Luật Đầu tư: Cân nhắc dịch vụ đòi nợ, cấm việc mua bán bào thai

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu cho rằng hiện nay quy định chỉ quy định cấm mua bán người, mô, bộ phận cơ thể người là chưa hợp lý. Vì vậy, cần bổ sung thêm quy định về cấm mua bán bào thai.
Luật Đầu tư: Cân nhắc dịch vụ đòi nợ, cấm việc mua bán bào thai ảnh 1Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An. (Nguồn ảnh: TTXVN)

Đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận tổ về dự thảo Luật Đầu tư diễn ra sáng 15/11, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An) kiến nghị cần bổ sung quy định cấm việc mua bán bào thai. Bởi nếu không đưa vào luật trong thời gian tới vấn đề này sẽ “phức tạp hơn.”

Kiến nghị cấm mua bán bào thai

Sáng nay 15/11, Quốc hội đã nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật Đầu tư; trong đó bãi bỏ 12 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đồng thời sửa đổi, bổ sung 25 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện để phù hợp với yêu cầu, thực tiễn.

Dự thảo cũng đề cập tới 236 nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và 8 ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, bao gồm: Kinh doanh các chất ma túy; các loại hóa chất, khoáng vật bị cấm; kinh doanh mẫu vật các loại thực vật, động vật quý hiếm.

Đáng chú ý là cấm kinh doanh mại dâm; mua, bán người, mô, bộ phận cơ thể người; hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người; kinh doanh pháo nổ; kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Góp ý về dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An) cho hay hiện nay quy định chỉ quy định cấm mua bán người, mô, bộ phận cơ thể người là cần thiết song chưa đủ. Bởi mua bán bào thai khác với mua bán bộ phận cơ thể người.

“Bào thai là một cơ thể người hoàn chỉnh và chưa được quy định là mặt hàng cấm kinh doanh,” ông Cầu nêu quan điểm và cho biết sở dĩ cần bổ sung cấm mua bán bào thai là bởi hiện tượng này đang xảy tại Nghệ An khi các đối tượng buôn bán sang Trung Quốc.

Do vậy, “tôi đề nghị bổ sung nhiêm cấm mua bán bào thai vào luật, đây là mặt hàng cấm kinh doanh. Nếu không đưa quy định này vào luật thì rất có thể trong thời gian tới tình hình mua bán bào thai sẽ diễn biến phức tạp hơn,” ông Cầu nói.

Cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ là vi hiến?

Một trong những điểm đáng chú ý khác được đề cập trong dự thảo Luật Đầu tư là dịch vụ đòi nợ chuyển từ ngành nghề kinh doanh có điều kiện sang ngành nghề bị cấm đầu tư kinh doanh.

Khẳng định đồng ý đưa ngành nghề kinh doanh đòi nợ vào danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa Vũ Xuân Hùng cho rằng thực tế trong cuộc sống xuất hiện dịch vụ này đa dạng, tuy nhiên vẫn chưa có quy định rõ để quản lý, gây xáo trộn tâm lý sức khỏe, tinh thần đối với người dân.

[Cảnh báo biến tướng cho vay “tín dụng đen” lãi suất 1.600% mỗi năm]

“Nhiều nơi làm dịch vụ này rất ngang nhiên gây hao tổn sức khỏe tinh thần của nhân dân và đặc biệt làm lu mờ chính quyền ở địa phương các cấp. Khi tòa thi hành vụ án việc thi hành khó, người dân ít chấp hành nhưng lực lượng đòi nợ thuê làm được ngay,” đại biểu Vũ Xuân Hùng dẫn chứng.

Cho rằng cần đánh giá tác động nhiều chiều, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long cho rằng nếu quản lý nhà nước chưa tốt thì phải bổ sung quy định để đảm bảo tổ chức kinh doanh hoạt động đúng quy định của pháp luật.

“Dân gian có câu không quản được thì cấm, như thế ảnh hưởng đến quyền kinh doanh của tổ chức, cá nhân,” ông Long nêu quan điểm.

Luật Đầu tư: Cân nhắc dịch vụ đòi nợ, cấm việc mua bán bào thai ảnh 2Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển. (Nguồn ảnh: TTXVN)

Thừa nhận thời gian qua có chuyện một số tổ chức, cá nhân lợi dụng chính sách này để thực hiện một số hành vi vi phạm pháp luật, như sự biến tướng của tín dụng đen, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng “đây là hành vi cần phải nghiêm trị.” Tuy nhiên “đòi nợ cũng là một dịch vụ của cơ chế thị trường.”

Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng dịch vụ đòi nợ thuê “là một giải pháp văn minh” đồng thời nhấn mạnh rằng “cái cần chống là sự lợi dụng, biến tướng của hình thức kinh doanh này. Theo tôi, chúng ta phải cân nhắc kỹ lưỡng. Đừng thấy một vài vụ việc xảy ra, rồi không nhìn toàn cục mà chuyển từ thái cực này sang hẳn thái cực khác”.

Theo đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh Phạm Phú Quốc, trong thực tiễn cuộc sống thì dịch vụ đòi nợ được đánh giá tốt, vì là đơn vị trung gian giúp đi đòi nợ. Vấn đề quan trọng nhất là làm sao để dịch vụ này không được đi theo hướng xấu, không trái pháp luật. Các nghị định, thông tư liên quan cũng đã quy định rõ việc tổ chức các dịch vụ, nếu làm đúng sẽ không có vấn đề gì đáng lo.

“Dịch vụ này là tốt vì có đơn vị trung gian giúp đi đòi nợ, nếu sợ xảy ra trường hợp vi phạm pháp luật thì có chính quyền địa phương, công an địa phương, tổ dân phố làm chứng thì sẽ hạn chế vi phạm xảy ra,” ông Quốc bày tỏ quan điểm và khẳng định nếu cấm dịch vụ này thì sẽ là vi hiến. 

Đồng tình với quan điểm này, Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Lâm Thành đề nghị không nên để tên là “dịch vụ đòi nợ” vì hàm chứa yếu tố bạo lực, cần đổi sang tên khác là “dịch vụ xử lý nợ,” trong đó bao gồm tư vấn nợ và đòi nợ.

Cân nhắc chọn lọc đầu tư nước ngoài

Nhằm thể chế hóa quan điểm, giải pháp tại Nghị quyết số 50/NQ-TW của Bộ Chính trị, góp phần nâng cao tính minh bạch, khả thi trong việc áp dụng cam kết về mở cửa thị trường của Việt Nam theo các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và hiệp định song phương về đầu tư, dự thảo Luật Đầu tư bổ sung quy định về danh mục ngành, nghề tiếp cận thị trường thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài theo cách tiếp cận chọn bỏ.

Danh mục hạn chế gồm ngành, nghề nhà đầu tư nước ngoài chưa được tiếp cận thị trường và ngành, nghề nhà đầu tư nước ngoài được tiếp cận thị trường có điều kiện. Ngoài ngành nghề trong hai danh mục này, nhà đầu tư nước ngoài sẽ được tiếp cận thị trường như quy định đối với nhà đầu tư trong nước.

Bàn về vấn đề này, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội) cho rằng hệ thống danh mục hạn chế cho đầu tư nước ngoài tiếp cận thị trường cần hết sức cân nhắc kỹ trong xu thế bảo hộ thương mại.

“Nếu chúng ta không rà soát tốt, xây dựng tốt ‘hàng rào’ ngành nghề doanh nghiệp nước ngoài được tiếp cận thì sẽ tạo ra một sự cạnh tranh không bình đẳng về năng lực với doanh nghiệp trong nước. Chúng ta sẽ mất đần đi những thương hiệu, sản phẩm mang thương hiệu quốc gia,” ông Cường lưu ý.

Đánh giá việc hạn chế tiếp cận thị trường là vấn đề mới trong dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Quốc Bình (Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội) cho rằng việc hạn chế nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận thị trường sẽ góp phần hạn chế đầu tư công nghệ lạc hậu, những đầu tư mà các nước khác không chấp nhận nữa vào Việt Nam.

Do vậy, “cần có danh sách cụ thể về các danh mục hạn chế tiếp cận thị trường trong luật. Những gì cấm thì cần có quy định cụ thể, như thế sẽ minh bạch hơn,” ông Bình nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục