Mưa lũ gây thiệt hại ở Kon Tum và Khánh Hòa, 1 người bị lũ cuốn

Mưa lũ và ảnh hưởng của áp thấp đã gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh Kon Tum và Khánh Hòa, trong đó 1 người đã bị lũ cuốn trôi ở Kon Tum.
Mưa lũ gây thiệt hại ở Kon Tum và Khánh Hòa, 1 người bị lũ cuốn ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Kon Tum cho biết vào lúc 13 giờ ngày 4/11, anh Trần Đình Hiền (42 tuổi), hiện đang thường trú tại thôn 1, xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy đã bị lũ cuốn trôi.

Theo thông tin ban đầu thì anh Hiền cùng 6 người nữa(chưa rõ địa chỉ) đi tìm kiếm dược liệu tại xã Măng Cành hướng về địa bàn xã Ngọc Tem (huyện Kon Plông) khi đến suối Nước Co thôn Kon Du xã Măng Cành, anh Hiền bơi qua suối không may bị nước cuốn trôi, 6 người còn lại không bơi.

Mặc dù mọi người đã nỗ lực cùng chính quyền tìm kiếm nhưng đến nay chưa tìm thấy nạn nhân.

Theo báo cáo nhanh, mưa lũ gây ra tại Kon Tum đã làm cho hơn 30 điểm sạt lở ở các tỉnh lộ 673, 676, đường Ngọc Hoàng-Măng Bút-Tumơrông-Ngọc Linh. Sạt lở chủ yếu ở các taluy dương, ước thiệt hại cho hệ thống giao thông trên các tuyến đường trên 5 tỷ đồng.

Ngoài ra, một số hoa màu, vật nuôi của người dân ở huyện Kon Plông, Kon Rẫy cũng bị thiệt hại.

Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Kon Tum, trong 24 giờ tới áp thấp nhiệt đới chưa ảnh hưởng đến thời tiết tỉnh Kon Tum. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của rìa phía Nam áp cao lạnh lục địa, kết hợp với nhiễu động trong đới gió Đông trên cao nên ở tỉnh Kon Tum trời nhiều mây, có lúc có mưa; khu vực các huyện Đắk Glei, Tu Mơ Rông, Kon Plong có mưa vừa, mưa to.

Khu vực các xã phía Đông, Đông Bắc của các huyện Đắk Glei, Tu Mơ Rông, Kon Plong có nguy cơ cao xảy ra lũ, lũ quét và sạt lở đất. Vì vậy, chính quyền và nhân dân ở khu vực này cần tiếp tục thực hiện các biện pháp ứng phó với mưa lớn, lũ, lũ quét và sạt lở đất.

Tại tỉnh Khánh Hòa, ngày 4/11, đã có thêm 3 tàu cá của ngư dân gặp nạn trên vùng biển Nha Trang do ảnh hưởng của áp thấp, trong đó có 2 tàu công suất nhỏ bị chìm, 1 tàu công suất lớn trôi dạt và mắc cạn, do bị sóng biển đánh.

Hai tàu cá bị chìm gồm tàu KH 02117-TS, công suất 15CV, bị chìm ở vùng biển Tây Hải, phường Vĩnh Nguyên, thành phố Nha Trang và một tàu cá công suất nhỏ khác chưa đăng ký, đăng kiểm cũng bị chìm ở vùng biển này. Còn tàu cá công suất lớn KH 96779-TS, bị trôi dạt và mắc cạn tại bờ biển đường Trần Phú, thành phố Nha Trang.

Chủ tàu cá này đã di dời lưới, trang thiết bị trên tàu vào bờ, đồng thời chằng néo tàu tạm thời.

Trước đó, ngày 3/11, tỉnh Khánh Hòa đã có 2 tàu cá gặp nạn do bị sóng đánh. Theo đó, tàu cá KH 03033-TS, công suất 20CV, bị chìm ở cửa biển cầu Trần Phú, thành phố Nha Trang. Còn tàu cá KH 96166-TS, công suất 444CV, bị sóng đánh trôi dạt và mắc cạn ở ven bờ biển trước Công viên Alexandre Yersin, thành phố Nha Trang. Đến chiều 4/11, phần vỏ đáy tàu cá KH 96166-TS đã bị nứt, trong khi sóng biển đánh liên tục nên có nguy cơ bị lật.

Trước diễn biến của áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Khánh Hòa đã ra công điện, yêu cầu các địa phương, ban ngành, theo dõi, kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trên biển; quản lý chặt chẽ tàu thuyền ra khơi, giữ liên lạc với chủ phương tiện hoạt động trên biển; kiểm tra các hồ chứa, chủ động điều tiết nước đảm bảo an toàn cho công trình và hạ du.

Khánh Hòa hiện có trên 1.100 tàu cá với hơn 5.700 thuyền viên đang hoạt động trên biển. Thuyền viên trên những tàu cá này đã biết được hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Khánh Hòa đã chỉ đạo các đài canh duy trì chế độ trực 24/24 giờ, liên tục thông báo tin áp thấp nhiệt đới để các phương tiện phòng tránh. Hải đội 2 duy trì kíp trực 2 tàu, biên đội trực 14 chiến sỹ luôn sẵn sàng làm nhiệm vụ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục