Mỹ, Hàn theo đuổi phi hạt nhân hóa Triều Tiên

Ngày 16/6, Tổng thống Mỹ Barack Obama và người đồng cấp Hàn Quốc Lee Myung-bak đã tái khẳng định cam kết phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên trong bối cảnh CHDCND Triều Tiên cảnh báo tiếp tục thử hạt nhân và tên lửa.

Ngày 16/6, Tổng thống Mỹ Barack Obama và người đồng cấp Hàn Quốc Lee Myung-bak đã tái khẳng định cam kết phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên trong bối cảnh CHDCND Triều Tiên cảnh báo tiếp tục thử hạt nhân và tên lửa.
 
Phát biểu tại một cuộc họp báo chung với Tổng thống Lee sau cuộc hội đàm tại Nhà Trắng, Tổng thống Obama nói: "Hôm nay, Tổng thống Lee và tôi đã chia sẻ cam kết phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên".
 
Ông Obama tuyên bố Mỹ và các đồng minh sẽ theo đuổi mạnh mẽ việc thực hiện các biện pháp trừng phạt quốc tế mới đối với Triều Tiên.
 
Nhà lãnh đạo Mỹ khẳng định: "Chúng tôi sẵn sàng can dự thông qua thương lượng để Triều Tiên trở lại con đường tồn tại hòa bình với các láng giềng của mình và chúng tôi mong muốn họ thịnh vượng. Nhưng cách hành xử hiếu chiến và khiêu khích đe dọa các nước láng giềng sẽ được đáp trả bằng việc thực hiện nghiêm túc và cứng rắn và biện pháp trừng phạt đang có hiệu lực".

Theo Tổng thống Obama, nghị quyết vừa được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua để trừng phạt Triều Tiên do đã thử hạt nhân và tên lửa phải được thực thi một cách kiên quyết, bao gồm cả việc áp dụng các biện pháp trừng phạt.
 
Trong tuyên bố chung, Washington cũng khẳng định "tiếp tục cam kết răn đe mở rộng, bao gồm cả ô hạt nhân của Mỹ cho hoạt động phòng thủ của Hàn Quốc".
 
Mỹ vẫn duy trì chiếc ô hạt nhân đối với Hàn Quốc kể từ thời chiến tranh Triều Tiên, và đã nhiều lần tái khẳng định sự bảo vệ này, nhưng chưa có cam kết ở cấp cao nhất - tuyên bố chính thức từ Nhà Trắng.
 
Ngay sau khi Triều Tiên lần đầu thử vũ khí hạt nhân vào năm 2006, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lúc bấy giờ là  Donald H. Rumsfeld đã khẳng định Hàn Quốc là đối tác thường trực trong sự bảo hộ hạt nhân của Mỹ.
 
Một quan chức trong Chính phủ Hàn Quốc nói rằng hiện Hàn Quốc muốn có sự cam kết bằng văn bản từ phía Nhà Trắng. Các vũ khí hạt nhân của Mỹ đã được rút khỏi Hàn Quốc từ năm 1991. Tuy nhiên, sự bảo hộ vẫn được duy trì bằng các tàu ngầm hải quân Mỹ có trang bị tên lửa đạn đạo tại Thái Bình Dương, và vũ khí hạt nhân đặt tại Mỹ.
 
Tháng trước, CHDCND Triều Tiên đã tiến hành thử bom hạt nhân lần thứ hai, làm gia tăng mối lo ngại tại Hàn Quốc. Khi Hội đồng bảo an Liên hợp quốc áp đặt lệnh trừng phạt mới đối với Triều Tiên sau vụ thử này, Bình Nhưỡng nhanh chóng phản ứng lại bằng tuyên bố sẽ không từ bỏ vũ khí hạt nhân mà còn tiếp tục chế tạo nhiều hơn nữa, sử dụng cả plutonium và uranium.
 
Trong khi đó, trước hơn 100.000 người míttinh tại quảng trường Bình Nhưỡng phản đối nghị quyết số 1847 của Liên hợp quốc, một quan chức quân sự Triều Tiên tuyên bố nước này "sẽ ngay lập tức tấn công phủ đầu để đẩy lùi sự khiêu khích dù là yếu ớt nhất của kẻ thù".
 
Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên KCNA dẫn lời ông Pak Jae-Gyong, Thứ trưởng Quốc phòng Triều Tiên, tuyên bố Triều Tiên "sẵn sàng giáng những đòn mạnh vào nhiều khu vực sống còn của Mỹ và quét sạch mọi lực lượng xâm lược đế quốc cho dù chúng ở đâu trên thế giới".
 
Trong một diễn biến khác, ngày 16/6, phát biểu trước Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ, Thứ trưởng Quốc phòng William Lynn nói rằng trong khoảng 3 năm nữa, Triều Tiên có thể bắn tên lửa tới các mục tiêu trên lãnh thổ Mỹ nếu quốc gia này tiếp tục phát triển hệ thống vũ khí như hiện nay./.
 
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục