Mỹ Latinh và Caribe tìm kiếm mô hình EU để thoát khỏi ảnh hưởng của Mỹ

Mexico cho rằng thể chế ngoại giao ở lục địa Mỹ được cải tổ để trở thành một khối tương tự như EU có thể thúc đẩy tốt hơn các nền kinh tế trong khu vực bị ảnh hưởng bởi sự bất bình đẳng.
Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo Reuters và AP, các quốc gia Mỹ-Latinh và Caribe nên mong muốn thiết lập một khối như Liên minh châu Âu (EU), Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador và các nhà lãnh đạo khác đã phát biểu như vậy tại Hội nghị thượng đỉnh hôm 18/9 với mục đích thoát khỏi sự ảnh hưởng từ Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS) có trụ sở ở Washington.

Trong nhiều năm, một số nhà lãnh đạo theo đường lối cánh tả trong khu vực tham dự cuộc họp của Cộng đồng các quốc gia Mỹ-Latinh và Caribe (CELAC) đã coi OAS là quá thân thiết với Mỹ, bất bình với việc loại Cuba khỏi các quốc gia thành viên của tổ chức này.

Phát biểu khai mạc hội nghị thượng đỉnh hôm 18/9, Tổng thống nước chủ nhà Mexico, người chủ trì hội nghị cho rằng một thể chế ngoại giao được cải tổ để trở thành một khối tương tự như EU có thể thúc đẩy tốt hơn các nền kinh tế trong khu vực bị ảnh hưởng bởi sự bất bình đẳng cũng như đối phó với các cuộc khủng hoảng y tế và các cuộc khủng hoảng khác.

Tổng thống Lopez Obrador nói: “Trong những thời điểm gặp khủng hoảng như vậy, CELAC có thể trở thành công cụ chính để củng cố mối quan hệ giữa các quốc gia Mỹ-Latinh và Caribe.”

Nhà lãnh đạo cánh tả nói thêm: “Chúng ta nên xây dựng ở lục địa Mỹ một thứ gì đó tương tự như cộng đồng kinh tế châu Âu, tiền thân của EU hiện nay."

Ông nhấn mạnh sự cần thiết phải tôn trọng chủ quyền quốc gia và tuân thủ các chính sách không can thiệp và ủng hộ phát triển.

Các nhà lãnh đạo đã tụ họp tại Mexico City theo lời mời của Tổng thống Obrador với mục đích rõ ràng là làm suy yếu OAS.

Mỹ Latinh và Caribe tìm kiếm mô hình EU để thoát khỏi ảnh hưởng của Mỹ ảnh 1Các đại biểu tham dự Hội nghị thượng đỉnh lần thứ VI của Tổ chức các quốc gia Mỹ Latinh và Caribe (CELAC) ở Mexico City, Mexico, ngày 18/9/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hội nghị thượng đỉnh đã thu hút sự chú ý vào các nhà lãnh đạo trung tả mới của khu vực, bao gồm tân Tổng thống Peru Pedro Castillo, Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel và Tổng thống vừa tái đắc cử của Venezuela Nicolas Maduro.

Tổng thống cánh hữu Jair Bolsonaro của Brazil, quốc gia đã rút khỏi CELAC hồi năm ngoái, chỉ trích tổ chức này vì đã nâng tầm các quốc gia phi dân chủ. Tổng thống Argentina Alberto Fernandez vào phút cuối đã hủy tham dự hội nghị do cuộc khủng hoảng nội các bất ngờ ở trong nước.

Tranh cãi nảy lửa giữa các đối thủ về ý thức hệ

Một số rạn nứt đã xuất hiện giữa các nhà lãnh đạo. Tổng thống trung hữu Luis Lacalle của Uruguay tuyên bố việc ông tham dự hội nghị không nên được hiểu là sự ủng hộ đối với một số chế độ chuyên chế hơn trong khu vực hoặc sự bác bỏ đối với OAS.

Ông nói: “Chúng tôi lo ngại và nghiêm túc xem xét những gì đang xảy ra ở Cuba, Nicaragua và Venezuela,” nhấn mạnh các hành động đàn áp bao gồm cả việc bắt giam các đối thủ chính trị.

Chủ tịch Cuba Diaz-Canel đã đáp trả bằng cách tấn công các chính sách tân tự do mà ông cho rằng đã kìm hãm sự tiến bộ xã hội. Ông cũng chỉ trích sự lãnh đạo của Lacalle, lưu ý phản ứng lớn đối với một chiến dịch thỉnh nguyện gần đây của phe đối lập chính trị ở Uruguay. 

Tổng thống Bolivia Luis Arce kêu gọi một thỏa thuận toàn cầu để xóa nợ cho các nước nghèo trong khi Tổng thống Honduras Juan Orlando Hernandez kêu gọi thành lập một cơ quan khu vực chống biến đổi khí hậu.

Tại hội nghị, một quỹ mới của CELAC nhằm ứng phó với thiên tai cũng đã được công bố.

CELAC được thành lập vào năm 2011 theo khởi xướng của cố Tổng thống Venezuela Hugo Chavez. Trong một bình luận sau khi tới thủ đô của Mexico vào tối 17/9, đương kim Tổng thống Venezuela Maduro đã đề xuất lập trụ sở chính của một CELAC mới tại Mexico City.

Khi được hỏi về đề xuất này, Ngoại trưởng Mexico Marcelo Ebrard đã lịch sự từ chối, cho rằng ý tưởng đó là quá sớm.

Mexico tìm kiếm vai trò lãnh đạo ở Mỹ-Latinh

Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Mỹ-Latinh và Caribe tại Mexico vào cuối tuần qua là dấu hiệu mới nhất cho thấy quốc gia Trung Mỹ này đang thể hiện sức mạnh ngoại giao của họ khi tìm cách khẳng định mình là nhà trung gian hòa giải mới giữa khu vực và Mỹ.

Cho dù cuộc họp tại Mexico City hôm 18/9 của CELAC có dẫn đến một cuộc “di cư” ồ ạt khỏi OAS như dự đoán hay không, Mexico đã cho thấy rằng họ muốn đóng vai trò lãnh đạo ở Mỹ-Latinh sau nhiều năm hầu như chỉ tập trung vào mối quan hệ song phương với Mỹ.

Mỹ Latinh và Caribe tìm kiếm mô hình EU để thoát khỏi ảnh hưởng của Mỹ ảnh 2Các đại biểu tham dự Hội nghị thượng đỉnh lần thứ VI của Tổ chức các quốc gia Mỹ Latinh và Caribe (CELAC) ở Mexico City, Mexico, ngày 18/9/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Dựa trên mối quan hệ gần gũi này, Tổng thống Obrador hồi tháng Bảy vừa qua đã gợi ý Mexico sẽ giúp khu vực mở đối thoại với Chính phủ Mỹ để định hướng lại mối quan hệ dựa trên mô hình đã tồn tại suốt 2 thế kỷ mà theo ông là không có tương lai.

Quay lưng lại với Mỹ cũng không phải là một lựa chọn, thay vào đó, Obrador nhấn mạnh, “đã đến lúc bày tỏ và khám phá một lựa chọn khác: đó là đối thoại với các nhà lãnh đạo Mỹ và thuyết phục họ rằng một mối quan hệ mới giữa các quốc gia Mỹ-Latinh với Mỹ là điều khả thi.”

Tổng thống Obrador cho biết đề xuất của Mexico là về một thứ gì đó gần hơn với mô hình của EU. “Theo tinh thần đó, bạn không thể loại trừ việc thay thế OAS bằng một định chế tự trị thực sự, không phải là ‘tay sai’ cho bất cứ ai.”

Mexico là chủ tịch CELAC vào năm ngoái và các thành viên của tổ chức này đã bỏ phiếu ủng hộ Mexico tiếp tục giữ vai trò này trong năm nay.

[CELAC ra tuyên bố kêu gọi Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với Cuba]

CELAC ra đời cách đây một thập kỷ và có xu hướng thiên tả, vẫn có quan hệ tốt với các nước như Cuba, Venezuela và Nicaragua. Không giống như OAS, Mỹ và Canada không phải là thành viên của CELAC, trong khi Brazil đã rút khỏi tổ chức này hồi tháng 1/2020.

Ngoại trưởng Mexico Marcelo Ebrard đã thẳng thắn nêu ý kiến về sự bất bình đẳng và chênh lệch trong việc tiếp cận vaccine ngừa COVID-19 và CELAC đã trở thành phương tiện cho những nỗ lực của Mexico về chủ đề này.

Mexico theo đuổi một chiến lược đa hướng là mua trực tiếp và tham gia vào các nỗ lực đa phương để có được vaccine. Đồng thời, Ebrard cũng nỗ lực thông qua CELAC để sản xuất vaccine AstraZeneca trong khu vực (tại Argentina và Mexico) và phân phối.

Cuối tháng trước, Ebrard đã chuyển hướng sang chỉ trích OAS, cho rằng tổ chức này đã trở nên lỗi thời vì thế giới đã thay đổi: “Tạm biệt OAS, theo nghĩa ủng hộ sự can thiệp, có xu hướng can thiệp và bá chủ của nó.” Do đó, dư luận suy đoán rằng Mexico có thể dẫn đầu các nước khác rời khỏi OAS.

Cùng với các nỗ lực tiêm vaccine ngừa COVID-19 trong khu vực, Mexico đã tổ chức một vòng đối thoại mới giữa Chính phủ Venezuela và phe đối lập ở nước này tại Mexico City. Chính quyền Obrador đã chống lại sức ép về việc công nhận lãnh đạo phe đối lập Juan Guaid ở Venezuela.

Ana Vanessa Cardenas Zanatta, Giáo sư khoa học chính trị tại các trường đại học Monterrey Technological và Anahuac ở Mexico City, nhận định động thái của Mexico nhằm đóng một vai trò lớn hơn ở Mỹ-Latinh là tích cực.

“Lần đầu tiên Chính phủ Mexico đảm nhận một vị trí về chính sách đối ngoại và vai trò lãnh đạo Mỹ-Latinh mà Mexico đã nhiều lần yêu cầu nhưng không được đáp ứng.”

Nhưng mặt khác, việc rời khỏi OAS sẽ là một rủi ro lớn. Cần nhớ rằng tổ chức này có các quốc gia thành viên lớn và nhận sự hỗ trợ tài chính từ các nền kinh tế lớn như Mỹ, Canada và Brazil, và vẫn gặp khó khăn về tài chính.

Theo bà Zanatta, khó có thể tưởng tượng CELAC không chỉ là một công cụ hùng biện và biểu tượng trong tương lai gần.

Vấn đề này đã được nêu ra tại một cuộc họp của OAS hôm 17/9. Ngoại trưởng Colombia Marta Lucia Ramirez cho rằng cuộc thảo luận về việc thay thế OAS là “đáng lo ngại.”

“Tất nhiên câu trả lời phải là ‘Không,” Giáo sư Zanatta nói. OAS và CELAC có thể bổ sung cho nhau.

Tại hội nghị ở Mexico City, đại diện của Mexico Luz Elena Baños đã chỉ trích OAS về chính sách “can thiệp,” cho rằng tổ chức này đã làm trầm trọng thêm mâu thuẫn chính trị giữa các quốc gia thành viên.

Rafael Rojas, Giáo sư Lịch sử tại trường Cao đẳng Mexico và là chuyên gia về ngoại giao Mỹ-Latinh, cho rằng Mexico đang cố gắng dẫn đầu. Ông nói: “Tôi không nghĩ rằng đó là sự ngẫu hứng, họ đã nỗ lực vì mục tiêu này suốt một thời gian.” Nhưng ông tỏ ý hoài nghi do sự phân cực ở khu vực này. “Kể từ khi Bức tường Berlin sụp đổ, chưa bao giờ chủ nghĩa Mỹ-Latinh lại bị tác động lớn như vậy.”/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục