Luật trọng tài thương mại 2010 có nhiều điểm mới

Theo Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, Luật mới có một số điểm mới cơ bản, phù hợp với thực tiễn sử dụng trọng tài trên thế giới.
Ngày 20/7, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp (DANIDA), Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam tổ chức hội thảo Luật Trọng tài Thương mại Việt Nam 2010.

Tại hội thảo, các đại biểu đã giới thiệu về những nội dung cơ bản, điểm đổi mới của Luật cũng như ưu thế của hình thức giải quyết tranh chấp thông qua trọng tài thương mại.

Ông Phạm Quốc Anh, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, Trưởng ban soạn thảo dự án Luật Trọng tài Thương mại khẳng định Luật Trọng tài Thương mại 2010 có một số điểm mới cơ bản và hoàn toàn phù hợp với thực tiễn sử dụng Trọng tài các nước trên thế giới.

Những điểm mới quan trọng trong dự Luật đã khắc phục được những tồn tại của Pháp lệnh Trọng tài Thương mại 2003 như phân định không rõ ràng phạm vi thẩm quyền của Trọng tài đối với các tranh chấp thương mại; Luật đã dỡ bỏ hạn chế của Pháp lệnh về thẩm quyền giải quyết các tranh chấp thương mại của Trọng tài tới nhiều loại tranh chấp liên quan đến quyền và lợi ích của các bên.

Theo ông Trần Hữu Huỳnh, Phó Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Luật cũng đã khắc phục sự không rõ ràng của Pháp lệnh Trọng tài Thương mại năm 2003 về các tình huống có thể làm vô hiệu thỏa thuận trọng tài; bổ sung một số nội dung về quy chế trọng tài.

Đồng thời, Luật cũng giúp nâng vị thế của trọng tài một cách đáng kể thông qua việc cho phép Hội đồng trọng tài được thu thập chứng cứ, triệu tập nhân chứng, áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời...

Một số điểm mới khác như Luật đã hạn chế nguy cơ phán quyết của trọng tài bị Tòa án tuyên hủy; đưa ra một loạt quy định mới về mối quan hệ giữa trọng tài với Tòa án trong toàn bộ quá trình giải quyết vụ tranh chấp của các bên....

Tiến sĩ Nguyễn Minh Chí, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho biết lựa chọn cách giải quyết tranh chấp thông qua trọng tài thương mại, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được thời gian, chi phí. Việc giải quyết tranh chấp sẽ được thực hiện theo nguyên tắc đảm bảo công bằng, khách quan và độc lập, trong khoảng thời gian hợp lý nhất.../.

Thúy Hiền (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục