Lý do Nhật Bản khó ngừng hoàn toàn hợp tác năng lượng với Nga

Hầu hết các khoản đầu tư trong lĩnh vực năng lượng của Nhật Bản vào Nga đều được thực hiện với sự hỗ trợ của chính phủ Nhật Bản vì vậy Nhật bằng mọi cách có thể tránh tuyên bố trừng phạt Nga.
Lý do Nhật Bản khó ngừng hoàn toàn hợp tác năng lượng với Nga ảnh 1Một nhà máy lọc dầu của Nga ở vùng Astrakhan. (Ảnh: TASS/TTXVN)

Trang mạng của Hội đồng Đối ngoại Nga về các vấn đề quốc tế (RIAC) mới đây có bài viết cho biết, vào tháng 10/2020, Chính phủ Nhật Bản đã chính thức tuyên bố về mục tiêu đạt được trung hòa hoàn toàn carbon vào năm 2050.

Vào tháng 12/2020, Nhật Bản đã công bố dự thảo Chiến lược “Tăng trưởng xanh,” một tài liệu nhằm củng cố cho mục tiêu nói trên. Trong vòng 6 tháng sau đó, tài liệu này đã được bổ sung và điều chỉnh, và vào mùa Hè năm 2021, một phiên bản sửa đổi đã được ra mắt, có tính đến các ý kiến của đại diện các doanh nghiệp, chính quyền, cộng đồng chuyên gia…

Chiến lược “Tăng trưởng xanh” bao gồm việc đưa ra các nguyên tắc mới về chính sách ngân sách, tài khóa và đầu tư, sự phát triển của các quy tắc tiêu chuẩn hóa tiên tiến hơn, cũng như sự phát triển của hợp tác quốc tế.

Rõ ràng là để đạt được mức độ trung hòa carbon vào năm 2050 sẽ đòi hỏi nguồn lực tài chính và chuyên môn rất lớn, chưa kể đến việc sáng tạo và thực hiện các giải pháp công nghệ trong ngành điện, công nghiệp vào giao thông. Những lĩnh vực này chủ yếu phải giúp giảm phát thải CO2 và các khí nhà kính khác trong toàn bộ chuỗi giá trị.

[Trừng phạt kinh tế Nga: Đòn giáng mới vào quá trình toàn cầu hóa]

Thành công của việc thực hiện kế hoạch chuyển đổi năng lượng và đạt được mức độ trung hòa carbon cho nền kinh tế Nhật Bản vào năm 2050 đang dần trở thành “vấn đề danh dự” đối với các chính trị gia Nhật Bản, điều này đã được khẳng định một cách gián tiếp qua nhiều bài phát biểu của họ trong chương trình nghị sự về khí hậu.

Tuy nhiên, điều này đòi hỏi sự thay thế tích cực việc tiêu thụ các nguồn năng lượng sơ cấp bằng các nguồn năng lượng tái tạo (RES), bao gồm năng lượng Mặt Trời, gió, hydro và các nguồn địa nhiệt. Mặc dù Nhật Bản đã triển khai các chiến lược quốc gia phù hợp và đang thực hiện các chương trình hỗ trợ của nhà nước cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực điện tái tạo, phát triển vận tải điện và vận chuyển pin nhiên liệu hydro, nhưng không ai đưa ra thời hạn rõ ràng, cũng như không có lộ trình rõ ràng cho thực hiện các kế hoạch đó.

Rõ ràng, điều này không chỉ đòi hỏi các khoản đầu tư khổng lồ (ví dụ, vào năm 2021, Nhật Bản đã chi 21 tỷ USD cho các biện pháp chuyển đổi năng lượng tổng thể và chuyển đổi hệ thống để đạt được hiệu quả năng lượng tốt hơn trong ngành công nghiệp), mà còn phải đưa ra các giải pháp công nghệ tốn kém, và sửa đổi đáng kể cơ cấu thể chế của một số ngành, chủ yếu là công nghiệp điện lực và giao thông vận tải.

Tuy nhiên, việc hình thành thị trường điện cạnh tranh trong nước cũng cần được hoàn thành - cải cách này đã kéo dài với nhiều thành công khác nhau kể từ giữa những năm 1990, và các kết quả cần thiết vẫn chưa đạt được.

Chiến lược tăng trưởng xanh của Nhật Bản

Vào ngày 22/10/2021, Chính phủ Nhật Bản đã chính thức phê duyệt phiên bản thứ 6 của Kế hoạch Năng lượng Chiến lược (cơ bản) đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050.

Theo tài liệu này, đến năm 2030, Nhật Bản dự kiến sẽ giảm lượng phát thải 46% so với mức năm 2013 và nhiều khả năng còn đưa con số này lên mức 50%. Một mục tiêu đầy tham vọng khác được đặt ra là tăng gấp đổi tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cân bằng năng lượng của nước này so với mức hồi năm 2019.

Công thức tính toán này là hợp lý. Ví dụ, theo số liệu của Viện Nghiên cứu Môi trường Quốc gia Nhật Bản, tổng lượng phát thải khí nhà kính ở nước này lên tới 1,212 tỷ tấn CO2 vào năm 2019 (nên cung cấp dữ liệu cho năm nay, giai đoạn 2020-2021, lượng phát thải có xu hướng giảm nhất định do hoạt động kinh tế chậm lại do đại dịch COVID-19). Đây là vị trí thứ 5 trên thế giới sau Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ và Nga, chiếm khoảng 3,2%.

Hơn 1 tỷ tấn khí thải (85%) trong năm 2019 đến từ các nguồn năng lượng. Trong số này, gần 500 triệu tấn liên quan đến sản xuất điện, khoảng 300 triệu tấn do sản xuất công nghiệp, 200 triệu tấn là vận tải và 100 triệu tấn là các hộ gia đình, bao gồm cả các hộ tiêu dùng khác. 42% tổng lượng khí thải xuất phát từ than đá, 36% từ dầu mỏ và 22% từ khí đốt tự nhiên.

Trong cơ cấu này, than có tỷ trọng cao và tỷ trọng khí tự nhiên thấp, điều này giúp duy trì khả năng tăng tỷ trọng khí trong cân bằng năng lượng bằng cách giảm tiêu thụ than. Tỷ lệ điện và phương tiện giao thông trong phát thải khí nhà kính cao hơn 1 chút so với mức trung bình của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và vào khoảng 60%.

Do đó, để đạt được mức độ trung hòa carbon, Nhật Bản cần phải giảm tiêu thụ than, dầu và các sản phẩm dầu trong ngành điện, giao thông, công nghiệp, cũng như về lâu dài, khí tự nhiên trong ngành công nghiệp điện.

Kế hoạch Năng lượng Chiến lược lần thứ 6 quy định việc tăng tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo lên mức 22-24% từ mức 12% (bao gồm các nhà máy thuỷ điện) trong cơ cấu sản xuất điện vào năm 2030, và giả sử tỷ trọng của năng lượng hạt nhân từ mức 6% hiện nay lên mức 20-22%.

Các nguồn năng lượng hóa thạch (than đá, dầu mỏ và khí đốt tự nhiên) sẽ chiếm khoảng 40-44% thị trường, điều này thúc đẩy tăng mức độ độc lập về năng lượng của nước này (tức là khả năng đáp ứng các nhu cầu trong nước từ tài nguyên riêng) từ 17% hiện nay lên khoảng 50% vào năm 2030-2050.

Tuy nhiên, các mục tiêu này phần lớn không thay đổi so với phiên bản thứ 5 của Kế hoạch, có hiệu lực từ tháng 7/2018 và nhiều chuyên gia ở Nhật Bản tin rằng nước này vẫn chưa sẵn sàng đáp ứng hoàn toàn mục tiêu duy trì mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C do Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu đề ra.

Tuy nhiên, trọng tâm chính của quá trình chuyển đổi carbon thấp của nền kinh tế Nhật Bản rõ ràng là theo hướng các nguồn năng lượng tái tạo mới. Đặc biệt là hydro, loại năng lượng có hiệu quả trong cả sản xuất năng lượng và lưu trữ năng lượng.

Nguồn năng lượng này có thể được sử dụng trong cả ngành công nghiệp năng lượng điện và trong lĩnh vực vận tải, do tính linh hoạt của việc sử dụng pin nhiên liệu hydro.

Vấn đề duy nhất là để chúng hoạt động ổn định trong thời gian dài cần phải có hydro có độ tinh khiết 99%, nếu không tuổi thọ của pin nhiên liệu sẽ giảm đáng kể do bị tạp chất hoá học phá huỷ.

Hiện tại, năng lượng hydro ở quy mô cho phép cung cấp cho các nhóm lớn người tiêu dùng, còn mất nhiều thời gian để hoàn lại vốn thương mại và không có khả năng cạnh tranh nếu không có sự hỗ trợ của Chính phủ. Tuy nhiên, chính hydro lại được Chính phủ Nhật Bản xác định là một trong những nguồn năng lượng chính của tương lai, có khả năng thay thế các nguồn năng lượng sơ cấp trong tương lai, đặc biệt là than đá và dầu mỏ.

Kế hoạch Năng lượng Chiến lược thứ 6 xác định tầm quan trọng ngày càng tăng của năng lượng hydro và hình thành tầm nhìn đầu tư-công nghệ cho quá trình này từ phía Nhà nước Nhật Bản.

Ước tính chi phí cụ thể không được đưa ra, nhưng rõ ràng Nhật Bản cần kích thích sản xuất hydro cho nhu cầu của thị trường trong nước càng nhiều càng tốt, cũng như xây dựng chuỗi cung ứng từ nước ngoài, dựa trên sự hợp tác với các đối tác đáng tin cậy như Brunei, Australia, Na Uy và Nga.

Nhật Bản đã đạt được những thành tựu cụ thể. Vào mùa Xuân năm 2020, nhà máy sản xuất hydro sử dụng nguồn năng lượng tái tạo lớn nhất thế giới với công suất lắp đặt 10 MW đã được đưa vào hoạt động tại tỉnh Fukushima.

Các nhà đồng sáng lập của Dự án bao gồm Toshiba Energy Systems & Solutions Corporation (Toshiba ESS), Tổ chức Phát triển Công nghiệp Công nghệ và Năng lượng mới (NEDO), Tohoku Electric Power Co và Iwatani Corporation.

Hydro được sản xuất bằng cách điện phân nước dựa trên năng lượng điện do các nhà máy năng lượng Mặt Trời tạo ra và sẽ được sử dụng để cung cấp năng lượng cho pin tĩnh và động cơ đẩy của phương tiện giao thông, những loại chạy bằng pin nhiên liệu.

Công suất của nhà máy đủ để cung cấp đầy đủ nhiên liệu cho 560 xe mỗi ngày. Cũng tại Nhật Bản, các nhà máy điện hydro công suất thấp (lên đến 100 kW) khá phổ biến trong lĩnh vực thương mại và trong các lĩnh vực xã hội.

Ngày 25/2/2022, tàu chở dầu Suiso Frontier duy nhất trên thế giới với lô hydro đầu tiên từ Australia đã cập bến cảng Kobe của Nhật Bản, nơi xây dựng trạm tiếp nhận đặc biệt hydro hóa lỏng (có nhiệt độ sôi -253 độ C).

Cho tới nay, dự án này chỉ mang tính chất thí điểm, không có hiệu quả kinh tế, thực chất được xem là dự trữ công nghệ cho tương lai gần. Tổng cộng, Nhật Bản có kế hoạch nhập khẩu tới 300.000 tấn hydro carbon thấp tới giai đoạn 2030-2035, nhưng cũng có thể có phương án xuất khẩu hydro “xám” (thu được từ than đá hoặc khí đốt tự nhiên mà không thu giữ CO2) thông qua hợp tác chung với Australia.

Vì vậy, chủ đề về các nguồn năng lượng mới và tái tạo đối với Nhật Bản rất phù hợp. Có cả các phương án hợp tác với Nga. Ví dụ, vào tháng 9/2019, tại Tokyo, Công ty Cổ phần “Rusatom Overside” và Cơ quan Tài nguyên và Năng lượng của Bộ Kinh tế, thương mại và công nghiệp Nhật Bản đã ký kết thỏa thuận về hợp tác phát triển chung nghiên cứu khả thi của dự án thử nghiệm xuất khẩu hydro từ Nga sang Nhật Bản giai đoạn 2020-2021.

Dự án thử nghiệm này xem xét khả năng sản xuất hydro “xanh” tại Sakhalin cho thị trường Nhật Bản thông qua phương pháp điện phân (với sự hỗ trợ của điện năng thu được từ RES).

Khối lượng ước tính xuất khẩu hydro Nga sang Nhật Bản có thể đạt 100.000 tấn đến năm 2030. Thật không may, trong bối cảnh địa chính trị hiện nay, các dự án như vậy, không chỉ đòi hỏi tài chính mà còn cả công nghệ của Nhật Bản, đang có nguy cơ bị đóng băng vô thời hạn.

Vai trò của hợp tác năng lượng Nga-Nhật

Đối với hợp tác năng lượng Nga-Nhật trong lĩnh vực dầu khí, hiện tại, các công ty Nhật Bản, theo tuyên bố chính thức của nước này, sẽ tiếp tục làm việc tại Nga.

Tuy nhiên, tình hình có thể thay đổi và một số dự án, đặc biệt là những dự án đã được thống nhất nhưng chưa có quyết định đầu tư cuối cùng, chẳng hạn như Sakhalin-3, có thể bị cắt giảm.

Hiện nay, các công ty Nhật Bản có cổ phần trong các dự án dầu khí sau đây tại Nga: Sakhalin-1 do tập đoàn Nhật Bản SODECO sở hữu 30%, theo dự án này, dầu thô được cung cấp cho Nhật Bản thông qua các tàu chở dầu theo hợp đồng dài hạn, cung cấp khoảng 4% nhu cầu thị trường trong nước.

Tổng cộng, Nhật Bản mua gần 130 triệu tấn mỗi năm, và là một trong những nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới. Dự án Sakhalin-2 do tập đoàn Mitsui và Mitsubishi cùng sở hữu 22,5%, và nguồn cung cấp theo dạng hợp đồng dài hạn tới 9% tổng nhu cầu khí đốt tự nhiên của Nhật Bản. Tổng cộng, quốc gia này nhập khẩu hơn 70 triệu tấn LNG hàng năm và đứng đầu thế giới về chỉ số này.

Dự án “Yamal LNG” không có các cơ cấu của Nhật Bản trực tiếp tham gia với vai trò cổ đông, tuy nhiên, các công ty kỹ thuật JGC và Chiyoda sở hữu 50% tổng thầu EPC (chịu trách nhiệm cho toàn bộ chu trình thực hiện dự án) xây dựng Yamal LNG.

Ngoài ra, Mitsui O.S.K Lines Nhật Bản là thành viên xây dựng tàu vận chuyển khí đốt cho dự án. Vào năm 2020, lô khí tự nhiên hóa lỏng 73.000 tấn từ Yamal LNG (công suất tàu chở khí) đã được chuyển đến Nhật Bản, và đây là kinh nghiệm thành công đầu tiên khi cập cảng và dỡ hàng tàu chở LNG lớp băng Arc 7 tại một cảng của Nhật Bản, điều này sẽ giúp tăng khối lượng cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng trong dài hạn trong bối cảnh bình thường hoá địa chính trị.

Dự án “Artic LNG-2” có 10% của dự án thuộc về liên doanh giữa các công ty Nhật Bản Mitsui & Co và JOGMEC với tên chung là Japan Artic LNG. Một thỏa thuận về vấn đề này đã được ký kết vào mùa Hè năm 2019, khoản tài trợ bên ngoài với số tiền khoảng 3 tỷ USD được cung cấp bởi Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC).

Việc dừng tham gia vào dự án này không được Nhật Bản tính tới bởi vì hợp đồng đã được ký kết với khối lượng giao hàng lên tới 2 triệu tấn LNG mỗi năm và triển vọng tăng khối lượng lên 3 triệu tấn vào cuối những năm 2020.

Cũng cần phải lưu ý thêm rằng cơ chế cơ bản của hợp tác kinh tế giữa Tokyo và Moskva hiện nay là Kế hoạch 8 điểm do ông Shinzo Abe (Thủ tướng Nhật Bản giai đoạn 2006-2007 và 2012-2020) đề xuất vào tháng 5/2016. Phía Nga đã phê duyệt tài liệu này và tuân thủ các chính sách để thực hiện nó.

Kế hoạch này nhằm tăng cường quan hệ trong các lĩnh vực năng lượng và sản xuất công nghiệp, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, phát triển tổng thể các vùng lãnh thổ của vùng Viễn Đông với sự tham gia của các công ty Nhật Bản và các công nghệ Nhật Bản.

Kế hoạch cũng phản ánh mong muốn tiếp tục tham vấn trong lĩnh vực nguyên tử hòa bình, cũng như trong lĩnh vực xây dựng một môi trường đô thị văn minh và giao lưu nhân dân. Tất nhiên, tốc độ thực hiện các điểm của Kế hoạch giai đoạn 2016-2021 vẫn còn mong muốn ở mức độ cao hơn, nhưng mọi việc đã được tiến hành và đạt được một số kết quả nhất định.

Rõ ràng, trong tương lai gần, các bước đi nhằm thực hiện sáng kiến này sẽ được Chính phủ Nhật Bản xem xét nghiêm túc, cho đến khi chấm dứt hoàn toàn bất cứ lựa chọn hợp tác nào, như một số chính trị gia thuộc đảng LDPJ cầm quyền tuyên bố.

Nếu trong lĩnh vực hợp tác kinh tế, nhiều khả năng sẽ có sự sụt giảm đáng kể trong đầu tư và sự giảm sút chung trong hoạt động kinh doanh của Nhật Bản với Nga, thì trong lĩnh vực năng lượng có thể được cho là được “bảo vệ” bởi lợi ích quốc gia của Nhật Bản.

Một trong những cựu quan chức cấp cao, người giữ chức vụ trong một tập đoàn lớn và chịu trách nhiệm phát triển hợp tác năng lượng với Moskva tin rằng việc các công ty Nhật Bản rút ra khỏi lĩnh vực dầu khí của Nga là một kịch bản cực kỳ tiêu cực, điều mà ông ta rất muốn không xảy ra.

Hầu hết các khoản đầu tư trong lĩnh vực năng lượng của Nhật Bản vào Nga đều được thực hiện với sự hỗ trợ và hướng dẫn của Chính phủ Nhật Bản, vì vậy, chính quyền Tokyo bằng mọi cách có thể tránh tuyên bố trừng phạt Nga trong lĩnh vực này.

Do đó, các hạn chế quy mô lớn từ phía Nhật Bản liên quan đến lĩnh vực dầu khí Nga và việc các công ty Nhật Bản rút ra khỏi các dự án nguyên liệu đang thực hiện ở Nga là một điều khó xảy ra, vì điều này chắc chắn sẽ dẫn tới việc cắt đứt dây chuyền cung ứng, đánh mất các khoản đã đầu tư, gây ra các cú sốc về giá trên thị trường trong nước. Ít nhất là giá điện sẽ tăng cao hơn nữa trong khi Nhật Bản là một trong những quốc gia có giá điện cao nhất thế giới.

Ngoài ra, Tokyo cũng nhận thức rõ rằng các tập đoàn Trung Quốc sẽ nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường ngách bị bỏ trống và doanh nghiệp Nhật Bản sẽ rất khó quay trở lại.

Tuy nhiên, hầu như khó có thể kỳ vọng vào sự gia tăng đầu tư của Nhật Bản vào lĩnh vực dầu khí của Nga, điều này có nghĩa là trong vài năm tới, lượng xuất khẩu từ Nga sẽ giảm dần.

Điều này cũng được khẳng định trong số liệu kim ngạch thương mại Nga-Nhật năm 2019 lên tới 20 tỷ USD, trong đó gần 9 tỷ USD là xuất khẩu khoáng sản và tài nguyên năng lượng sơ cấp từ Nga sang Nhật Bản.

Hoạt động bán hàng chủ yếu theo các hợp đồng dài hạn, vì vậy việc ngừng cung cấp dầu và khí tự nhiên sẽ không diễn ra, mà là xu hướng giảm dần ổn định cả về khối lượng danh nghĩa và các chỉ số giá trị xuất khẩu trong phạm vi nhóm hàng này dự kiến sẽ diễn ra vào giai đoạn 2023-2024.

Một số yếu tố có tầm quan trọng lớn đối với sự thay đổi quan điểm của Nhật Bản đến bản chất hợp tác năng lượng với Nga sẽ được thể hiện ở kết quả địa chính trị của chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, quan điểm của Mỹ và EU về việc thắt chặt hoặc nới lỏng áp lực trừng phạt, về mức độ xích lại gần nhau giữa Nga và Trung Quốc trong tình hình mới, cũng như những tiến bộ của Nhật Bản trong việc phát triển các nguồn năng lượng mới và tái tạo có thể thay thế nhiên liệu hoá thạch.

Về mặt hệ thống, quan điểm của Nhật Bản không thay đổi và tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga rằng Moskva chấm dứt các cuộc đàm phán với Tokyo về Hiệp ước hoà bình, huỷ bỏ cơ chế miễn thị thực cho người Nhật Bản đến quần đảo Nam Kuril, cũng như ngừng các hoạt động kinh tế chung tại quần đảo Nam Kuril như một biện pháp đáp trả bước đi không thân thiện của Nhật Bản (tham gia vào các lệnh trừng phạt Nga của phương Tây).

Phản ứng đáp trả của Thủ tướng Kishida Fumio đối với một quyết định như vậy là có thể dự đoán được - ông Fumio phản đối và nói rằng Nhật Bản không thay đổi chính sách trong giải quyết vấn đề lãnh thổ phương Bắc (quần đảo Nam Kuril) và ký kết Hiệp ước hòa bình.

Tuy nhiên, những đáp trả lẫn nhau này nằm nhiều hơn trong lĩnh vực chính trị và chỉ ảnh hưởng đến một số vấn đề kinh tế, ngoài ra, cần phải thừa nhận rằng ngoại trừ lĩnh vực năng lượng, Nga và Nhật Bản không có bất cứ vai trò cơ bản nào đối với nước còn lại trong hợp tác thương mại.

Có thể trong trường hợp tình hình được ổn định, mức độ của các tuyên bố như vậy sẽ giảm xuống và tranh chấp về quần đảo Nam Kuril sẽ gần như quay trở lại tình trạng vốn như đã tồn tại trong suốt nhiều thập kỷ mà không có bất cứ tiến triển đặc biệt nào.

Cơ chế thanh toán khí đốt của Nga bằng đồng ruble đặt ra một số câu hỏi đối với Bộ Tài chính Nhật Bản. Theo tuyên bố của Tổng thống Putin, Nga đang chuyển sang thanh toán các giao dịch khí đốt bằng đồng tiền quốc gia và sẽ không chấp nhận USD và euro từ các quốc gia không thân thiện. Đồng thời, nguồn cung khí đốt cho xuất khẩu sẽ tiếp tục theo các hợp đồng đã ký kết.

Về các quy tắc tài chính hiện hành, người mua khí đốt của Nga ở nước ngoài cần bán đồng tiền của họ trên thị trường Nga để lấy ruble và thanh toán các nghĩa vụ theo hợp đồng đã ký kết.

Điều này có nghĩa là tiền sẽ không chuyển trực tiếp đến các công ty xuất khẩu của Nga, mà sẽ cần đến các dịch vụ của một bên trung gian (ngân hàng, quỹ, cơ cấu tài chính khác) và đơn vị này sẽ thực hiện các thanh toán cuối cùng với các nhà cung cấp, thu được lợi nhuận trong quá trình chuyển đổi từ chênh lệch tỷ giá hối đoái.

Vẫn chưa rõ cơ cấu cụ thể nào có thể được thực hiện để đảm bảo thương mại khí đốt bằng đồng ruble, trong mọi trường hợp, sẽ cần thời gian để áp dụng nó. Bộ Tài chính Nhật Bản hiện đang xem xét các phương án tham gia vào cơ cấu này.

Các sự kiện hiện nay ở Ukraine chỉ khiến Nhật Bản phải quan tâm khi tính đến việc duy trì quan hệ kinh tế-thương mại và liên minh với Mỹ và các quốc gia phương Tây khác, còn xét về lợi ích quốc gia của riêng họ, Nhật Bản không nhân thấy cơ sở nào để cắt đứt hợp tác năng lượng với Nga.

Hơn nữa, phía Nga luôn hoàn thành đúng thời hạn và đầy đủ các nghĩa vụ theo các hợp đồng đã ký kết trước đây, và điều này có ý nghĩa quan trọng đối với việc tiếp tục phát triển các động lực tích cực cho hợp tác song phương.

Một yếu tố thuận lợi cho Nhật Bản đó là các nước phương Tây sẵn sàng ngừng hợp tác công nghệ cao với Moskva (ví dụ, trong lĩnh vực dự án đầy tiềm năng về hydro và các nguồn năng lượng tái tạo khác), nhưng đồng thời vẫn giữ quan điểm có ảnh hưởng trực tiếp tới an ninh năng lượng của đất nước.

Vấn đề là Nhật Bản, mặc dù mong muốn chuyển sang một nền kinh tế không có carbon, sẽ không thể sớm từ bỏ các nguồn năng lượng sơ cấp, và Nga với vai trò là nhà cung cấp đáng tin cậy sẽ còn khá quan trọng trong một thời gian dài sắp tới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục