Lỏng lẻo trong quan hệ “cộng sinh” Trung Quốc-Nga-Iran

Mặc dù liên minh 3 nước này vẫn là giải pháp tạm thời, chỉ là sự nương tựa lẫn nhau dưới sức ép của phương Tây, vẫn còn cách liên minh thực sự khá xa, nếu cường độ bao vây và trừng phạt gia tăng.
Lỏng lẻo trong quan hệ “cộng sinh” Trung Quốc-Nga-Iran ảnh 1Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. (Nguồn: AFP)

Sau khi Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Anh và Canada đồng loạt tuyên bố trừng phạt các quan chức Trung Quốc liên quan vấn đề Tân Cương, các ngoại trưởng Trung Quốc và Nga đã tổ chức hội đàm tại Quế Lâm, Quảng Châu và đưa ra tuyên bố chung về quản trị toàn cầu, đồng thời nhấn mạnh “không thể chấp nhận” việc lấy lý do thúc đẩy dân chủ để can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia có chủ quyền.

Tiếp đó, trong chuyến công du 6 nước Trung Đông của Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị, Trung Quốc và Iran đã ký Thỏa thuận hợp tác toàn diện với thời hạn 25 năm.

Bên cạnh đó, việc Nga-Iran đã liên kết thành mặt trận thống nhất trong cuộc chiến ở Syria nhiều năm qua khiến dư luận cho rằng một liên minh ba nước Trung-Nga-Iran bắt tay chống lại Mỹ và thế giới phương Tây đang hình thành.

Mặc dù liên minh ba nước này vẫn là giải pháp tạm thời, chỉ là sự nương tựa lẫn nhau dưới sức ép của phương Tây, vẫn còn cách liên minh thực sự khá xa, nhưng nếu cường độ bao vây và trừng phạt của phương Tây gia tăng mức độ chặt chẽ của liên minh này sẽ được tăng cường.

Phương Tây trừng phạt toàn diện, 3 nước phải liên thủ ứng phó

Trong cuốn “Bàn cờ lớn: Vị thế đứng đầu và những đòi hỏi địa chiến lược của Mỹ” xuất bản năm 1997, Zbigniew Brzezinski (Cố vấn An ninh quốc gia của cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter, chuyên gia quan hệ quốc tế theo chủ nghĩa hiện thực nổi tiếng) nhấn mạnh: “Đối với Mỹ, nguy hiểm tiềm ẩn lớn nhất là Trung Quốc và Nga hoặc có thêm Iran liên kết thành liên minh lớn.

Nguyên nhân dẫn đến việc hình thành liên minh này không xuất phát từ ý thức hệ, mà là sự bất mãn tương tác lẫn nhau.” Đồng thời, Brzezinski cũng cho rằng “chỉ khi Mỹ thiển cận áp dụng chính sách thù địch với Trung Quốc và Iran cùng lúc, liên minh Nga-Trung Quốc-Iran mới có thể hình thành. Tuy nhiên, không thể loại trừ một kịch bản như vậy.”

Gần đây, dư luận bàn luận sôi nổi về việc dự đoán của Brzezinski đang trở thành hiện thực, hơn nữa nguyên nhân gây nên hậu quả này chính là chính sách ngoại giao trừng phạt toàn diện của Mỹ và phương Tây: Chính quyền ông Donald Trump rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran, tăng cường trừng phạt Tehran; những năm gần đây Mỹ và EU liên tục trừng phạt Nga do vấn đề Crimea và vụ Navalny; hiện Mỹ, Anh, Canada và EU lại lấy vấn đề Tân Cương làm lý do để trừng phạt các quan chức và thực thể Trung Quốc.

[Hội tụ chiến lược ba bên Nga-Trung-Iran ngày càng tăng?] 

Trên thực tế, một loạt động thái nối tiếp nhau đã thúc ép Trung Quốc, Nga và Iran hình thành các đối tác đồng minh. Điều khiến mọi người chú ý là, gần đây nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un lại gửi thư cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cân Bình thể hiện mong muốn tăng cường quan hệ.

Tại Liên hợp quốc, 17 nước bao gồm Trung Quốc, Nga, Iran và Triều Tiên đã thành lập liên minh “Bảo vệ Hiến chương Liên hợp quốc,” tuyên bố phản đối sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, cũng như thực hiện các lệnh trừng phạt đơn phương, tạo ra nền tảng đối lập cạnh tranh với cái gọi là lực lượng các quốc gia dân chủ Mỹ, Anh, Canada, Australia, Nhật Bản và EU, phảng phất hơi hướng quay lại xu thế đối đầu giữa hai phe trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Tuy nhiên, như Brzezinski đã nhấn mạnh sự cấu thành liên minh chống phương Tây này không dựa trên nền tảng ý thức hệ, mà là sự bất mãn tương tác lẫn nhau. Trên thực tế, Trung Quốc, Nga và Iran có rất nhiều “ân oán” trong lịch sử, đồng thời cũng tồn tại nhiều mâu thuẫn ngoại giao thực tế.

Ví dụ, trong xung đột giữa Nga và Ukraine, Trung Quốc luôn giữ lập trường trung lập; Nga luôn thể hiện thái độ mơ hồ đối với xung đột biên giới Trung-Ấn hay tranh chấp ở Biển Đông nhưng vẫn là bên bán vũ khí chủ yếu cho Ấn Độ và Việt Nam; Nga-Iran vừa hợp tác vừa cạnh tranh ở Syria; ở Trung Đông, Trung Quốc có quan hệ rất tốt với các nước Vùng Vịnh đối đầu với Iran như Saudi Arabia…

Do đó, ba nước chỉ là phải xích lại gần nhau để ứng phó với sức ép của phương Tây, bổ sung lợi thế cho nhau, chứ không phải liên minh về quan điểm giá trị và luật lệ, nên có thể sử dụng cụm từ “hòa thuận nhưng khác biệt, liên kết nhưng không liên minh” để hình dung.

Tương tự, liên minh 17 nước tại Liên hợp quốc cũng vậy, họ phân tán ở các khu vực địa lý khác nhau, chính thể khác biệt, trong đó Nicaragua và Saint Vincent & Grenadines (quốc gia ở Carribe) là hai nước có bang giao với Đài Loan, do đó mức độ “đồng sàng dị mộng” không cần nói cũng biết.

Đồng sàng dị mộng, Trung Quốc quyết không đi đầu

Trên thực tế, Trung Quốc và Nga dù đánh giá rất cao quan hệ song phương, nhưng lại hết sức cẩn thận trong thể hiện. Vương Nghị từng hình dung hợp tác chiến lược Trung-Nga “không có biên giới, không có vùng cấm, không có giới hạn,” song người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tuyên bố quan hệ hai nước “kiên trì nguyên tắc không thiết lập quan hệ đồng minh, không đối đầu, không nhằm vào nước thứ ba.”

Lỏng lẻo trong quan hệ “cộng sinh” Trung Quốc-Nga-Iran ảnh 2Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh. (Nguồn: Kyodo/TTXVN)

Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Lavrov tuyên bố mặc dù quan hệ Nga-Trung đang ở thời kỳ tốt nhất trong lịch sử, nhưng là quan hệ nhà nước kiểu mới hoàn toàn khác với quan hệ đồng minh quân sự truyền thống như Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Khi miêu tả quan hệ Trung-Nga, Vương Nghị dùng từ “lưng tựa lưng” chứ không phải “vai kề vai,” điều đó có nghĩa là hai nước chỉ nương dựa vào nhau để vượt qua khó khăn, chứ không phải “sống chết có nhau.”

Đối với tin đồn Trung Quốc cam kết cung cấp khoản viện trợ khổng lồ 400 tỷ USD cho Iran trong thỏa thuận hợp tác toàn diện, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói rõ thỏa thuận này “không bao gồm những hợp đồng hoặc chỉ tiêu cụ thể được lượng hóa,” nhấn mạnh thỏa thuận “không nhằm vào bên thứ ba nào” mà chỉ cung cấp khung vĩ mô cho hợp tác Trung Quốc-Iran trong tương lai.

Thái độ thận trọng trên cho thấy Trung Quốc hiểu sâu sắc rằng đối diện với thế giới phương Tây do Mỹ đứng đầu, Trung Quốc tạm thời chưa thể cung cấp sự đảm bảo an ninh cho bất cứ quốc gia nào có quan hệ hữu nghị và sẽ không đưa ra cam kết chiến lược.

Mục đích ban đầu “giấu mình chờ thời” của Đặng Tiểu Bình không phải là nhẫn nhịn rút lui khi lợi ích cốt lõi bị tổn hại, mà là không đóng vai trò bao đồng, đứng lên chống lại bất công, giống như Đặng Tiểu Bình đã nói “chúng ta không gánh vác nổi trách nhiệm đầu tàu này và sức mạnh của chúng ta cũng không đủ.” Đương nhiên, không thể đánh giá ý nghĩa việc Trung Quốc-Nga-Iran đạt được thỏa thuận ngầm chiến lược.

Về phương diện kinh tế, Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới nhưng thiếu năng lượng và khoáng sản, có tính bổ sung tự nhiên với nền kinh tế Nga và Iran. Đặc biệt, Iran là quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn nhất Trung Đông, nếu đi đầu trong việc chấp nhận định giá bằng đồng nhân dân tệ trên thị trường dầu mỏ quốc tế sẽ có vai trò quan trọng đối với vấn đề quốc tế hóa đồng nhân dân tệ và phá vỡ địa vị thống trị độc quyền của đồng USD.

Là một cường quốc tầm trung, thực lực kinh tế của Iran cũng tiệm cận với ngưỡng nhóm các nền kinh tế lớn (G20), đồng thời lại nằm ở vị trí then chốt trong sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI), nên sức ảnh hưởng chiến lược rất lớn. Trung Quốc và Nga có sự thống nhất chiến lược về vấn đề bán đảo Triều Tiên và biển Nhật Bản.

Việc Ngoại trưởng Lavrov lập tức đến Hàn Quốc sau khi kết thúc chuyến thăm Trung Quốc cho thấy tính phối hợp Trung-Nga trong ngoại giao Đông Bắc Á. Do đó, chỉ cần Trung Quốc hợp tác chiến lược có chừng mực với Nga và Iran, họ sẽ không giẫm vào vết xe đổ của Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh, không bị sa lầy vào sự hỗn loạn ở Trung Đông./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục