Mối tương quan giữa quan hệ Mỹ-Trung và chủ nghĩa đa phương

Mng Arab News có bài phân tích về mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc, trong đó đi sâu phân tích những tác động nhiều mặt từ những căng thẳng Mỹ-Trung đối với chủ nghĩa đa phương.
Mối tương quan giữa quan hệ Mỹ-Trung và chủ nghĩa đa phương ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Trang mạng Arab News ngày 1/10 có bài phân tích về mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc, trong đó đi sâu phân tích những tác động nhiều mặt từ những căng thẳng Mỹ-Trung đối với chủ nghĩa đa phương. Nội dung của bài viết như sau:

Phát biểu khai mạc kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 75 vừa diễn ra hồi tháng trước, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã cảnh báo rằng Mỹ và Trung Quốc có thể "chia cắt toàn cầu" thành các khối thương mại và tài chính riêng biệt, với năng lực Internet và trí tuệ nhân tạo khác nhau.

Hơn nữa, ông nói, một "vết nứt lớn" như vậy giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể trở thành một sự chia cắt địa chiến lược và quân sự.

Căng thẳng Mỹ-Trung đang nổi lên trong các tổ chức quốc tế thực sự đáng báo động. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump - trước đó đã cáo buộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) có quan hệ thân thiện với Bắc Kinh - tuyên bố ý định rút Washington ra khỏi cơ quan này và đang giữ lại khoản ngân sách tài trợ. Do đó, Mỹ không còn là nước đóng góp tài chính lớn nhất của WHO.

Mỹ cũng đã gây cản trở hệ thống giải quyết tranh chấp của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) bằng cách phủ quyết việc bổ nhiệm các thẩm phán mới cho cơ quan phúc thẩm của tổ chức này. Sợi dây liên kết chủ nghĩa đa phương sẽ bao gồm cả nguy cơ rạn nứt của các siêu cường lớn.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng các tổ chức đa phương đang thay đổi, song không sụp đổ. Trung Quốc không tìm cách phá hủy các thể chế quốc tế mà Mỹ đã thiết lập và lãnh đạo sau Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Ngược lại, Trung Quốc đang tìm cách gia tăng ảnh hưởng của mình trong các tổ chức này, đặc biệt là vì nó đang phát triển mạnh trong hệ thống mà họ ủng hộ.

[Mỹ-Trung: Khi quốc gia dầu đối đầu với quốc gia điện]

Sau khi Mỹ tuyên bố rút khỏi WHO, Trung Quốc đã cam kết tài trợ 2 tỷ USD trong vòng 2 năm để giúp tổ chức này chống lại đại dịch COVID-19. Và sau khi Mỹ tìm cách ngăn cản hoạt động của cơ quan phúc thẩm của WTO, Trung Quốc đã đưa ra một đề xuất cải cách nhằm củng cố tổ chức này.

Tại Liên hợp quốc, Trung Quốc hiện là nước đóng góp lớn thứ hai vào ngân sách chung và ngân sách gìn giữ hòa bình. Các quan chức Trung Quốc đứng đầu 4 trong số 15 cơ quan chuyên môn của Liên hợp quốc.

Ngoài ra, tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), Trung Quốc hiện là quốc gia thành viên quyền lực thứ ba, với ghế riêng trong ban điều hành và có một quan chức Trung Quốc trong đội ngũ quản lý cấp cao.

Do đó, chúng ta đang chứng kiến hai siêu cường kinh tế cạnh tranh cho các vị trí trong các cơ quan đặt ra và giám sát các quy tắc toàn cầu. Trong khi Trung Quốc, quốc gia mới nhập cuộc, đang sử dụng "củ cà rốt" để nâng cao vị thế của mình, thì Mỹ (không phải lần đầu tiên) đang sử dụng "gậy" với những đe dọa rời khỏi tổ chức và ngừng tài trợ để đi theo lối riêng của họ.

Điều then chốt đối với các quốc gia khác sẽ là chất lượng lãnh đạo của các tổ chức quốc tế này, như trường hợp trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, khi Mỹ thống trị các tổ chức này.

Chẳng hạn, trong thời gian đó, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Dag Hammarskjold đã vượt qua thế bế tắc Liên Xô-Mỹ bằng cách đưa vào triển khai các sứ mệnh gìn giữ hòa bình quốc tế do Liên hợp quốc giám sát. Trong khi đó, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Robert McNamara sử dụng quyền hạn và nhiệm vụ của mình để mở rộng thành viên và hoạt động của ngân hàng này.

Để chống lại “vết nứt lớn,” đòi hỏi các nhà lãnh đạo, những người có thể huy động liên minh của các quốc gia khác ngoài Trung Quốc hoặc Mỹ để chống lại quan điểm của một thành viên thống trị và người có thể tối đa hóa tác động của các nguồn lực, nhân viên và chính sách của tổ chức họ.

Nếu không có những nhà lãnh đạo như vậy, các quyền phủ quyết của các siêu cường đối địch gần như chắc chắn sẽ làm tê liệt hoặc gạt các tổ chức quốc tế ra ngoài lề.

Lý do thứ hai để cho rằng chủ nghĩa đa phương sẽ tồn tại là giống như Mỹ và Liên Xô trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, cả Trung Quốc và Mỹ đều đang sử dụng các thỏa thuận đa phương để củng cố quan hệ với các đồng minh tương ứng của họ.

Mỗi siêu cường sử dụng các tổ chức mà họ thống trị, chẳng hạn như Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ có trụ sở tại Washington (nơi Mỹ có 30% quyền biểu quyết và Trung Quốc có 0,004%) và Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) có trụ sở tại Bắc Kinh (nơi Trung Quốc có 29% quyền biểu quyết và Mỹ không phải là thành viên).

Những người theo chủ nghĩa hiện thực cổ điển sẽ cho rằng nền chính trị cân bằng quyền lực như vậy nhất thiết phải hy sinh chủ quyền của các quốc gia nhỏ, khi các siêu cường hỗ trợ họ tham gia liên minh để chống lại mối đe dọa hiện hữu do đối thủ của họ gây ra.

Nhưng lịch sử Chiến tranh Lạnh cho thấy rằng các thể chế chính thức trong liên minh của mỗi bên có thể mang lại cho các quốc gia nhỏ hơn một số ảnh hưởng đối với các quy tắc, từ đó có thể kiềm chế sự cạnh tranh giữa các siêu cường.

Ví dụ, sự thống trị truyền thống của Mỹ đối với IMF đã cho thấy các vấn đề thực tiễn và chính sách cho vay phù hợp chặt chẽ với các ưu tiên an ninh quốc gia của Mỹ.

Nhưng quyền quyết định và thiết lập chương trình nghị sự chính thức và không chính thức trong IMF vào những năm 1980 đã tạo cơ hội cho các quốc gia châu Âu và các quốc gia khác tác động đến các quy tắc của tổ chức.

Tương tự như vậy, chủ nghĩa đa phương trong các liên minh do Mỹ và Trung Quốc lãnh đạo ngày nay có thể kiềm chế sự kình địch giữa các siêu cường hiện nay.

Khía cạnh thứ ba của chủ nghĩa đa phương là nhằm giảm thiểu rủi ro do sự cạnh tranh Mỹ-Trung gây ra, gợi lại hệ thống Hòa hợp châu Âu đầu thế kỷ 19, hệ thống cân bằng quyền lực của châu Âu vào thế kỷ 19, theo đó các cường quốc thời đó tìm cách giải quyết các vấn đề cùng quan tâm thông qua tham vấn đa phương. Hiệu quả của thỏa thuận này nằm ở sự quan tâm chung của các thành viên trong việc bảo tồn nguyên trạng.

Ngày nay, các nhà lãnh đạo của các nền kinh tế lớn nhất thế giới có lợi ích chung tương tự trong việc ngăn chặn đại dịch hoặc khủng hoảng tài chính toàn cầu làm rối loạn hiện trạng quốc tế.

Tại hội nghị thượng đỉnh bất thường vào tháng Ba của các nhà lãnh đạo Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) - chủ yếu là một ủy ban xử lý khủng hoảng - họ đã cam kết chung không chỉ sử dụng các tổ chức quốc tế chính thức để giải quyết cuộc khủng hoảng COVID-19, mà còn phối hợp một số phản ứng về chính sách tài khóa và tiền tệ của riêng họ, và làm việc để giải quyết các tranh chấp thương mại.

Các nhà lãnh đạo G20 sẽ gặp lại nhau tại Riyadh (Saudi Arabia) vào tháng 11 tới để xem xét các bước khả thi tiếp theo. Mặc dù Trung Quốc và Mỹ là đối thủ chiến lược, nhưng mỗi bên đều phụ thuộc vào thị trường toàn cầu, tài chính và sự đổi mới, và họ cần hợp tác với các quốc gia và khu vực khác để duy trì sức mạnh của riêng mình.

Vì lý do này, cả hai sẽ sử dụng chủ nghĩa đa phương, chính thức và không chính thức, để bảo vệ hệ thống mà họ đã phát triển trong đó và củng cố các liên minh mà họ dự định vạch ra lộ trình tương lai của họ./

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục