Long An đứng thứ 3 trên cả nước về giải ngân vốn đầu tư công

Trong 6 tháng đầu năm, tỉnh Long An đã giải ngân hơn 5.100 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt 57,49% kế hoạch, đứng thứ 3/63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Long An đứng thứ 3 trên cả nước về giải ngân vốn đầu tư công ảnh 1Long An đứng thứ 3 trên cả nước về giải ngân vốn đầu tư công. (Ảnh: Bùi Giang/TTXVN)

Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An, 6 tháng đầu năm 2023, việc thực hiện và giải ngân vốn các dự án đầu tư công trên địa bàn đạt hiệu quả khá tốt, góp phần tạo động lực tăng trưởng kinh tế-xã hội của địa phương.

Tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 của tỉnh Long An là hơn 9.300 tỷ đồng, Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An đã phân bổ gần 8.900 tỷ đồng.

Trong nửa đầu năm, Long An đã giải ngân hơn 5.100 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt 57,49% kế hoạch (cùng kỳ năm trước chỉ đạt 31,5% kế hoạch), đứng thứ 3/63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Trong số đó, có nhiều chủ đầu tư đạt tỷ lệ giải ngân rất cao như Công an tỉnh tỷ lệ giải ngân đạt 100% kế hoạch; Sở Thông tin và truyền thông giải ngân đạt 92,65% kế hoạch; Ủy ban Nhân dân huyện Đức Hòa đạt 87,79%; Ủy ban Nhân dân huyện Cần Được đạt 83,83%.

Bên cạnh đó, vẫn còn một số chủ đầu tư chưa giải ngân hoặc có tỷ lệ giải ngân thấp như Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Liên đoàn Lao động tỉnh chưa giải ngân; Sở Giáo dục và Đào tạo tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt 0,03%; Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chỉ đạt 8,17%.

[Hà Nội tập trung đẩy mạnh dự án và tiến độ giải ngân vốn đầu tư công]

Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An yêu cầu các đơn vị, địa phương tiếp tục tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu đến hết quý 3/2023 tỷ lệ giải ngân tối thiểu đạt 80% kế hoạch và cả năm tỷ lệ giải ngân đạt 100% kế hoạch.

Các đơn vị, địa phương cần phải chú trọng xem nhiệm vụ thực hiện dự án đầu tư công là nhiệm vụ quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và nâng cao tốc độ tăng trưởng kinh tế trong năm 2023.

Từ đó, cần tăng cường trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ đầu tư công; tăng cường giao trách nhiệm cho cá nhân phụ trách cụ thể gắn với chất lượng và tiến độ hoàn thành dự án.

Các chủ đầu tư cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan tập trung thực hiện tốt giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.

Đồng thời, chủ động rà soát khối lượng thực hiện đủ điều kiện để nghiệm thu và lập thủ tục thanh toán, quyết toán ngay, không để tồn đọng vào những tháng cuối năm; thường xuyên theo dõi, đôn đốc đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ thực hiện; khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để triển khai các dự án khởi công mới, các gói thầu mới; kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện khó khăn, vướng mắc hoặc vi phạm trong quá trình thực hiện để kịp thời giải quyết, xử lý theo quy định.

Bên cạnh đó, các đơn vị, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đầu tư theo hình thức PPP, xã hội hóa đầu tư, tăng cường huy động vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế khác để thực hiện các dự án phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội.

Ngoài ra, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp tăng thu và tiết kiệm chi ngân sách để tạo nguồn vốn bổ sung cho đầu tư công, nhất là bố trí vốn cho giải phóng mặt bằng và các dự án cấp bách, bức xúc đang cần nguồn vốn để triển khai./.

(TTXVN/Vietnam)

Tin cùng chuyên mục