Mông Cổ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi bão cát và bão tuyết

Theo Cơ quan theo dõi thời tiết Mông Cổ, gió mạnh và bão cát đang tấn công các tỉnh Sukhbaatar và Dornod ở miền Đông, cũng như các tỉnh Dundgovi, Dornogovi... với tốc độ gió lên tới 26 m/s
Mông Cổ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi bão cát và bão tuyết ảnh 1Bão cát ở Mông Cổ. (Ảnh: CCTV/Xinhua)

Gió mạnh, bụi dày và bão tuyết đang càn quét phần lớn Mông Cổ, khiến hoạt động giao thông gặp khó khăn do tầm nhìn kém.

Theo Cơ quan theo dõi thời tiết Mông Cổ, gió mạnh và bão cát đang tấn công các tỉnh Sukhbaatar và Dornod ở miền Đông, cũng như các tỉnh Dundgovi, Dornogovi, Govisumber và Umnugovi với tốc độ gió lên tới 26 m/s.

Ngoài ra, khu vực miền Trung Mông Cổ, bao gồm thủ đô Ulan Bator và tỉnh Khentii, hiện đang hứng chịu gió mạnh, bão tuyết và nhiệt độ không khí giảm đột ngột.

Gió mạnh, bão cát và bão tuyết bắt đầu từ ngày 18/5 ở các vùng phía Bắc của đất nước. Cơ quan Quản lý khẩn cấp quốc gia Mông Cổ cho biết bão đã khiến một số tòa nhà bị tốc mái, đường dây điện bị hư hỏng ở tỉnh Selenge, miền Bắc nước này.

Cơ quan này dự báo thời tiết bất ổn dự kiến sẽ tiếp tục diễn ra trong vài ngày tới trên khắp các vùng rộng lớn của đất nước. Cơ quan này cảnh báo người dân, đặc biệt là những người chăn thả gia súc và các tài xế, nên đề phòng trước những thảm họa có thể xảy ra.

Mông Cổ có khí hậu lục địa khắc nghiệt khi thường xuyên hứng chịu gió mạnh, bão bụi và tuyết.

Cùng ngày, giới chức Myanmar cho biết số người thiệt mạng do bão Mocha đã lên tới 145 người. Trong khi đó, Liên hợp quốc (LHQ) ước tính ít nhất 800.000 người ở Myanmar đang cần viện trợ lương thực khẩn cấp và các hỗ trợ khác sau khi bão Mocha đổ vào nước này.

[Mỹ: Bão cát gây tai nạn liên hoàn tại bang llinois, 6 người thiệt mạng]

Trước đó, bão Mocha mang theo mưa lớn và gió mạnh khi quét qua Myanmar và nước láng giềng Bangladesh vào ngày 14/5, làm sập nhiều tòa nhà và biến đường phố thành sông.

Cơn bão đã làm rung chuyển các ngôi làng, quật đổ cây cối và khiến hệ thống liên lạc trên phần lớn bang Rakhine của Myanmar bị gián đoạn. Khu vực này là nơi sinh sống của hàng trăm nghìn người tị nạn Rohingya.

Bão Mocha cùng bão Fani hồi tháng 5/2019 là 2 cơn bão mạnh nhất từng được ghi nhận ở khu vực Bắc Ấn Độ Dương. Các nhà khoa học cho rằng tình trạng biến đổi khí hậu đang đe dọa những nỗ lực quản lý thiên tai nhằm giảm thiểu số người thiệt mạng do bão gây ra những năm gần đây.

Các nhà khoa học dự báo tần suất và cường độ gia tăng của các cơn bão trong tương lai sẽ là rủi ro lớn mà Bangladesh phải đối mặt trong nhiều thập niên tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục