Mỹ công bố chiến lược thúc đẩy cạnh tranh trong công nghiệp quốc phòng

Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết chiến lược thúc đẩy cạnh tranh công nghiệp quốc phòng là một phần trong chiến lược tổng thể của Tổng thống Biden nhằm thúc đẩy cạnh tranh trên nhiều lĩnh vực.
Mỹ công bố chiến lược thúc đẩy cạnh tranh trong công nghiệp quốc phòng ảnh 1Một loại tên lửa siêu vượt âm của Mỹ. (Nguồn: Không quân Mỹ)

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, ngày 15/2, Lầu Năm Góc đã công bố chiến lược thúc đẩy cạnh tranh trong lĩnh vực quốc phòng.

Báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết đây là một phần trong chiến lược tổng thể của chính quyền Tổng thống Biden nhằm thúc đẩy cạnh tranh trên nhiều lĩnh vực.

Theo một quan chức chính quyền Mỹ, cạnh tranh trong ngành công nghiệp quốc phòng rất quan trọng đối với Bộ Quốc phòng Mỹ trong việc nâng cao hiệu quả, cũng như thúc đẩy sự đổi mới hơn cho các sản phẩm và dịch vụ cần thiết để hỗ trợ quốc phòng.

[Mỹ thông qua luật chi tiêu quốc phòng, tăng mua máy bay và tàu chiến]

Theo báo cáo trên, Lầu Năm Góc ngày càng phụ thuộc vào một số lượng nhỏ các nhà thầu trong ba thập kỷ qua, trong đó số lượng nhà cung cấp tên lửa chiến thuật đã giảm mạnh từ 13 xuống còn 3, và số lượng nhà cung cấp máy bay cánh cố định giảm từ 8 xuống 3, trong khi 90% tên lửa đến từ 3 nhà cung cấp.

Lầu Năm Góc cũng cho biết sẽ tăng cường giám sát đối với các vụ sáp nhập, đặc biệt là làm việc với Ủy ban Thương mại liên bang và Bộ Tư pháp nếu đề xuất sáp nhập ảnh hưởng đến ngành công nghiệp quốc phòng.

Bộ Quốc phòng Mỹ cũng sẽ giải quyết những hạn chế về quyền sở hữu trí tuệ và nỗ lực để thu hút những người mới tham gia vào ngành công nghiệp quốc phòng.

Lầu Năm Góc sẽ thực hiện các bước để đảm bảo khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng trong một số lĩnh vực như tên lửa và vũ khí, dự trữ năng lượng và pin, vật liệu chiến lược và vi điện tử./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục