Một phụ nữ mang 95% nhiễm sắc thể nam vẫn sinh được con

Một phụ nữ Ấn Độ mang 95% nhiễm sắc thể nam vẫn sinh được con

Một phụ nữ Ấn Độ mang 95% nhiễm sắc thể nam và không có buồng trứng, song nhờ sự tiến bộ của y học đã thực hiện được thiên chức làm mẹ khi cho ra đời 2 em bé sinh đôi.
Một phụ nữ Ấn Độ mang 95% nhiễm sắc thể nam vẫn sinh được con ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: dailymail.co.uk)

Báo Độc lập (Anh) dẫn một nguồn tin từ Ấn Độ cho biết một phụ nữ là "nam giới về mặt di truyền học" đã thực hiện được thiên chức làm mẹ nhờ sự tiến bộ của y học và điều kỳ diệu nữa là cô còn sinh đôi hai em bé.

Thoạt nhìn, sản phụ mới này không khác một phụ nữ nhưng cô mang 95% nhiễm sắc thể nam. Chính vì sự bất thường gen này mà cô không có buồng trứng và cũng chưa bao giờ trải qua "ngày đèn đỏ."

Tuy nhiên, các bác sỹ ở Ấn Độ đã giúp người phụ nữ mang thai và sinh con thông qua một quá trình điều trị kéo dài ba năm giúp phát triển tử cung được miêu tả giống như của một bé gái của cô.

Sunil Jindal, chuyên gia trong lĩnh vực sản khoa Ấn Độ và là người trực tiếp thực hiện ca điều trị đặc biệt này cho biết: "Điều này gần giống như một người đàn ông có thể sinh con vậy."

Bất thường gen của người phụ nữ này được gọi là loạn sinh tuyến sinh dục XY - nghĩa là cô mang đặc điểm sinh dục ngoài của nữ nhưng không có tuyến sinh dục cơ quan sinh sản nữ hay buồng trứng, vốn là các bộ phận cần thiết cho hệ sinh sản, giúp tạo trứng mà từ đó em bé được hình thành.

Để giúp người phụ nữ thực hiện thiên chức làm mẹ, các bác sỹ sản khoa Ấn Độ đã sử dụng trứng hiến tặng để phát triển phôi rồi sau đó cấy phôi vào tử cung đã được điều trị của cô. Bước thành công đầu tiên này giúp người phụ nữ trở thành thai phụ.

Tiếp đó, các bác sỹ giúp thai phụ giữ thai "trong một cơ thể không được tạo ra cho việc đó" - như lời giám đốc y khoa Anshu Jindal tại bệnh viện thực hiện ca sinh nở đặc biệt này.

Cuối cùng, cố gắng của các bác sỹ đã mang lại một kết quả thật mỹ mãn, thai phụ mang gene nam giới đã sinh đôi thành công một bé trai, một bé gái bằng biện pháp sinh mổ.

Theo các chuyên gia y học, trên thế giới chỉ có khoảng 4-5 trường hợp phụ nữ bị bất thường gen như vậy vẫn có thể sinh con. Thậm chí, với những phụ nữ vô sinh không phải do tình trạng nói trên thì các biện pháp hỗ trợ sinh sản cũng chỉ có tỷ lệ thành công từ 35-40%./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục