Một số nhà thầu Quốc lộ 14 chưa thực hiện đúng yêu cầu Bộ GTVT

Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông thừa nhận một vài gói thầu chưa đáp ứng yêu cầu, để xảy ra tình trạng đọng nước, "ổ gà, ổ trâu" đúng như báo chí phản ánh.
Một số nhà thầu Quốc lộ 14 chưa thực hiện đúng yêu cầu Bộ GTVT ảnh 1Thi công mở rộng đường Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Kon Tum. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)

Thời gian vừa qua, nhiều thông tin trên báo chí phản ánh đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên (Quốc lộ 14) thi công chậm, công trường ngổn ngang gây ảnh hưởng đến cuộc sống người dân và mất an toàn giao thông.

Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Phan Quang Hiển, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Bộ Giao thông Vận tải) xung quanh vấn đề này.

- Một số cơ quan báo chí có phản ánh về Quốc lộ 14 hiện đang chậm tiến độ, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân và gây mất an toàn giao thông, có đúng không thưa ông?

Ông Phan Quang Hiển: Việc nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 14 đoạn từ Kon Tum đi Bình Phước được chia thành 10 dự án, trong đó có năm dự án BOT (xây dựng-kinh doanh -chuyển giao) và năm dự án vốn trái phiếu Chính phủ.

Toàn bộ các dự án này theo hợp đồng ký kết thì gói thầu chậm nhất cũng phải hoàn thành trước tháng 12/2015.

Tuy nhiên, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo phải hoàn thành dự án này trước tháng 10/2015. Tại cuộc giao ban hiện trường mới nhất, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường đã chỉ đạo điều chỉnh mục tiêu hoàn thành dự án là trước tháng 6/2015.

Tiến độ chung của toàn dự án đều vượt so với yêu cầu, đạt xấp xỉ 35% (tính trên giá trị hợp đồng). Đến thời điểm này, Quốc lộ 14 cơ bản hoàn thành hệ thống thoát nước và thi công nền.

Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông đã tham mưu cho Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo các nhà thầu trong mấy tháng mùa mưa vừa qua tập trung bảo đảm an toàn giao thông và tập kết vật liệu để chuẩn bị cho việc thi công ồ ạt vào mùa khô năm nay.

Hiện tại, một số nhà thầu cam kết sẽ đảm bảo hoàn thành gói thầu trước tháng 1/2015 (trước Tết Nguyên Đán), vượt tiến độ so với chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải. Việc đảm bảo an toàn giao thông và tập kết vật liệu tại hầu hết các gói thầu đều đạt tiến độ về khối lượng và chất lượng.

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận vẫn còn một vài gói thầu chưa đáp ứng được các yêu cầu của Bộ Giao thông Vận tải nên đã xảy ra tình trạng khi mưa thì mặt đường bị đọng nước, tạo thành những "ổ gà, ổ trâu" đúng như báo chí phản ánh.

Hiện tượng trên tồn tại ở hai dự án BOT do Tập đoàn Đức Long-Gia Lai làm chủ đầu tư, đoạn từ Pleiku đi cầu 110 và dự án BOT thuộc địa bàn tỉnh Đắk Nông do liên doanh nhà thầu Toàn Mỹ-Băng Dương thực hiện. Cụ thể, các nhà thầu này chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm đảm bảo an toàn giao thông trong mùa mưa.

Sau khi báo chí phản ánh, Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông đã giao ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh đã trực tiếp kiểm tra hiện trường và chấn chỉnh.

Phải nói rằng, tình trạng vi phạm về công tác đảm bảo an toàn giao thông theo chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải là có xảy ra nhưng chỉ xảy ra tại một vài gói thầu trên toàn tuyến.

- Cơ sở nào để Bộ Giao thông Vận tải khẳng định sẽ hoàn thành dự án trước tháng 6/2015, thưa ông?

Ông Phan Quang Hiển: Khi triển khai Quốc lộ 14, ngoài khó khăn do điều kiện thời tiết đặc thù ra thì các điều kiện khác rất thuận lợi, trước hết là công tác giải phóng mặt bằng của dự án đã hoàn thành rất sớm, giúp các nhà thầu chủ động trong thi công.

Đối với các dự án được đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, chỉ chờ có khối lượng là sẽ có tiền giải ngân ngay, không thiếu vốn.

Đối với năm dự án BOT tại Quốc lộ 14 đều đã ký đầy đủ hợp đồng tín dụng với các ngân hàng. Các ngân hàng cam kết cung cấp tín dụng cũng chỉ chờ khối lượng để giải ngân.

Cũng phải nói thêm rằng cùng với điều kiện khó khăn về thời tiết, công tác đảm bảo an toàn giao thông trong thời gian thi công tại Quốc lộ 14 cũng có những khó khăn không nhỏ do đặc thù Quốc lộ 14 hẹp trong khi đó vẫn phải đảm bảo giao thông thông suốt.

Như chúng ta đã biết năm 2013 có một số vị trí trên Quốc lộ 14 đã xảy ra hiện tượng ách tắc, tuy nhiên sang năm nay hiện tượng này không còn, chỉ để xảy ra việc giao thông không êm thuận, để đọng nước trên mặt đường tại một số đoạn... 

Từ đầu tháng 11 đến Tết Nguyên Đán tới, chúng tôi xác định chính là thời điểm quyết định tiến độ của toàn dự án Quốc lộ 14. Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đã giao cho Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông, Ban Quản lý dự án Đường Hồ Chí Minh tăng cường giám sát, chấn chỉnh công tác đảm bảo an toàn giao thông với mục tiêu phải đảm bảo tuyệt đối an toàn thông suốt trong quá trình thi công.

Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông, Ban Quản lý Dự án Đường Hồ Chí Minh cam kết thời gian tới sẽ không để xảy ra hiện tượng mất an toàn giao thông và tình trạng ổ voi ổ gà trên Quốc lộ 14.

Về công tác đảm bảo an toàn giao thông, Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông đã tham mưu Bộ Giao thông Vận tải ra văn bản phê bình đối với các nhà thầu để xảy ra nguy cơ mất an toàn giao thông vừa qua.


- Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông có giải pháp gì để kiểm soát chặt chẽ quy trình thi công nhằm đảm bảo tuyệt đối chất lượng của dự án, thưa ông?

Ông Phan Quang Hiển: Vừa qua dự án BOT đoạn Cầu 38-Đồng Xoài do Công ty trách nhiệm hữu hạn Xây dựng Đức Đạt-Gia Lai thi công đã bị phát hiện thi công ẩu, tưới nhựa trên nền cấp phối đá dăm đã bị bong tróc, vi phạm nghiêm trọng các quy định về quy trình thi công của Bộ Giao thông Vận tải.

Ngay sau khi phát hiện vi phạm Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu xử lý nghiêm. Tuy nhiên, đây là vi phạm lần đầu của nhà thầu, Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông đã tham mưu cho Bộ trưởng xử phạt tư vấn giám sát và nhà thầu xây lắp đã để xảy ra lỗi vi phạm trên.

Còn về cam kết đảm bảo chất lượng công trình Quốc lộ 14, tôi tin là sẽ thực hiện được. Vì mùa mưa vừa qua, các nhà thầu đã tập kết vật liệu đầu vào như đá dăm đã được cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ chất lượng ngay tại mỏ và đến cả công trường.

Cùng với đó, từ đầu năm 2014, hệ thống quản lý chất lượng của dự án đường Hồ Chí Minh, trong đó bao gồm cả các dự án BOT, đã được kiện toàn, chấn chỉnh lại. Đặc biệt, Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh thành lập Tổ đặc nhiệm có nhiệm vụ đi kiểm tra chéo trên toàn tuyến.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Giao thông Vận tải và sự kiểm tra của các bộ phận giám sát như vậy, chất lượng công trình chắc chắn sẽ đảm bảo.

Chỉ có một phần quan ngại là việc đảm bảo an toàn giao thông cần phải chú ý hơn nữa vì vẫn còn một vài nhà thầu lơ là trách nhiệm, cụ thể như giảm tưới nước vào mùa khô gây bụi, thiếu hệ thống biển báo an toàn, phân công người đảm bảo an toàn giao thông..., nếu buông lỏng sẽ rất nguy hiểm đến an toàn giao thông. Vì vậy, công tác này sẽ được Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông, Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh tăng cường trong thời gian tới.

- Xin cảm ơn ông./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục