Ngày 15/4, tại cuộc gặp ở Thủ đô Washington, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Iraq Mohamed Shia al-Sudani đang ở thăm nước này đã nhất trí duy trì nỗ lực hướng tới việc rút liên minh quân sự, do Mỹ dẫn đầu, nhằm chống lại các phần tử Hồi giáo cực đoan ở quốc gia Trung Đông này.
Liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu được thành lập vào năm 2014 nhằm chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Khi đó, IS chiếm giữ gần 30% diện tích lãnh thổ Iraq và nhiều khu vực của Syria.
Trong tuyên bố chung đưa ra sau cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo cho biết đã thảo luận sứ mệnh của liên minh quân sự dựa trên "những tiến bộ đáng kể đã đạt được trong 10 năm.”
Hai bên khẳng định sẽ xem xét các vấn đề, trong đó có mối đe dọa liên tục từ IS, nhu cầu hỗ trợ của Chính phủ Iraq, cũng như việc củng cố lực lượng an ninh của quốc gia Trung Đông này.
Tuyên bố nêu rõ hai nhà lãnh đạo sẽ nghiên cứu kỹ các yếu tố này để xác định thời điểm và cách thức kết thúc sứ mệnh của liên minh quân sự chống các phần tử Hồi giáo cực đoan ở Iraq.
Mục tiêu của hai nước là tiến tới thỏa thuận song phương, có thể giữ lại một số binh sỹ của Mỹ ở Iraq. Hiện Mỹ có khoảng 2.500 binh sỹ đang đồn trú ở Iraq và 900 binh sỹ ở Syria.
Cùng ngày, Lầu Năm góc cho biết Bộ Ngoại giao nước này đã thông qua thương vụ tiềm năng, cung cấp hỗ trợ và huấn luyện logistics cho các máy bay C-172 và AC/RC-208 của Iraq, trị giá 140 triệu USD./.
Giới chức Mỹ nhận định IS vẫn là mối đe dọa đối với an ninh Iraq
Trong cuộc trả lời phỏng vấn tại Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad, bà Romanowski cho rằng IS vẫn là mối đe dọa tại Iraq dù đã giảm đi nhiều, song công việc của liên quân chống IS cơ bản chưa hoàn tất.