Mạnh tay xử lý vi phạm trật tự xây dựng: Mô hình mới đặc thù

Sau gần 3 năm triển khai, thành phố Hà Nội đã đưa hàng nghìn cán bộ thanh tra xây dựng xuống địa bàn quận, huyện, thị xã, mang lại nhiều kết quả, được nhiều người trong cuộc đồng tình cao.
Mạnh tay xử lý vi phạm trật tự xây dựng: Mô hình mới đặc thù ảnh 1Công nhân tháo dỡ tầng 18 tòa nhà 8B Lê Trực. (Ảnh: Minh Nghĩa/TTXVN)

Trước tình hình quản lý trật tự trên địa bàn gặp nhiều khó khăn do có nhiều bất cập, Hà Nội là địa phương duy nhất của cả nước đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho thực hiện thí điểm mô hình quản lý mới mang tính chất đặc thù là “đưa đội ngũ thanh tra xây dựng về quận huyện quản lý.”

Sau gần 3 năm triển khai thành phố đã đưa hàng nghìn cán bộ thanh tra xuống địa bàn đã mang lại nhiều kết quả, được những người trong cuộc đồng tình cao.

Trước đề xuất của Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 26/2018/QĐ-TTg ngày 22/6/2018 cho phép thành phố thí điểm thành lập Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã kể từ ngày 10/8/2018 đến năm 2020.

Theo Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, thực hiện mô hình này đã nâng cao tính chủ động, tính chịu trách nhiệm toàn diện của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp quận huyện, xã phường, từ đó nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với trật tự xây dựng tại địa phương.

Thành phố cũng đã có sơ kết mô hình này trong vòng 18 tháng thực hiện cho thấy, mô hình thí điểm rất sát thực và phù hợp với thực tiễn quản lý trật tự xây dựng có tính đặc thù của Thủ đô.

Chính vì có hiệu quả, khi hết thời hạn của quyết định nói trên, thành phố Hà Nội đã tiếp tục trình và được Thủ tướng Chính phủ cho phép tăng thời gian thực hiện mô hình này tại Quyết định số 35/2020/QĐ-TTg, ngày 9/12/2020 tiếp tục thực hiện thêm 3 năm, có nghĩa là đến 10/8/2023.

Trên cơ sở đó, điều kiện để thành phố đổi mới cách làm, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã xin ý kiến tham vấn của Bộ Tư pháp, Bộ Xây dựng ban hành Quy định về Quản lý trật tự xây dựng.

Từ đó, quy định trách nhiệm cụ thể của từng cơ quan, đơn vị, cũng như trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng như: Sở Xây dựng, Thanh tra Sở, Ủy ban nhân dân cấp quận huyện, xã phường, các Đội quản lý trật tự xây dựng quận huyện.

[Mạnh tay xử lý vi phạm trật tự xây dựng: Việc khó, càng quyết tâm]

Từ thực hiện chủ trương trên, việc quản lý đã có nhiều sự thay đổi so với trước. Đó là những đơn vị được giao nhiệm vụ có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị, ban ngành liên quan, cũng như người đứng đầu phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra các vụ việc phức tạp, sai phạm nổi cộm. Trước đây, trách nhiệm “lập lờ” không phân định rõ giữa Sở Xây dựng và địa phương. Còn nay, trách nhiệm hoàn toàn thuộc các quận huyện, xã phường nơi để xảy ra vi phạm.

Quy định này cũng đã thể hiện một cách rõ ràng với những chế tài xử lý mạnh tay mà từ trước không có được. Đó là, đối với những vi phạm, thành phố xem xét thu hồi giấy phép xây dựng; chủ đầu tư không được giao các dự án khác trên địa bàn thành phố.

Cùng đó, công khai thông tin vi phạm trên Cổng thông tin của Sở Xây dựng; xem xét tước chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng, không cho tham gia các hoạt động xây dựng trên địa bàn thành phố đối với nhà thầu thi công, nhà thầu tư vấn giám sát; xem xét chuyển cơ quan cảnh sát điều tra đối với các vi phạm nghiêm trọng…

Để mô hình này hiệu quả hơn, Sở Xây dựng đã xây dựng xong báo cáo để thời gian tới Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội trình Hội đồng nhân dân thành phố tại kỳ họp trong năm nay để cơ quan này kịp thời ra nghị quyết mới về tăng mức xử phạt đối với các vi phạm trật tự xây dựng xảy ra tại 12 quận nội thành.

Thực tế, vì mức xử phạt thấp, chế tài chưa đủ mạnh cũng là nguyên nhân dẫn tới nhiều vi phạm. Vì vậy, song hành cùng nhiều giải pháp và nâng cao mức xử phạt cũng nhằm ngăn ngừa các vi phạm phát sinh trước mắt.

Mạnh tay xử lý vi phạm trật tự xây dựng: Mô hình mới đặc thù ảnh 2Công trình B3 (phía Nam 13 Sơn Tây) dược cấp giấy phép xây dựng gồm 5 tầng nổi nhưng có đến 4 tầng hầm. (Ảnh Mạnh Khánh/Vietnam+)

Qua trao đổi với các cán bộ thanh tra lâu năm thuộc Sở Xây dựng về các quận huyện thì họ đều đồng tình với mô hình thí điểm này.

Các cán bộ như anh Nguyễn Công Vinh, Tổ trưởng Tổ quản lý trật tự xây dựng đô thị phường Phú Thượng, quận Tây Hồ; Công Minh Tuấn, Đội Phó đội quản lý trật tự xây dựng đô thị quận Tây Hồ... cho rằng, từ khi thuộc con số của quận quản lý thì mọi việc sâu sát, trách nhiệm hơn; trong phát hiện và xử lý vi phạm cũng được làm kịp thời, quyết liệt hơn.

Chẳng hạn, tại phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình thời gian gần đây 100% các công trình xây dựng đều được kiểm tra quy trình đầy đủ 3 lần và thời gian gần đây không có vi phạm phát sinh nào.

Tuy nhiên, mô hình này cũng đang mang tính thí điểm nên công việc, thu nhập, phụ cấp của đội ngũ cán bộ chưa được ổn định. Lực lượng thanh tra sở khi chuyển về thuộc cán bộ công chức quận huyện lại không được mặc quần áo sắc phục thanh tra nên việc xử lý, cưỡng chế vi phạm có phần khó khăn hơn. Bởi khi tiếp xúc với người dân thì tính uy nghiêm cũng có phần giảm xuống.

Theo anh Lò Văn Cường, Đội Trưởng đội quản lý trật tự xây dựng đô thị quận huyện Chương Mỹ thì mô hình này đã được kiểm nghiệm trong ba năm qua, phát huy được tính ưu việt không cần bàn cãi, được phần lớn cán bộ đồng tình. Tuy nhiên, khi mô hình đã đi vào thực tiễn đời sống có hiệu quả thì cũng đề nghị Trung ương và các cấp sớm xem xét để triển khai một cách chính thức, tránh tình trạng lo âu, thấp thỏm, công việc thiếu ổn định…/.

Bài cuối: Mạnh tay xử lý vi phạm trật tự xây dựng - Vào cuộc tổng lực

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục