Mô hình phòng xử án mới của TAND tối cao: Vẫn còn nhiều tranh cãi

Dự thảo mô hình phòng xử án mới của Tòa án nhân dân tối cao, với điểm đáng chú ý là chỗ ngồi của kiểm sát viên và luật sư ngang hàng nhau, sau khi được thí điểm vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều.

Dự thảo mô hình phòng xử án mới của Tòa án nhân dân tối cao, với điểm đáng chú ý là chỗ ngồi của kiểm sát viên và luật sư ngang hàng nhau, sau khi được thí điểm tại một số địa phương thì đến nay vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều.

Viện Kiểm sát phản đối cả việc... thí điểm và tuyên truyền

Theo Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, việc đổi mới hình thức bố trí mô hình phòng xử án phải dựa trên cơ sở pháp lý là các văn bản quy phạm pháp luật đã có hiệu lực thi hành.

Theo điều 257 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, việc bố trí phòng xử án được giao cho Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

Nhưng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng, đến nay Bộ luật này chưa có hiệu lực thi hành, đồng thời Tòa án nhân dân tối cao chưa ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết. Vì vậy việc thí điểm thực hiện và tuyên truyền về mô hình này là chưa có cơ sở pháp lý.

Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cũng cho rằng việc này chưa đảm bảo quan hệ phối hợp giữa hai ngành.

Không đồng tình với mô hình phòng xử án mới mà Tòa án nhân dân tối cao đang thực hiện thí điểm, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng mô hình này là chưa phù hợp với quy định của Hiến pháp 2013 và các Bộ luật, luật liên quan.

Cụ thể, theo quy định tại Hiến pháp 2013 và pháp luật, kiểm sát viên tham gia phiên tòa hình sự thực hiện đồng thời hai chức năng là thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp; thực hiện chức năng kiểm sát các hoạt động tư pháp tại phiên tòa dân sự, hành chính.

Nhấn mạnh vào chức năng kiểm sát các hoạt động tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng kiểm sát viên tham gia phiên tòa để kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các chủ thể tại phiên tòa, kể cả Hội đồng xét xử.

Việc bố trí kiểm sát viên ngồi ở dưới bậc của thư ký phiên tòa và Hội đồng xét xử, cùng bậc và đối diện với người bào chữa là không đúng với quy định của Hiến pháp và pháp luật; không phản ánh đúng vị trí, vai trò, trách nhiệm của kiểm sát viên trong hoạt động tố tụng.

Hình thức không thay đổi bản chất luật

Luật sư Nguyễn Đức Chánh (văn phòng luật sư Đức Chánh, quận 1, TPHCM), Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 bị chậm thi hành do vướng Bộ luật hình sự 2015 phải chỉnh sửa, lùi thời gian ban hành.

Bản thân Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 được soạn thảo chất lượng, không có sai sót phải chỉnh sửa. Tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV (khai mạc ngày 22/5), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 sẽ được xem xét, thông qua trong kỳ họp lần này.

Nếu Bộ luật hình sự 2015 được thông qua trong kỳ họp thì Bộ luật Tố tụng hình sự cũng sẽ có hiệu lực thi hành ngay sau đó. Việc Tòa án nhân dân tối cao cho thí điểm mô hình phòng xử mới thời gian qua là phù hợp, kịp thời bởi việc này cần thời gian thay đổi, sắp xếp lại phòng xử. Sớm hoàn thành các bước chuẩn bị sẽ giúp mô hình phòng xử kịp đưa vào thực tiễn khi Luật Tố tụng hình sự 2015 có hiệu lực thi hành.

Ông Thái Văn Tuấn, Chánh văn phòng Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, việc bố trí phòng xử án mới vẫn đang được Hội đồng nghiên cứu của Tòa án nhân dân Tối cao nghiên cứu, lấy ý kiến đánh giá từ nhiều phía.

Ông Tuấn cho rằng, việc thí điểm thực hiện mô hình phòng xử án mới tại Tòa án các địa phương là bình thường, không có vấn đề gì về cơ sở pháp lý. Nếu không thí điểm, rút kinh nghiệm trong quá trình triển khai thì khó có thể hoàn thiện mô hình phòng xử, nhất là mô hình mới vẫn đang có sự tranh cãi.

Thống kê sơ bộ hiện nay, Tòa án ở một số địa phương đã và đang thay đổi chỗ ngồi mới. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, một số Tòa án cấp quận và Tòa Gia đình và người chưa thành niên đã thay đổi chỗ ngồi của kiểm sát viên và luật sư ngồi ngang hàng với nhau.

Việc này đã nhận được nhiều ý kiến đồng tình như trong phiên tòa xét xử người chưa thành niên, việc các chủ thể tham gia tố tụng ngồi ngang hàng, nhất là những người trợ giúp pháp lý cho bị cáo ngồi cạnh sẽ giúp bị cáo ổn định hơn về mặt tâm lý. Đồng thời góp phần nâng cao tính giáo dục của bản án.

Ông Thái Văn Tuấn cũng khẳng định, hình thức không thay đổi bản chất, nội dung của luật, nên không thể nói là việc bố trí chỗ ngồi của kiểm sát viên hay luật sư lại vi phạm luật đươc.

Suy cho cùng, các chủ thể tham gia tố tụng làm tốt chức năng của mình mới là bản chất, chỗ ngồi chỉ là hình thức tượng trưng. Mô hình phòng xử án mới được xây dựng trên tinh thần hướng tới sự bình đẳng về pháp luật giữa các chủ thể tham gia và khẳng định sự phán xét nhân danh Nhà nước chỉ thuộc về Hội đồng xét xử của Tòa án./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục