Mỹ, EU và nhiều nước thúc đẩy thực hiện cam kết methane toàn cầu

Các nước thúc đẩy các nỗ lực nhằm đạt được mục tiêu đến năm 2030 giảm ít nhất 30% lượng khí methane phát thải trong không khí, trong đó tập trung tại các ngành dầu mỏ và khí đốt.
Mỹ, EU và nhiều nước thúc đẩy thực hiện cam kết methane toàn cầu ảnh 1Khí thải phát ra từ một nhà máy điện than ở tỉnh Banten, Indonesia. (Ảnh: Reuters/TTXVN)

Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và nhiều nước ngày 17/6 đã nhất trí thúc đẩy những nỗ lực nhằm đạt được mục tiêu đến năm 2030 giảm ít nhất 30% lượng khí methane phát thải trong không khí, trong đó tập trung tại các ngành dầu mỏ và khí đốt.

Đây là nội dung Cam kết methane toàn cầu được Mỹ, EU và hơn 100 quốc gia đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh khí hậu COP26 tại Glasgow, Scotland năm ngoái.

Theo Lộ trình cam kết methane toàn cầu được khởi động cùng ngày, các quốc gia được khuyến khích loại bỏ "càng sớm càng tốt và không muộn hơn năm 2030" khí methane - loại khí dư thừa đốt cháy trong quá trình sản xuất dầu thô và khí đốt tự nhiên.

Tuyên bố chung được Mỹ và EU công bố, nêu rõ ngành dầu mỏ và khí đốt chiếm 1/4 tổng lượng khí thải methane phát thải trong không khí do hoạt động chủ quan và khách quan của con người trong sinh hoạt hằng ngày và hoạt động sản xuất mà những thành phần methane đó cấu thành nên khí đốt tự nhiên.

[Gần 90 nước tham gia nỗ lực giảm lượng phát thải khí methane]

Do đó, việc cắt giảm lượng khí thải methane nêu trên sẽ đóng góp tích cực vào tiến trình chống biến đổi khí hậu và điều cần thiết là thúc đẩy nguồn cung cấp khí đốt toàn cầu chỉ đơn giản bằng cách thu giữ lượng khí methane phân tán ngoài ý muốn trong không khí, vừa tránh lãng phí vừa bảo vệ môi trường.

Tuyên bố cho biết thêm các quốc gia và các tổ chức ủng hộ sáng kiến đã công bố quỹ 60 triệu USD để thực hiện lộ trình này.

Theo trang web của Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ, Trung Quốc, Mỹ , Nga, Ấn Độ, Brazil, Indonesia, Nigeria và Mexico là những nước phát thải gần 50% khí methane toàn cầu.

Đến nay, tổng cộng 120 quốc gia đã tán thành cam kết. Số các nước này chiếm giữ một nửa lượng khí thải methane toàn cầu và gần 3/4 nền kinh tế toàn cầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục