Mỹ không định cử đặc phái viên đến Triều Tiên

Mỹ bác bỏ tin đặc phái viên nước này đến Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, song khẳng định Washington sẵn sàng đối thoại với Bình Nhưỡng. 
Ngày 25/8, Mỹ đã bác bỏ tin đặc phái viên nước này đến Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, song khẳng định Washington sẵn sàng đối thoại với Bình Nhưỡng một khi nước này đồng ý quay trở lại bàn đàm phán sáu bên.

Trước đó, báo chí Hàn Quốc đưa tin Triều Tiên đã mời ông Stephen Bosworth, Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ phụ trách chính sách đối với Triều Tiên, và ông Sung Kim, Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của Mỹ đến Bình Nhưỡng vào tháng 9 tới để thảo luận về vấn đề hạt nhân của nước này.

Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ian Kelly khẳng định: "Chúng tôi không có kế hoạch về việc này. Cả ông Bosworth và ông Kim đều không có kế hoạch tới Bình Nhưỡng".

Ông Kelly không đưa ra bình luận gì về tin Triều Tiên mời các đặc phái viên Mỹ tới Bình Nhưỡng. Ông khẳng định Mỹ sẽ không đàm phán với Triều Tiên cho đến khi Bình Nhưỡng quay trở lại các cuộc đàm phán sáu bên.

Cùng ngày, trong cuộc gặp tại Tokyo, Trưởng đoàn Nhật Bản tại cuộc đàm phán sáu bên, ông Akitaka Saiki, và điều phối viên của Mỹ về việc thực thi các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc đối với Triều Tiên, ông Phillip Goldberg đã nhất trí rằng cần phải thống nhất các nỗ lực quốc tế áp đặt trừng phạt Triều Tiên.

Trước đó, ngày 24/8 trong cuộc gặp Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Hàn Quốc Wi Sung-lac, ông Goldberg đã khẳng định mục tiêu là "phải giải giáp hoàn toàn và có kiểm chứng vấn đề hạt nhân của Triều Tiên".

Ông khẳng định lại Washington chỉ đối thoại với Bình Nhưỡng trong khuôn khổ đàm phán sáu bên.

Giới phân tích cho rằng Washington có rất ít lựa chọn ngoài việc cử ông Bosworth đến Bình Nhưỡng chỉ để kiểm chứng Triều Tiên có sẵn sàng nối lại đàm phán về chấm dứt chương trình hạt nhân của nước này hay không.

Theo ông Jack Prichard, Chủ tịch Viện Kinh tế Triều Tiên và trước đây từng tham gia đàm phán với Bình Nhưỡng, ông không tin Triều Tiên sẵn sàng nối lại đàm phán giải trừ hạt nhân, song cho rằng ông Bosworth vẫn sẽ đến Bình Nhưỡng.

Trong khi đó, ông Michell Reiss, cựu quan chức Mỹ đã tiếp xúc với Triều Tiên cho rằng để tranh thủ sự ủng hộ của các nước khác đối với việc siết chặt trừng phạt Triều Tiên thì một chuyến công du là cần thiết./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục