"Mỏi cổ" chờ giá hàng hóa giảm

Trong vòng hơn 2 tháng qua, giá xăng dầu đã có 9 lần giảm giá, với mức giảm tổng cộng 6.000 đồng/lít.

Trong vòng hơn 2 tháng qua, giá xăng dầu đã có 9 lần giảm giá, với mức giảm tổng cộng 6.000 đồng/lít.

Thông thường, mỗi khi giá xăng tăng, các doanh nghiệp lập tức tăng giá hàng hóa với lý do chi phí vận tải tăng lên, vì vậy lần này người tiêu dùng hy vọng giá xăng dầu giảm sẽ giúp "hạ nhiệt" giá hàng hóa.

Tuy nhiên, điều này vẫn chưa thể trở thành hiện thực vì giới kinh doanh có cả trăm lý do để trì hoãn giảm giá.

Quy luật "tăng nhanh, giảm chậm" ?

Mỗi lần giá xăng dầu tăng, giá cước vận tải bao giờ cũng tăng rất nhanh nhưng việc giảm giá cước vận tải thời gian qua lại hết sức chậm trễ. Sáng 3/12, hai ngày kể từ khi giá xăng dầu mới 12.000 đồng/lít được áp dụng, nhưng hầu hết các hãng taxi vẫn giữ nguyên mức cước cũ. Cụ thể, giá cước của taxi Mai Linh vẫn là 12.000 đồng cho km đầu tiên, những km sau dao động từ 8.000-10.000 đồng/km, và nếu khách đi từ 21-100km mới được tính cước 5.500 đồng/km.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô, cho biết sau đợt giảm giá xăng lần trước, hầu hết các hãng vận tải đã điều chỉnh giảm giá cước. Ðợt giảm giá xăng lần này, hiệp hội sẽ có thông báo tới các doanh nghiệp vận tải hành khách trong dịp Tết. Tuy nhiên, nhiều hành khách đi xe phản ánh rằng giá cước vận tải hầu như không giảm.

"Năm ngoái, tôi đi xe khách từ Nghĩa Hưng (Nam Định) lên Hà Nội chỉ mất 35.000 đồng. Gần đây, giá xăng dầu giảm liên tục, thế mà giá cước còn tăng lên 40.000 đồng vì lý do... mang theo hàng hoá cồng kềnh," một hành khách người Nam Định than phiền.

Tại Bến xe Lương Yên, Hà Nội, một hành khách thường xuyên đi tuyến Hà Nội-Hải Phòng cũng phàn nàn: "Mức giá cước của tuyến vận tải khách chất lượng cao Hải Phòng-Hà Nội được giữ nguyên là 50.000 đồng....Mấy ông lái xe còn dọa, gần Tết, giá cước chỉ có tăng chứ làm gì có giảm."

Nghịch lý còn thể hiện ở chỗ, giá cả không giảm ngay trong bối cảnh cán cân hàng hóa đang nghiêng về thế cung lớn hơn cầu và giá nhiều loại nguyên vật liệu trên thế giới đã giảm mạnh.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, sức mua của các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, EU đều giảm sút khiến nhu cầu nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam giảm, số đơn hàng xuất khẩu giảm, nhiều đơn hàng đã bị hủy hoặc trì hoãn.

Thêm vào đó, giá hàng hóa trên thị trường thế giới giảm sẽ tác động nhiều đến kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Một số doanh nghiệp dệt may cho biết, các nhà nhập khẩu đang ép chúng ta giảm giá sản phẩm xuất khẩu từ 20-25%.

Như vậy, một lượng hàng xuất khẩu lớn có thể phải chuyển sang tiêu thụ tại thị trường nội địa. Tuy nhiên, trên thị trường dệt may trong nước, giá bán sản phẩm của các công ty như May 10, Việt Tiến, Nhà Bè vẫn không đổi.

Nhiều mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, thép và phân bón, thời gian qua cũng ở trong thế cung lớn hơn cầu. 

Rất nhiều loại giá hàng hóa trên thị trường thế giới giảm mạnh theo giá xăng dầu và sức tiêu thụ giảm nhưng giá các loại hàng hóa tương ứng ở trong nước cũng giảm không tương xứng. Theo giới kinh doanh, giá nguyên liệu dầu ăn hiện đã giảm 30-40% so với hồi giữa năm trong khi giá dầu ăn trong nước chỉ giảm 5-15%.

Giá sữa bột nguyên liệu cũng giảm mạnh từ nhiều tuần qua. Hiện sữa bột nhập khẩu từ New Zealand là 4.700 USD/tấn, giá sữa bột Mỹ 3.900-4.100 USD/tấn, trong khi trước đây có lúc giá 5.200 USD/tấn, nhưng giá bán của nhiều loại sữa trong nước như Vinamilk vừa qua lại tăng từ 5 -10% và giá các loại sữa nhập khẩu có loại còn tăng từ 15-20%.

Giá cả chây ì, do đâu?

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, lo ngại về việc "chây ì" giảm giá ở thị trường tự do. Như tại thị trường Hà Nội, hiện chỉ có 20% hàng hóa thông qua kênh phân phối siêu thị còn lại 80% là lưu thông ở thị trường tự do.

Đây là khoảng trống lớn trong việc kiểm soát giá cả vì thực tế thời gian qua, giá cả thường tăng nhanh và xuống rất chậm ở thị trường tự do. Trong khi đó, Việt Nam lại thiếu nhân lực và cơ chế quản lý giá cần thiết và phù hợp.

Theo tính toán, với lực lượng quản lý thị trường chỉ vài trăm người để quản lý hơn 10 triệu hộ kinh doanh cá thể thì phải mất 15 năm mới quay trở lại kiểm tra hộ kinh doanh đầu tiên! Như vậy, các hộ kinh doanh thường tự do "hét" giá.

Nhưng thực tế là việc quản lý giá cả ở các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và xuất nhập khẩu cũng khó chẳng kém gì ở thị trường tự do. Lãnh đạo một doanh nghiệo sản xuất giấy vở học sinh nêu lý do: "Chúng tôi thường nhập nguyên liệu trước 2 tháng. Gần đây sức tiêu thụ chậm lại trong khi nguyên liệu nhập từ lúc giá cao vẫn chưa tiêu thụ hết nên chưa thể tính chuyện giảm giá.

Một doanh nghiệp sản xuất nhựa cũng lý giải rằng giá nguyên liệu nhựa các loại giảm đến 50% so với thời điểm quý I/2008, nhưng các doanh nghiệp sản xuất nhựa giảm giá chậm vì trước đó đã nhập quá nhiều nguyên liệu để dự trữ.

Các công ty kinh doanh sữa thì lại nêu lý do không giảm giá mà tăng khuyến mãi và bổ sung thêm vi chất dinh dưỡng vào sản phẩm nên phải tăng thêm giá bán. Tuy nhiên, theo các cửa hàng bán lẻ, mặt bằng giá chính là một so sánh ngầm để các hãng sữa khẳng định vai vế "ông lớn" của mình.

Ông Vũ Vinh Phú dự báo năm nay, sức tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán dự kiến chỉ tăng thấp, từ 5-10%, nhưng không đồng nghĩa với việc không có "nguy cơ" tăng giá.

Sức tiêu thụ hàng hóa của Hà Nội trong dịp Tết khoảng 900 tỷ đồng nhưng dự trữ hàng chỉ vào 160 tỷ đồng. Dự trữ yếu thế, lưu thông không thông suốt cộng thêm những biến động bất thường của thiên tai, dịch bệnh thì mặc dù xăng dầu đã giảm giá nhưng sức ép tăng giá vẫn rất đáng lo ngại./.

Thu Hường (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục