Mỹ hạn chế nồng độ "hóa chất vĩnh cửu" trong nước uống

Theo các quy định mới do EPA đề xuất, các cơ sở cung cấp nước uống công cộng sẽ phải giám sát chặt chẽ 6 loại hóa chất PFAS và giảm hàm lượng PFAS có trong nước.
Mỹ hạn chế nồng độ "hóa chất vĩnh cửu" trong nước uống ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: EPA)

Ngày 14/3, Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) đề xuất áp dụng tiêu chuẩn mới để hạn chế mức độ gây hại của các loại "hóa chất vĩnh cửu" (PFAS) có trong nước uống.

PFAS hiện được sử dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp và sản phẩm tiêu dùng, như chảo chống dính, thảm, quần áo chống thấm nước, bọc thực phẩm, mỹ phẩm và sản phẩm tẩy rửa, có khả năng tồn tại lâu dài trong đất, nước và không khí bất chấp nhiệt độ khắc nghiệt và hiện tượng ăn mòn.

Tuy nhiên, các loại hóa chất này liên quan tới những nguy cơ sức khỏe như ung thư, rối loạn nội tiết tố, suy giảm hệ miễn dịch, cũng như gây hại cho môi trường.

[Tìm ra phương pháp đơn giản và an toàn để phá hủy "hóa chất vĩnh cửu”]

Theo các quy định mới do EPA đề xuất, các cơ sở cung cấp nước uống công cộng sẽ phải giám sát chặt chẽ 6 loại hóa chất PFAS và giảm hàm lượng PFAS có trong nước.

Giám đốc EPA, ông Michael Regan, cho rằng những tiêu chuẩn chất lượng nước mới có khả năng ngăn ngừa hàng nghìn ca tử vong và hàng chục nghìn ca bệnh liên quan đến PFAS.

Ông cảnh báo việc tiếp xúc lâu dài với một số loại PFAS nhất định có thể dẫn đến các căn bệnh nghiêm trọng như ung thư, tổn thương gan và tăng cholesterol trong máu.

Những năm gần đây, một số tập đoàn lớn của Mỹ đã loại bỏ dần việc sử dụng PFAS và một vài bang đã áp đặt giới hạn hàm lượng PFAS có trong nước uống công cộng.

Đề xuất của EPA với mục đích thiết lập tiêu chuẩn quốc gia về PFAS trong nước uống sẽ được hoàn thiện vào cuối năm nay.

Nhóm Công tác Môi trường phi lợi nhuận rất ủng hộ đề xuất mới này của EPA và cho biết đây là "bước tiến mang tính lịch sử."

Đạo luật việc làm và đầu tư cơ sở hạ tầng lưỡng đảng của Tổng thống Joe Biden được thông qua năm 2021 có khoản đầu tư 9 tỷ USD trong 5 năm để hỗ trợ các cộng đồng giảm mức độ ô nhiễm của PFAS trong nước uống./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục