Vang vọng lòng người

"Mười chín tháng Tám": Vang thanh âm lại nhớ người

Dịp trời thu tháng Tám này là năm đầu Nhạc sĩ Xuân Oanh đi xa, song âm hưởng ca khúc "Mười chín tháng Tám" vẫn vang vọng lòng người.
Nếu như “Đất nước trọn niềm vui” là ca khúc gắn với mùa Xuân đại thắng 1975 thì “Mười chín tháng Tám” là ca khúc của ngày Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám. Tinh thần ấy là bất diệt và ca khúc cách mạng “Mười chín tháng Tám” là một trong những ca khúc hào hùng, rộn ràng nhất viết về lịch sử cách mạng Việt Nam.
 
Cứ mỗi độ thu sắp về là âm hưởng từ ca khúc này lại vang vang trên các kênh, các sóng phát thanh truyền hình và trong lòng người: “Mười chín tháng Tám/ Ánh sao tự do đưa tới/Cờ bay nơi nơi, muôn ánh sao vàng/Máu tươi pha đều trên lá cờ bay khắp chốn giang sơn.”

"Dấu xưa lối cũ còn đây"

Sáng tháng 8/2010 lần theo lối quen chúng tôi đến thăm căn nhà hầm nhỏ bé của tác giả bài hát "Mười chín tháng Tám" -  nhạc sĩ Xuân Oanh. Vẫn hộp thư có dán tên ông, vẫn cánh cửa như ngày nào rộng mở đón bạn bè, chỉ có điều ông đã đi xa. Người đón chúng tôi là bà Đỗ Thị Dung - em gái của ông và cháu nội Đỗ Anh Thư đang công tác tại VTV4.

Nghẹn ngào trước ban thờ ông với nén hương run tay cầm, chúng tôi hiểu nỗi niềm xa biệt vẫn chưa lành. Bà Đỗ Thị Dung nói: "Tiếc quá, giá anh tôi cố được đến hôm nay, sắp 19/8 rồi xót xa quá!"

Rồi bà Dung kể lại rằng bà đã từng sống cùng ông cho đến khi đi lấy chồng. Đến năm 1995, vợ nhạc sĩ qua đời, em gái thương anh trai quá lại quay về mua nhà ở gần bên để tiện bề chăm sóc.

"Ông anh mất, tôi thấy đời như chả có nghĩa lý gì. Ngày ngày tôi cứ ngồi bên nhà mình  qua cửa số đối diện nhìn ra, cứ ai đến thắp hương là tôi lại chạy ngay ra mở cửa. Bạn bè ông đến nhiều lắm. Nhớ thương lắm!" vừa chấm nước mắt, bà nghẹn ngào tâm sự.

Căn nhà hầm gần Đài Tiếng nói Việt Nam bao nhiêu năm vẫn vậy, ông đã ở đó và còn ở đó trong lòng những người thân yêu. Bà Dung tính: "Đã gần năm tháng rồi. Nhớ lại lúc vào bệnh viện ông cũng không nghĩ là mình lại 'đi' nhanh thế. Ông tỉnh táo thông minh và thích độc lập nên dù con cái có mời đến ở nơi khác ông vẫn nhất định ở đây. Ai lại ốm thế mà vẫn dịch sách. Nằm bệnh mà người ta vẫn mang tiền triệu đến trả công dịch sách mới."

Tiếng lòng người nghệ sĩ kết nối muôn người

Theo nhạc sĩ Hồng Đăng kể lại, ngày 19/8/1945, nhạc sĩ Xuân Oanh hòa vào dòng người tham gia cuộc Cách mạng lớn của cả dân tộc. Lần đầu tiên những người dân chịu ách đô hộ cùng khổ dám vùng lên đấu tranh đòi giải phóng, tự do.

Không khí sôi sục, tinh thần đấu tranh của toàn dân tộc vào giờ phút đổi đời ấy truyền vào cậu thanh niên Xuân Oanh… “bật” thành lời ca tiếng hát. Bài hát “Mười chín tháng Tám” ra đời “một cách kỳ lạ” như vậy.

Bài hát được ghi vội trên những tờ giấy xé vội, mảnh báo cũ, vỏ bao thuốc lá... cứ thế, chuyền tay nhau mà hát. Ngay cả tác giả cũng không thể ngờ rằng bài hát của mình đã nhanh chóng vượt ra khỏi năm cửa ô bay đi khắp nơi trong cả nước.

Nhạc sĩ Hồng Đăng còn cho biết, sau khi cách mạng thành công, Xuân Oanh được phân công làm công tác tuyên truyền. Tác giả “Mười chín tháng Tám” là một trong hai người Việt Nam đầu tiên thực hiện bản tin tiếng Anh trên Đài Tiếng nói Việt Nam, làm Báo Cứu Quốc đóng trên chiến khu Việt Bắc.

Quê Xuân Oanh ở vùng biển, ông rời Quảng Ninh về Hà Nội lúc mới chỉ hơn 20 tuổi. Bài hát đầu tiên của ông đã gây ấn tượng lớn trong phong trào cách mạng và khắp cả nước hầu như đâu đâu cũng hát: "Mười chín tháng Tám chớ quên là ngày khởi nghĩa, cờ bay nơi nơi muôn ánh sao vàng…" Giai điệu đơn giản mà mạch lạc, dễ hát, dễ nhớ. Một không khí lạc quan, sôi sục của những ngày đầu cách mạng, truyền nhiệt huyết cho toàn thể những người Việt Nam yêu nước.

Lịch sử âm nhạc Việt Nam đã ghi nhận một nhạc sỹ Văn Cao với "Tiến quân ca," Nguyễn Đình Thi với "Diệt phát xít,"  và Xuân Oanh với “Mười chín tháng Tám”. Cùng với các bạn bè thế hệ mình, Xuân Oanh đã góp vào một tên tuổi đầy tài hoa, tràn nhiệt huyết một thời và mãi mãi.

Chuyện không phải ai cũng biết

Tìm hiểu về nhạc sĩ Xuân Oanh, ta có thể đi từ ngạc nhiên này đến ngạch nhiên khác. Ông được trời phú cho một khả năng ngoại ngữ tuyệt vời. Cũng như thơ, nhạc, họa, chỉ bằng con đường tự học, nhạc sỹ Xuân Oanh thông thạo 7 – 8 ngoại ngữ, từng là phát thanh viên tiếng Anh thế hệ đầu tiên của Đài Tiếng nói Việt Nam, làm phiên dịch cho các lãnh đạo Đảng và Nhà nước, ông còn giữ bức ảnh trong lần dịch cho Bác Hồ và cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng tiếp khách quốc tế.

Những thập niên 90 của thế kỷ 20, ông với bút danh Anh Thư tung ra một loạt bản dịch tác phẩm văn học Mỹ hiện sinh, tiết tấu nhanh, sự kiện dồn dập, hấp dẫn xôn xao độc giả. Hàng chục đầu sách lần lượt ra đời với số lượng bản in lớn, tái bản nhiều lần.

Có thể kể đến các tác phẩm như "Trần trụi giữa bầy sói," "Hai số phận,"  "Lucky,"  "Nửa đêm về sáng," "Một lần chưa đủ," "Mãi mãi xanh,"  "Máy yêu," "Cổng vàng,"  "Vườn Thượng Hải," "Phía sau tình yêu"... Bất ngờ hơn nữa là "Bảo bối Thượng Hải" của Vệ Tuệ, cuốn sách lúc đó đang gây tranh luận dữ dội trên văn đàn Trung Quốc.

Vở kịch "Hồn Trương Ba, da hàng thịt" của Lưu Quang Vũ mang sang biểu diễn ở Mỹ, cuốn "Ông cố vấn" của Hữu Mai in tiếng Anh cũng bằng bản dịch của ông.

Bằng nghị lực phi thường của tuổi già, Xuân Oanh vẫn vẽ, vẫn viết ca khúc, vẫn làm thơ và dịch thơ như quên thời gian đã bạc trắng mây trời. Giờ thì ông đã về cõi vĩnh hằng, nhưng tiếng cười của ông vẫn như còn đây giữa bè bạn yêu thương, giữa những  thanh âm rộn ràng mà đắm say./.

Nguyễn Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục