Mận Tam Hoa Bắc Hà đang có nguy cơ biến mất

Mận Tam Hoa đặc sản của huyện vùng cao Bắc Hà, Lào Cai, đang dần biến mất theo thời gian, với diện tích trồng chỉ còn khoảng 500ha.
Mận Tam Hoa - loại đặc sản hiếm có của huyện vùng cao Bắc Hà, Lào Cai, đang dần biến mất theo thời gian. Các yếu tố khách quan lẫn chủ quan như đô thị hóa lấn chiếm diện tích, đất đai bạc màu, cây mận bị lão hóa... đang làm cho cây mận Tam Hoa đứng trước nguy cơ mai một.

Từ diện tích trồng mận ban đầu là hơn 2.000ha đến nay chỉ còn 500ha.

Khoảng giữa tháng 5 hàng năm là thời gian mận Tam Hoa bắt đầu chín rộ, nhưng đến thời điểm này quả mận vẫn còn xanh lét. Dự kiến Hội thi mận Tam Hoa năm 2011 tổ chức vào dịp Lễ hội đua ngựa Bắc Hà (ngày 28 - 29/5) sẽ khó thực hiện được, nếu có mận chín cũng không thể có mận đẹp để dự thi.

Như vậy, mùa thu hoạch mận Tam Hoa muộn hơn lệ thường khoảng 30 - 35 ngày. Lý do thuyết phục nhất được đưa ra là bởi đợt rét đậm, rét hại đầu năm đã ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của cây mận.

Cây mận Tam Hoa được xem là loại cây đặc sản có giá trị kinh tế cao trong những năm gần đây, là cây ăn quả đã góp phần tích cực vào chương trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng nông nghiệp, góp phần tăng thu nhập xoá đói giảm nghèo cho nhiều hộ dân huyện Bắc Hà. Năm 2010, hơn 700ha mận Tam Hoa cho thu hoạch khoảng 4.000 tấn quả tươi với giá trung bình từ 7.000-10.000 đồng/kg, tổng thu đạt gần 17 tỷ đồng.

Do chưa có chính sách dài hơi, lúc được mùa lại mất giá, lúc mất mùa lại được giá, người dân luẩn quẩn trong cái vòng năm nay chặt, năm kia phá. Nhiều dự án nước sirô mận, nước ép mận đóng chai, những dự kiến về tạo sản phẩm ô mai mận, mận khô đều đã thất bại.

Vì những đặc tính dễ dập nát và khó bảo quản, việc tiêu thụ sản phẩm mận Tam Hoa cho đến nay vẫn phụ thuộc chủ yếu vào thị trường Lào Cai và một số tỉnh miền xuôi. Người trồng mận Bắc Hà vẫn còn nhớ rõ những vụ mận mà chi phí thu hoạch còn cao hơn cả giá bán khiến quả mận rụng tự nhiên như loài mận dại.

Với góc nhìn của ngành nông nghiệp, nỗi lo lớn nhất lại ở chỗ tính thuần của mận Tam Hoa đã không còn nguyên vẹn. Hầu hết diện tích mận đang cho thu hoạch đã có độ tuổi 15-25 năm, trong khi đó một số diện tích không phải giống cây bản địa, được di canh từ nơi khác đến.

Những ưu điểm vốn có của mận Tam Hoa Bắc Hà như quả khá to, màu sắc đẹp, lượng đường cao, cũng ngày càng bị mai một. Nhiều nơi mận đã có vị đắng, chua hơn, quả nhỏ dần và giảm năng suất. Dù chưa có khảo sát chính thức nhưng  theodự đoán của cán bộ chuyên môn và nhiều người dân, năng suất cây mận năm nay sẽ giảm hơn so với những năm trước.

Bà Chu Thị Dương, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Hà cho biết, phần lớn diện tích cây mận Tam Hoa của huyện đang bị chứng bệnh chảy gôm do thiếu vi lượng trong quá trình sinh trưởng, cây tự nứt cành, kém phát triển, bị nặng có thể chết khô. Một bệnh phổ biến khác trên những cây mận cao tuổi là sâu đục thân, bắt đầu xâm nhập từ rễ cây, sâu làm rỗng ruột thân cho tới những cành nhỏ.

Vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước, tại Sa Pa, Viện nghiên cứu cây ăn quả đã thực hiện dự án nghiên cứu với chủ đề trẻ hóa cây mận Tam Hoa thông qua phương pháp ghép cành nối tiếp. Tuy nhiên, đến nay, ngành nông nghiệp huyện Bắc Hà cũng chưa có thông tin gì về kết quả của dự án.

Từ đó đến nay, các ngành chức năng chưa có công trình khoa học nào về cây mận Tam Hoa nhằm phục tráng loại cây ăn quả quý này. Thiếu các luận chứng khoa học dẫn đường, hoạt động sản xuất mang tính tự phát đã phải trả giá. Phong trào phát triển ồ ạt cây mận Tam Hoa thông qua chiết cành khiến cây mận nhanh cỗi. Phát triển diện tích qua ghép cành với gốc mận chua địa phương còn thất bại nặng nề hơn khi cây không chịu nẩy mầm./.

Bùi Thanh Hải (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục