Lừa đảo chạy việc, nguyên cán bộ công an lĩnh án 14 năm tù

Mặc dù đã nghỉ hưu, Nguyễn Thị Tuyết tự giới thiệu đang công tác trong ngành công an, có khả năng xin được việc cho nhiều người học ngành ngoài vào làm việc trong ngành công an.

Ngày 21/2, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội mở phiên tòa xét xử và tuyên án 14 năm tù đối với bị cáo Nguyễn Thị Tuyết về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 139, khoản 4, điểm a - Bộ luật Hình sự năm 1999.

Trước đó, ngày 16/5/2017, ông Nguyễn Bạch Đằng (sinh năm 1959, ở phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, Hà Nội) cùng nhiều cá nhân khác gửi đơn đến Công an thành phố Hà Nội tố cáo Nguyễn Thị Tuyết (sinh năm 1960, trú tại phường Phú La, quận Hà Đông, Hà Nội - nguyên cán bộ Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an thành phố Hà Nội, đã nghỉ hưu từ tháng 9/2011) nhận tiền xin vào làm việc trong ngành công an, "chạy" vào Học viện Cảnh sát cho con em họ. Nhưng sau đó Tuyết không thực hiện như cam kết và chiếm đoạt số tiền đã nhận.

Theo cáo trạng, mặc dù đã nghỉ hưu, không còn làm việc trong ngành công an từ tháng 9/2011, không có chức năng tuyển sinh, tuyển dụng cho người khác vào làm việc, học tập trong ngành công an nhưng lợi dụng thời gian làm hợp đồng dịch vụ tại căngtin của Trung tâm Huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ (Công an thành phố Hà Nội), Nguyễn Thị Tuyết tự giới thiệu đang công tác tại Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) hoặc đang công tác trong ngành công an, có nhiều mối quan hệ và có khả năng xin được việc cho nhiều người học ngành ngoài vào làm việc trong ngành công an với mức “chi phí” từ 250-400 triệu đồng/trường hợp.

[Lừa đảo xin việc và ''chạy án,'' lĩnh án 19 năm tù giam]

Với thủ đoạn nêu trên, trong khoảng thời gian từ tháng 11/2014 đến tháng 2/2017, Nguyễn Thị Tuyết đã nhận và chiếm đoạt được hơn 2,5 tỷ đồng của tám người bị hại. Quá trình điều tra, Tuyết mới chỉ trả được hơn 330 triệu đồng cho các bị hại. Còn lại, Tuyết chiếm đoạt hơn 2,2 tỷ đồng.

Trong số các bị hại, ông Nguyễn Bạch Đằng nhờ Tuyết xin cho con trai ông Đằng là anh Nguyễn Đức Anh (sinh năm 1989, đã tốt nghiệp Học viện Bưu chính Viễn thông) vào làm việc trong ngành công an.

Tuyết đồng ý và hứa xin cho anh Đức Anh vào làm việc tại Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm công nghệ cao (Công an thành phố Hà Nội) với “chi phí” 400 triệu đồng. Ông Đằng đồng ý và đã đưa cho Tuyết tổng số 400 triệu đồng.

Tuyết hẹn sau ba tháng nếu không xin được việc cho anh Đức Anh thì sẽ trả lại toàn bộ số tiền này. Tuy nhiên sau đó, anh Đức Anh không được đi làm như Tuyết hứa hẹn, nhưng Tuyết không trả tiền lại cho ông Đằng. Sau nhiều lần bị đòi tiền, Tuyết mới trả được cho ông Đằng 136 triệu đồng, còn lại Tuyết nợ của ông Đằng 264 triệu đồng.

Tại cơ quan điều tra, lúc đầu Nguyễn Thị Tuyết thừa nhận vì cần tiền chi tiêu nên đã có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các bị hại. Sau đó, Tuyết thay đổi lời khai cho rằng, sau khi nhận tiền từ các bị hại, bị cáo đã đưa cho nhiều người để nhờ xin việc, "chạy trường."

Cơ quan điều tra đã tiến hành xác minh, kết quả cho thấy không có ai như miêu tả của Tuyết, nên không có cơ sở để xác minh, làm rõ.

Quá trình điều tra, Công an Hà Nội nhiều lần triệu tập Nguyễn Thị Tuyết, nhưng Tuyết lấy lý do bị bệnh tâm thần, trầm cảm, không đủ minh mẫn, tỉnh táo để làm việc. Cơ quan điều tra đã ra quyết định trưng cầu pháp y tâm thần đối với Tuyết, kết quả cho thấy trước, trong khi thực hiện hành vi phạm tội, bị cáo không có bệnh tâm thần, đủ khả năng nhận thức và điều khiển hành vi. Tại thời điểm giám định, Tuyết có biểu hiện phản ứng hỗn hợp lo âu trầm cảm, song vẫn đủ khả năng nhận thức và điều khiển hành vi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục