Một cuộc chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Trung Quốc sắp xảy ra?

Các động thái đe dọa Đài Loan và các đồng minh khác của Mỹ đã khiến tạp chí Foreign Affairs phải tuyên bố Trung Quốc và Mỹ đang ở trong “một cuộc Chiến tranh Lạnh mới.”
Một cuộc chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Trung Quốc sắp xảy ra? ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: indianexpress.com)

Theo finance.yahoo.com đưa tin ở Washington, D.C, người ta cho rằng Trung Quốc chính là một nước Nga mới.

Trung Quốc đang phát triển sức mạnh quân sự nhanh chóng với các loại vũ khí tiên tiến có thể sánh ngang Mỹ.

Phần lớn công nghệ của Trung Quốc là do đánh cắp từ Mỹ và các quốc gia tiên tiến khác.

Các động thái đe dọa Đài Loan và các đồng minh khác của Mỹ đã khiến tạp chí Foreign Affairs phải tuyên bố Trung Quốc và Mỹ đang ở trong “một cuộc Chiến tranh Lạnh mới.”

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã xoay chuyển mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc từ hợp tác sang đối đầu, đây là lập trường mà Tổng thống đương nhiệm Joe Biden vẫn đang tiếp nối.

[Xu hướng mới của thương mại Mỹ-Trung: "Tách rời" hay "kết nối"?]

Những động thái gây hấn về quân sự và kinh tế của Trung Quốc đã khiến không còn mấy người bạn Mỹ ủng hộ Bắc Kinh ở cả hai đảng chính trị của Mỹ.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư quốc tế lạc quan hơn nhiều.

Tại hội nghị tài chính hàng năm của Viện Milken diễn ra ở Los Angeles vào giữa tháng Chín vừa qua, các nhà quản lý tài sản đã công nhận những rủi ro và thách thức ở Trung Quốc, bao gồm những thay đổi lớn có thể gây tổn thất trong chính sách của chính phủ dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình.

Tuy nhiên, họ cũng cho rằng những bài báo bi quan đã cường điệu nguy cơ và Trung Quốc vẫn là một thị trường tốt đối với các nhà đầu tư.

Tim Dattels, Chủ tịch TPG Capital châu Á, nhận định: "Bất kỳ nhà đầu tư nào bỏ qua Trung Quốc là họ đang rất mạo hiểm. Chúng tôi nhìn thấy những cơ hội to lớn (từ thị trường Trung Quốc)."

Chủ tịch Tập Cận Bình đã khiến một số nhà đầu tư lo lắng khi công bố chính sách “thịnh vượng chung" mới dựa trên việc kiềm chế tầng lớp tỷ phú - và một số công ty đang phát triển của họ, đồng thời thúc đẩy mức sống của tầng lớp trung lưu.

Bên bị thiệt hại lớn nhất cho đến nay là nhà phát triển bất động sản khổng lồ Evergrande, với một núi nợ không thể trả trong bối cảnh bong bóng bất động sản.

Tập đoàn này dường như sắp sụp đổ và gây ra làn sóng chấn động toàn hệ thống tài chính của Trung Quốc.

Chính phủ Trung Quốc có thể cứu "gã khổng lồ" này, tuy nhiên Chủ tịch Tập Cận Bình dường như sẵn sàng để Evergrande phá sản như một lời cảnh báo cho tầng lớp chóp bu trong giới kinh doanh rằng họ nên chia sẻ nhiều lợi nhuận hơn cho xã hội Trung Quốc.

Ông Tập Cận Bình có lẽ là nhà lãnh đạo quyền lực nhất của Trung Quốc kể từ thời Mao Trạch Đông những năm 1960 và 1970, và ông hình dung Trung Quốc như một siêu cường đang lên thiết lập ra các quy tắc toàn cầu mới như một lựa chọn thay thế cho sự thống trị của Mỹ.

Nhưng điều đó không có nghĩa là ông Tập Cận Bình sẽ trói buộc động cơ kinh tế, vốn là động lực thúc đẩy sức mạnh của Trung Quốc.

Tại Hội nghị Milken, Ông Ian Bremmer, Giám đốc Eurasia Group, phát biểu: “Trung Quốc biết khu vực tư nhân là nơi tạo ra hiệu quả kinh tế cho họ. Chúng tôi vẫn sẽ thực hiện rất nhiều các hoạt động kinh doanh giữa hai quốc gia. Các bên liên quan ở Mỹ và Trung Quốc hiểu rõ mối liên hệ sâu sắc và bền bỉ giữa hai nước."

Gần như tất cả các chính trị gia Mỹ hiện nay đều có tư tưởng "diều hâu" đối với Trung Quốc, nhưng thực tế là các doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ phụ thuộc rất nhiều vào các sản phẩm của Trung Quốc và Mỹ vẫn là khách hàng quan trọng nhất của Trung Quốc.

Tổng thống Biden muốn đưa một số hoạt động sản xuất quay trở lại Mỹ, trong đó bao gồm các loại hàng hóa quan trọng như chất bán dẫn và thiết bị y tế.

Một vài hoạt động sản xuất có thể sẽ được đưa trở lại Mỹ, nhờ việc giảm thuế và các biện pháp khuyến khích khác mà Quốc hội có vẻ sẽ thông qua.

Các nhà đầu tư vẫn muốn ở lại Trung Quốc

Tuy nhiên, việc xóa bỏ triệt để các mối liên hệ giữa Trung Quốc với các khách hàng quốc tế lớn của họ dường như khó có thể xảy ra và không hẳn là điều mà mọi người mong muốn.

Tăng trưởng của Trung Quốc đang chậm lại và họ đang phải đối mặt với các thách thức trong nước như dân số già, các doanh nghiệp được nhà nước "chống lưng" hoạt động kém hiêu quả và bong bóng tài sản ở một số mảng kinh tế.

Tuy nhiên, tầng lớp trung lưu của Trung Quốc - hiện khoảng 400 triệu người - vẫn lớn hơn toàn bộ dân số Mỹ, với sức chi tiêu tiếp tục giúp Trung Quốc trở thành một trong những thị trường hấp dẫn nhất thế giới.

Một số doanh nghiệp Mỹ đã rút ra khỏi Trung Quốc, họ không thể hoặc không muốn giao những dữ liệu mà chính phủ Trung Quốc yêu cầu hay tuân theo các quy tắc chỉ có ở Trung Quốc.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư cho biết họ vẫn có nhiều cách để có thể kinh doanh và thu lợi nhuận ở Trung Quốc.

Ông Kevin Liu, Chủ tịch phụ trách châu Á của Partners Group, phát biểu tại Hội nghị Milken: “Vai trò của nhà nước khác ở chỗ nhà nước sẽ điều chỉnh tăng trưởng trong một số lĩnh vực. Mục tiêu chính của chính phủ là đảm bảo phần lớn người dân có thể hưởng lợi trong dài hạn". Dù vậy, ông cho biết Partner Groups "không gặp vấn đề gì trong việc thu lợi nhuận."

Nhiều cơ hội đầu tư ở Trung Quốc cũng tương tự như ở Mỹ. Ông Dattels nhấn mạnh đến lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, trong bối cảnh dân số Trung Quốc đang già đi và nước này đối mặt với tình trạng thiếu y bác sỹ.

Chăm sóc sức khỏe số là lĩnh vực có khả năng cao sẽ phát triển mạnh, nhất là khi Trung Quốc không có các biện pháp bảo vệ quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu như ở phương Tây. Công nghệ khí hậu cũng là một lĩnh vực khác có tiềm năng phát triển lớn.

Mặc dù các nhà hoạch định chính sách của Mỹ có xu hướng chỉ trích Trung Quốc vì nước này không áp dụng các tiêu chuẩn năng lượng sạch quốc tế, tuy nhiên Trung Quốc đã có kế hoạch giảm phát thải carbon hướng đến mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2060.

Trung Quốc đang là nhà sản xuất hàng đầu các công nghệ quan trọng như pin xe điện và tế bào quang điện.

Liên quan đến bong bóng tài sản, báo chí đưa tin về Evergrande và các doanh nghiệp đầu cơ khác chỉ tập trung vào những căn chung cư lớn đang bỏ trống vì không có người ở, như thể Trung Quốc là một "quốc gia Potemkin" (ý nói một quốc gia xây dựng nên những công trình chỉ nhằm mục đích duy nhất là đánh lừa người khác, khiến họ nghĩ tình hình của quốc gia đó rất tốt nhưng trên thực tế thì không phải như vậy).

Mặc dù vậy, nhu cầu đối với bất động sản của người dân vẫn rất lớn, do người Trung Quốc thích dùng tiền tiết kiệm để đầu tư vào bất động sản hơn là các tài sản tài chính.

Mối quan hệ của Mỹ với Trung Quốc chắc chắn sẽ vẫn căng thẳng cho dù môi trường đầu tư bên trong Trung Quốc có ra sao.

Chính quyền Biden đã tuyên bố sẽ giữ nguyên mức thuế đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc được áp đặt dưới thời Trump, đồng thời yêu cầu Trung Quốc phải tuân theo các quy tắc thương mại quốc tế, ngừng đánh cắp công nghệ và đưa ra các nhượng bộ khác.

Trung Quốc sẽ không dễ dàng nghe theo. Tuy nhiên, đằng sau những phát biểu ầm ĩ giữa hai bên là các mối quan hệ ràng buộc Trung Quốc với phần còn lại của thế giới, vốn chặt chẽ hơn rất nhiều so với suy nghĩ của nhiều người. Cuộc chiến này vẫn chưa phải là Chiến tranh Lạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục