Malaysia, Indonesia đẩy nhanh kế hoạch tiêm phòng COVID-19

Malaysia quyết định đẩy sớm chiến dịch tiêm chủng sau khi tiếp nhận lô vắcxin đầu tiên từ Pfizer/BioNTech, trong khi Indonesia chuẩn bị tiếp nhận thêm vắcxin từ tập đoàn AstraZeneca.
Malaysia, Indonesia đẩy nhanh kế hoạch tiêm phòng COVID-19 ảnh 1Tiêm vắcxin phòng COVID-19 cho người dân tại Jakarta. (Ảnh: THX/TTXVN)

Malaysia đã quyết định đẩy sớm chiến dịch tiêm phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lên 2 ngày, sau khi lô vắcxin đầu tiên của Pfizer/BioNTech với hơn 300.000 liều đã đến nước này trong ngày 21/2.

Phát biểu họp báo trực tuyến, Bộ trưởng Y tế Malaysia Khairy Jamaluddin cho biết lô vắcxin thứ 2 sẽ đến vào ngày 26/2. Cứ hai tuần một lần, Malaysia sẽ nhận lô vắcxin mới cho đến khi đơn hàng được hoàn tất.

Ông Khairy Jamaluddin cho biết chiến dịch tiêm phòng trên toàn quốc sẽ bắt đầu vào ngày 24/2 tới, sớm hơn so với kế hoạch ban đầu. Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin và lãnh đạo Bộ Y tế Malaysia sẽ nằm trong số những người được tiêm đầu tiên.

Malaysia đã đặt mua được tổng cộng 32 triệu liều vắcxin của Pfizer/BioNTech. Ngoài ra, đơn hàng từ tập đoàn công nghệ sinh học Sinovac Biotech sẽ đến Malaysia vào ngày 27/2 tới sau khi loại vắcxin này được nhà chức trách cấp phép sử dụng. Malaysia đã đặt mục tiêu tiêm phòng cho ít nhất 80% trong tổng dân số 32 triệu người trong vòng một năm để có thể thúc đẩy kinh tế phục hồi.

[Indonesia phạt nặng những người không chịu tiêm phòng COVID-19]

Trong khi đó tại Indonesia, Tổng thống Joko Widodo cho biết quốc gia này sẽ tiếp nhận khoảng 4,6 triệu liều vắcxin ngừa COVID-19 của hãng AstraZeneca vào cuối tháng 2 hoặc đầu tháng 3 tới. Kế hoạch phân phối vắcxin AstraZeneca vẫn đang được thảo luận tại Bộ Y tế. 

Theo ông Jokowi, phác đồ tiêm vắcxin AstraZeneca sẽ khác với loại vắcxin của Sinovac mà Indonesia đang sử dụng. Theo đó, khoảng cách giữa hai mũi tiêm đối với vắcxin AstraZeneca là 1-2 tháng, trong khi vắcxin  của Sinovac là 2 tuần.

Trước đó vào ngày 13/1, Indonesia đã khởi động giai đoạn một của chương trình tiêm chủng miễn phí ngừa COVID-19 với mục tiêu tiêm vắcxin cho khoảng 1,5 triệu nhân viên y tế. Đến ngày 17/2, quốc gia này đã triển khai giai đoạn hai với mục tiêu tiêm vaắcxin cho 38,5 triệu người, trong đó có giáo viên, tiểu thương tại các chợ, nhân viên công vụ, lãnh đạo tôn giáo và thành viên các cơ quan lập pháp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục