dân, tạo áp lực quá lớn cho các cơ quan quản lý, đăng ký cư trú tại thời điểm Luật mới có hiệu lực thi hành.

Song, một số ý kiến lại nhất trí với quy định như trong dự thảo Luật đã trình tại kỳ họp thứ 9: Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú hết giá trị kể từ thời điểm Luật có hiệu lực thi hành là từ ngày 1/7/2021, bởi cho rằng phương thức quản lý cư trú mới là tiến bộ, cần được thực hiện ngay một cách đồng bộ.

Quy định như vậy cũng tạo áp lực để Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tích cực, khẩn trương hơn nữa trong việc hoàn thành sớm các chỉ tiêu, nhiệm vụ về xây dựng Chính phủ điện tử.

Xây dựng Chính phủ điện tử từ quản lý số hóa toàn diện hộ khẩu ảnh 1Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên thảo luận tại điểm cầu hội trường Diên Hồng. (Ảnh: quochoi.vn)

Về điều khoản thi hành, quy định tại Điều 38 của dự thảo Luật, đa số ý kiến đều cho rằng việc đổi mới phương thức quản lý cư trú của công dân từ cách thức thủ công, truyền thống bằng Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú và các tàng thư văn bản sang quản lý bằng số hóa, có kết nối thông suốt giữa các cơ quan đăng ký, quản lý cư trú trên cả nước thông qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú và số định danh cá nhân là hoàn toàn phù hợp với xu thế tất yếu của việc hiện đại hóa phương thức quản lý nhà nước, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử hiện nay. 

Việc chuyển đổi này vừa bảo đảm thuận lợi cho công dân trong việc thực hiện tốt hơn quyền tự do cư trú, vừa nâng cao hiệu quả của công tác quản lý nhà nước.

Đại biểu Trần Thị Dung, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên, cho biết theo Nghị quyết số 17 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử, trong giai đoạn 2021-2025, mới chỉ có 60% hệ thống thông tin của các bộ, ngành, địa phương có liên quan đến người dân, doanh nghiệp được đưa vào vận hành, khai thác, kết nối liên thông; 90% hồ sơ công việc của các bộ, các tỉnh, 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng.

Quyết định số 20 của Thủ tướng Chính phủ về mã định danh điện tử của các cơ quan, tổ chức phục vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành, địa phương cũng xác định thời hạn đến tháng 9/2022 các bộ, ngành địa phương mới hoàn thành việc nâng cấp, chỉnh sửa, thông tin để đảm bảo tuân thủ các quy định về mã định danh điện tử phục vụ việc kết nối, chia sẻ dữ liệu.

Xây dựng Chính phủ điện tử từ quản lý số hóa toàn diện hộ khẩu ảnh 2Toàn cảnh buổi thảo luận về Luật Cư trú sửa đổi. (Ảnh: quochoi.vn)

Đại biểu Trần Thị Dung cho rằng nếu như vậy, theo kế hoạch của Chính phủ thì đến hết 2025 vẫn chưa hoàn thành việc kết nối, chia sẻ thông tin, cơ sở dữ liệu với tất cả các bộ, ngành địa phương; chưa kể đến các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn. Bên cạnh đó, cả nước đang tập trung đối phó dịch bệnh và lũ lụt nên việc dành nguồn lực để đầu tư hạ tầng kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu quốc gia về cư trú và việc đầu tư hạ tầng kết nối giữa các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan trên toàn quốc từ Trung ương đến cấp xã, đảm bảo khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia trước ngày 01/7/2021 là rất khó khăn, khó đảm bảo tính khả thi.

Đại biểu Trần Thị Dung nhấn mạnh việc bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú là vấn đề rất lớn, liên quan trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt hàng ngày của người dân và hoạt động của các cơ quan, tổ chức liên quan, do vậy cần được xem xét, cân nhắc thận trọng, toàn diện, tránh làm khó cho người dân.

Cùng quan điểm trên, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng việc xóa sổ hộ khẩu, sổ đăng ký tạm trú là cần thiết nhưng về điều khoản chuyển tiếp thì cần phải cho phép người dân kéo dài thời gian để chứng minh thông tin cư trú khi giao dịch với cơ quan chức năng. Lý do là vì, phía Công an có thể đảm bảo được đến ngày 1/7/2021 sẽ hoàn thành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhưng các cơ quan Nhà nước khác sẽ không theo kịp như: Thuế, Hải quan, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội… Nếu đến thời gian này, khi người dân đến giao dịch mà cơ quan chức năng chưa cập nhật kịp thời, lại đòi hỏi những giấy tờ như trên sẽ gây phiền hà cho người dân.

Xây dựng Chính phủ điện tử từ quản lý số hóa toàn diện hộ khẩu ảnh 3Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, đoàn Quốc hội thành phố Hà Nội. (Ảnh: quochoi.vn)

Đảm bảo tính kết nối, liên thông

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, đoàn thành phố Hà Nội cho biết hoàn toàn tán thành với phương án Chính phủ quyết liệt đẩy nhanh tiến độ thực hiện cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính và kết nối liên thông.

Theo đại biểu Quốc Khánh: “Qua theo dõi nắm tình hình cải cách hành chính, chúng tôi thấy Bộ Công an có cơ hội thuận tiện hơn các bộ khác nhờ có nguồn lực để tập trung cho vấn đề cải cách và bỏ dần những thủ tục giấy tờ. Lần này, chúng ta nên ủng hộ Chính phủ tiếp tục mở rộng sang các lĩnh vực khác, đặc biệt phải đẩy nhanh tốc độ lên, chứ không phải đến năm 2022.”

Đại biểu từ đoàn Quốc hội Hà Nội cũng đề xuất nếu có thể được Chính phủ nhận luôn nhiệm vụ về dự án Luật Hành chính công để đồng bộ với các luật khác hiện nay đang gặp khó khăn trong vấn đề kết nối liên thông.

“Chúng tôi biết việc kết nối liên thông này không hề tốn kém hay khó khăn mà vấn đề là chúng ta có kiên quyết thực hiện vấn đề này hay không? Hiện Chính phủ mặc dù đã đưa ra cổng dịch vụ công quốc gia, nhưng nhiều bộ vẫn còn chưa thực hiện. Vấn đề này do ý chí của từng bộ, ngành… Tôi đề nghị Quốc hội phải đồng hành cùng Chính phủ trong vấn đề tiến tới Chính phủ số, nền kinh tế số. Một lần nữa tôi thiết tha đề nghị Chính phủ nhận lấy nhiệm vụ về dịch vụ công, hành chính công để đồng bộ hóa sớm thực hiện được vấn đề bảo đảm kỷ cương, kỷ luật hành chính và chống những vấn đề gây bức khi người dân làm các thủ tục hành chính," đại biểu Quốc Khánh nói.

Trước ý kiến của các đại biểu, Đại tướng Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, phối hợp với Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội tiếp tục hoàn thiện dự án Luật để trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp này.

Xây dựng Chính phủ điện tử từ quản lý số hóa toàn diện hộ khẩu ảnh 4Đại tướng Tô Lâm. (Ảnh: quochoi.vn)

Về vấn đề sổ hộ khẩu, theo Bộ Trưởng Tô Lâm, cùng với quản lý cư dân bằng sổ hộ khẩu giấy sẽ có nhiều điều khoản khác “ăn theo”. Để cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận tiện cho người dân cần thay đổi phương thức quản lý. Thời gian tới, sẽ vận động người dân lấy thông tin theo căn cước công dân cho những hoạt động giao dịch như: Gửi tiết kiệm, giao dịch bất động sản…

Bộ trưởng cho biết: “Đến nay, thông tin cơ sở dữ liệu dân cư đã thu thập được 90% và cơ quan chức năng đang thẩm định, phúc tra. Còn 10% dân cư chưa được thu thập cơ sở dữ liệu sẽ phấn đấu hoàn thành trong 2020 để đưa vào vận hành.”

Như vậy, Luật Cư trú (sửa đổi) này là dự án luật mang tính cải cách rất lớn, thể hiện được định hướng rõ rệt trong ứng dụng công nghệ thông tin của hoạt động quản lý nhà nước, phát triển được kinh tế - xã hội. Nếu số hóa được thông tin cư trú cũng sẽ không cần phải tổng điều tra dân số, vì tất cả đã được quản lý theo hệ thống; góp phần giảm thiểu các thủ tục hành chính liên quan đến các cơ chế hành chính./.

Liên quan đến vấn đề giá trị thời hạn sử dụng của sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, sáng nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đưa ra 2 phương án cho các đại biểu Quốc hội thảo luận.

Theo đó, phương án 1: Kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú theo quy định của Luật này cho đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2022.

Trường hợp thông tin trong Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú khác với thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú thì sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú.

Khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký, khai báo về cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã cấp, thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định của Luật này và không cấp mới, cấp lại Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú.

Phương án 2: Các loại giấy tờ, tài liệu có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú vẫn nguyên hiệu lực pháp luật.

Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú không có giá trị sử dụng trong các giao dịch, quan hệ pháp luật được xác lập mới kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục