Theo "The Globe and Mail" của Canada, tại quốc gia này đang có nhiều ý kiến lo ngại về "điều khoản Trung Quốc" trong Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) phiên bản mới, mà Mỹ gọi là Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada (USMCA).
Theo điều khoản trên, một nước thành viên có thể rời khỏi hiệp định sau khi đưa ra thông báo 6 tháng, nếu một thành viên khác tiến hành đàm phán thương mại song phương với một nền kinh tế phi thị trường (ám chỉ Trung Quốc).
Thủ tướng Canada Justin Trudeau và các quan chức hàng đầu của Canada đã nhấn mạnh rằng điều khoản này sẽ không thể hạn chế việc Canada theo đuổi một thỏa thuận thương mại tự do với Trung Quốc.
Tuy nhiên, một số chuyên gia thương mại coi đây là điểm đáng ngại: Mỹ có quyền phủ quyết đối với chính sách thương mại của Canada và Mexico trong tương lai.
Mỹ đánh giá Trung Quốc là nền kinh tế phi thị trường, viện dẫn lý lẽ rằng chính sách trợ cấp xuất khẩu, hạn chế đầu tư nước ngoài và hoạt động của các doanh nghiệp quốc doanh Trung Quốc đã bóp méo cơ chế định giá tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Trong khi đó, Mỹ cũng gán cho Việt Nam cái mác là nền kinh tế phi thị trường. Nhưng Canada mới đây đã phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà Việt Nam là một quốc gia thành viên. Mexico cũng đã phê chuẩn thỏa thuận này.
Vậy là, nếu Mỹ "có vấn đề" với các nền kinh tế phi thị trường, Canada đã phải nghe lời phàn nàn từ chính quyền Trump. Tuy nhiên, tuyệt nhiên không có động thái nào từ Nhà trắng.
[Mỹ, Canada và Mexico chính thức ký kết hiệp định USMCA]
Có nhiều lý do giải thích cho sự im lặng này. Có thể Tổng thống Donald Trump và các quan chức khác quá bận rộn với cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vừa qua cũng như những biến động liên miên trong nội bộ chính quyền Mỹ.
Cũng có thể Việt Nam đã qua được "cửa ải" Mỹ vì ở thời điểm đó NAFTA phiên bản mới chưa được ký kết. Nhưng nhiều khả năng hơn, lý do Mỹ im lặng là vì điều khoản này không thực sự đề cập các nền kinh tế phi thị trường, mà chỉ nhằm vào cuộc đối đầu thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Nói cách khác, điều khoản này mang nặng màu sắc chính trị.
Để xác định một nước có phải là nền kinh tế phi thị trường hay không, Bộ Thương mại Mỹ dùng "bài sát hạch" đề cập những vấn đề như: lương và giá cả được thiết lập như thế nào; những đặc điểm của đồng nội tệ; những biện pháp hạn chế đầu tư nước ngoài; và vai trò sở hữu của nhà nước trong nền kinh tế.
Nhiều chuyên gia cho rằng điều khoản về nền kinh tế phi thị trường trong USMCA là một vũ khí mà chính quyền Trump sử dụng để cô lập Trung Quốc - quốc gia mà Mỹ cho rằng đã "bóc lột" hệ thống thương mại toàn cầu.
Không chỉ Canada băn khoăn về điều khoản trên. Một số tổ chức tư vấn công nghiệp của Mỹ cũng có ý lo ngại và đánh giá điều khoản này như một "công cụ cùn" để tiến hành những thay đổi về chính sách và cuối cùng có thể gây tổn hại cho các doanh nghiệp Mỹ.
Một ủy ban tư vấn đại diện cho các doanh nghiệp nhỏ của Mỹ cũng lên tiếng cảnh báo chính quyền Trump rằng điều khoản về nền kinh tế phi thị trường sẽ giết chết USMCA nếu Canada theo đuổi một thỏa thuận thương mại tự do với Trung Quốc.
Ngoài giá trị mang tính "biểu tượng" nhằm "chọc tức" Trung Quốc, điều khoản về nền kinh tế phi thị trường được đánh giá khá "lạc lõng" trong thỏa thuận thương mại Bắc Mỹ. Không một tổng thống Mỹ nào muốn khai tử USMCA chỉ vì Canada tiến hành đàm phán nhằm tăng khả năng tiếp cận của lúa mỳ và gỗ của Canada tại thị trường Trung Quốc.
Trung Quốc hiện là đối tác thương mại hàng hóa lớn thứ hai của Canada. Theo số liệu thống kê của Cơ quan hải quan Trung Quốc, trong giai đoạn từ tháng 1-10/2018, giá trị trao đổi thương mại giữa hai nước tăng 19,7% so với cùng kỳ năm 2017, đạt 345,2 tỷ nhân dân tệ (49,65 tỷ USD).
Hoạt động thương mại của Canada với Trung Quốc được các chuyên gia đánh giá là vẫn trong giai đoạn "sơ khai"
Có thể dễ dàng nhận ra điều này khi nhìn vào thống kê sau: Mỹ là điểm đến của 76,4% kim ngạch xuất khẩu của Canada trong năm 2017, trong khi Trung Quốc chỉ chiếm 4,3% kim ngạch xuất khẩu của Xứ sở lá phong./.