Lừa đảo hãng thông tấn nước ngoài, lĩnh 8 năm tù

Ngày 7/6, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Thị Vân Hương về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản.”
Ngày 7/6, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Thị Vân Hương (sinh năm 1973, trú tại Bách Khoa, Hai Bà Trưng, Hà Nội) về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản.”

Sau khi tốt nghiệp Đại học kinh tế quốc dân, Hương đi làm ở một số cơ quan nhà nước. Tháng 7/2007, Hương được nhận vào văn phòng đại diện của một hãng thông tấn nước ngoài tại Hà Nội với nhiệm vụ quản lý dấu, quỹ tiền mặt... với mức lương hàng tháng gần 1.000 USD.

Chỉ sau khi đi làm được vài tháng, Hương đã nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản của văn phòng nơi cô đang làm việc.

Ngày 3/12/2007, Hương giả chữ ký của lãnh đạo Benjamin Stocking trên lệnh chuyển tiền của văn phòng đến ngân hàng chuyển khoản 240 triệu đồng vào tài khoản của mình. Sau đó, Hương đã hoàn trả lại số tiền này về văn phòng.

Năm 2008, lợi dụng việc được viết séc đến ngân hàng rút tiền, dựa vào các chứng từ mua hàng, đi công tác, trả tiền lương nhân viên, Hương đã đề xuất với người có thẩm quyền ký phát hành séc duyệt chi.

Sau đó, Hương viết séc theo đúng số tiền được duyệt chi để trình ông Benjamin. Khi viết séc, Hương dùng 2 loại bút, số tiền ghi bằng số và chữ thì viết bằng bút chì đậm. Còn các nội dung khác, Hương viết bằng bút bi mực đen tương ứng màu bút chì.

Sau khi séc được ký, Hương tẩy phần chữ số tiền và viết lại với số tiền lớn rồi đến ngân hàng rút và chiếm đoạt 7,2 tỷ đồng.

Sau khi vụ việc bị phát hiện, Hương đã bỏ trốn. 3 năm sau, Hương đã bị cơ quan công an bắt giữ theo lệnh truy nã.

Tại tòa, Hương khai đã dùng số tiền này vào việc chơi chứng khoán, nhưng do bị thua lỗ nên mất khả năng thanh toán. Hiệ, Hương mới khắc phục hậu quả được hơn 2 tỷ đồng.

Có mặt tại tòa, đại diện của văn phòng hãng thông tấn nước ngoài cho rằng Hương đã ly hôn chồng, có 2 đứa con, phải chăm sóc bố mẹ già nên họ không buộc bị cáo phải hoàn trả số tiền còn lại hơn 4,9 tỷ đồng.

Đồng thời, đại diện hãng bày tỏ mong muốn "Hội đồng xét xử xem xét cân nhắc khi lượng hình, tạo điều kiện để bị cáo có thể làm lại cuộc đời."

Luật sư bào chữa cho bị cáo Hương đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng các tình tiết giảm nhẹ vì thân chủ chưa có tiền án tiền sự, lần đầu phạm tội, hãng lại có đơn xin miễn trách nhiệm hoàn trả lại số tiền. Bị cáo sau khi làm giả chữ ký rút được 240 triệu đồng đã tìm cách hoàn trả, chứng tỏ nhận thức được sai lầm...

Bác lại quan điểm bào chữa này, công tố viên tại phiên tòa cho rằng hành vi phạm tội của Hương là nguy hiểm, thủ đoạn rất tinh vi.

Bị cáo có trình độ học vấn phải nhận thức về pháp luật cao hơn người khác, nhưng lại chứng tỏ ý chí phạm tội rất cao, thực hiện nhiều lần.

Việc Hương hoàn trả lại tiền không phải do nhận thức được sai lầm. Mục đích bị cáo trả lại để tránh cho hãng phát hiện, nhằm thực hiện phạm tội chiếm đoạt nhiều lần hơn, mức tiền ngày càng cao hơn.

Đại diện Viện kiểm sát còn viện dẫn việc ngoài chiếm đoạt tài sản của hãng thông tấn nước ngoài này, Hương còn nhờ nhiều người đứng tên ở ngân hàng để vay tín chấp, vay đồng nghiệp hàng trăm triệu đồng đến nay vẫn chưa khắc phục được hậu quả.

Hành vi phạm tội của bị cáo rất tinh vi, 5 cán bộ ngân hàng đều không phát hiện được thủ đoạn này.

Việc thực hiện tội phạm diễn ra liên tục trong thời gian dài. Hơn thế, sau khi bị phát hiện, Hương không thể hiện sự ăn năn, hối lỗi mà bỏ trốn. Cơ quan điều tra phải truy tìm 3 năm liền mới bắt được.

Sau khi nghị án, Hội đồng xét xử cho rằng hành vi phạm tội của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, thủ đoạn rất tinh vi, cần phải cách ly khỏi xã hội một thời gian dài mới đủ sức răn đe.

Tuy nhiên, xét thái độ của bị cáo thể hiện sự ăn năn hối cải, thành khẩn khai báo nên Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Hương lĩnh án 8 năm tù giam, thấp hơn mức án của Viện kiểm sát đề nghị (từ 12-14 năm tù)./.

Kim Anh (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục