Mỹ nên công nhận Trung Quốc là một cường quốc?

Với thâm hụt ngân sách lớn, khoản nợ công hơn 26.000 tỷ USD và một loạt vấn đề nội bộ, thay vì tham gia vào các tranh chấp lãnh thổ ở Đông Á, Mỹ nên công nhận Trung Quốc là một cường quốc.
Mỹ nên công nhận Trung Quốc là một cường quốc? ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Theo trang mạng eurasiareview.com/asiatimes.com, việc Mỹ mới đây điều động 2 tàu sân bay tới tập trận quân sự tại Biển Đông không phải là hành động chưa từng có tiền lệ, nhưng nó có thể báo hiệu nguy cơ lớn trong mùa bầu cử Mỹ.

Nếu xét tới các sự kiện trong lịch sử, các quốc gia trên thế giới thường rất thận trọng trong việc trao cho một tổng thống Mỹ cái cớ để tiến hành hành động quân sự trong năm bầu cử, đặc biệt nếu nhà lãnh đạo Mỹ đó có tỷ lệ tín nhiệm thấp nhưng lại có mong muốn tái đắc cử.

Tuy nhiên, Tổng thống Trump rõ ràng đang có kế hoạch "hạ bệ" Trung Quốc để giành ủng hộ từ các cử tri và những nhân vật có quan điểm diều hâu về chính sách đối ngoại.

Ông Trump đã có ý định tiến hành chiến tranh thương mại với Trung Quốc kể từ khi bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống. Ông đã cảnh báo người dân Mỹ về những tác động an ninh quốc gia khi các công ty truyền thông Trung Quốc xâm nhập thị trường Mỹ, đồng thời đổ lỗi cho chính phủ Trung Quốc gây ra đại dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (COVID-19).

Trước đây, khi chính quyền đảng Cộng hòa hoặc đảng Dân chủ lên án nhà lãnh đạo nước ngoài nào đó - ví dụ như Muammar Gaddafi của Libya, Slobodan Milosevic của Serbia và Saddam Hussein - một cuộc tấn công quân sự của Mỹ chắc chắn sẽ diễn ra sau đó.

Trung Quốc chắc chắn phải chịu trách nhiệm về cuộc trấn áp chính trị tại Hong Kong, vụ giam giữ khoảng 1 triệu người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở phía Tây Bắc nước này, các hồ sơ vi phạm nhân quyền chống lại những người bất đồng chính kiến và các tuyên bố chủ quyền bành trướng ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.

[Cuộc cạnh tranh giữa hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc sẽ đi về đâu?]

Tuy nhiên, Trung Quốc - một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân với một nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng - rõ ràng muốn được đối xử như một cường quốc và muốn có vùng ảnh hưởng tại các khu vực liền kề để phục vụ các mục đích an ninh.

Ngược lại, Mỹ - một cường quốc từng tận hưởng thời kỳ thế giới “đơn cực” - lại quen với việc làm theo ý mình và rõ ràng rất khó chịu trong việc nhường cho Trung Quốc một vùng an toàn xung quanh biên giới của họ.

Trong lịch sử, các cuộc tương tác giữa các cường quốc đang nổi và cường quốc đã nổi thường dẫn tới chiến tranh. Tuy nhiên, nếu xét tới một số cuộc cạnh tranh không kết thúc bằng xung đột - như giữa cường quốc đã nổi Anh với cường quốc đang nổi Mỹ hồi cuối những năm 1800; hay giữa cường quốc đã nổi Mỹ và cường quốc đang nổi Liên Xô trong thời Chiến tranh Lạnh - chúng ta có thể rút ra một số yếu tố chung.

Anh và Mỹ được chia cắt bởi một đại dương lớn, điều giúp giảm thiểu các quan ngại về an ninh, và có quan hệ thương mại lớn, điều ít nhất sẽ làm gia tăng tổn thất nếu chiến tranh toàn diện nổ ra. Tuy nhiên, một số may mắn đã xảy ra.

Trong thời Chiến tranh Lạnh, mặc dù các bên không có quan hệ thương mại gần gũi, nhưng họ được chia tách bởi khoảng cách lớn qua đại dương và cả hai đều sở hữu kho vũ khí nhiệt hạch. Ba nhân tố này đều xuất hiện trong quan hệ giữa siêu cường Mỹ và một nước Trung Quốc đang trỗi dậy, và có thể đóng vai trò như “bộ phanh” để ngăn chặn cuộc chiến thảm khốc.

Hai quốc gia này được chia tách bởi một đại dương thậm chí lớn hơn cả Mỹ và Anh trong những năm 1800. Khoảng cách địa lý vẫn đóng vai trò quan trọng trong thế giới hiện đại phụ thuộc lẫn nhau, và Thái Bình Dương rộng lớn là rào cản thực sự cho cuộc xâm lược đổ bộ hoặc vụ không kích bằng vũ khí truyền thống.

Hai nước cũng có các kho vũ khí hạt nhân lớn để ngăn chặn các vụ tấn công bằng vũ khí truyền thống cũng như vũ khí hạt nhân.

Và cuối cùng, không giống như Mỹ và Liên Xô, Mỹ và Trung Quốc hiện nay có mối quan hệ thương mại phát triển tốt, điều làm gia tăng tổn thất nếu xảy ra chiến tranh.

Tất nhiên, ba yếu tố giảm thiểu nguy cơ này chỉ giúp hai nước né tránh chiến tranh; hai bên vẫn cần phải thay đổi quan điểm của mình. Trung Quốc nên cân nhắc lại các tuyên bố chủ quyền bành trướng của họ trên Biển Đông.

Mới đây, ngày 13/7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã đưa ra tuyên bố chính sách về Biển Đông. Theo trang mạng asiatimes.com, tuyên bố này dường như nhằm làm tồi tệ hơn những căng thẳng trong khu vực.

Yếu tố chính trị cốt lõi của tuyên bố đó là “Mỹ đứng về phía các đồng minh và đối tác Đông Nam Á để bảo vệ chủ quyền của họ với các nguồn tài nguyên ngoài khơi.”

Mỹ dường như đang sử dụng các tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á làm cơ hội để gia tăng hiện diện quân sự tại đó. Với việc làm vậy, Mỹ hy vọng hối thúc họ “đứng lên” phản đối Trung Quốc và từ đó lôi kéo một số nước Đông Nam Á xích lại phía họ.

Tuy vậy, Mỹ nên thu hẹp vùng ảnh hưởng của mình, như Anh từng làm tại bán cầu Tây khi bước vào thế kỷ 20, để cho Trung Quốc có vùng ảnh hưởng gia tăng ở gần biên giới và vùng biển liền kề của họ.

Giống như nhiều quốc gia nhỏ nằm gần các cường quốc lớn, điều đó có thể đòi hỏi một số quốc gia nhỏ phải đưa ra một số thỏa hiệp với Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu Trung Quốc bắt đầu đe dọa các nước khác ở phía Đông Trung Quốc, họ - bao gồm các nước và vùng lãnh thổ giàu có hơn Trung Quốc như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Australia và New Zealand - có thể hợp tác cùng nhau và trở thành phòng tuyến đầu.

Mỹ sau đó có thể đảm nhiệm vai trò giữ cân bằng, hỗ trợ họ một khi thế cân bằng quyền lực trong khu vực bị tổn hại và nghiêng về phía Trung Quốc.

Với thâm hụt ngân sách lớn, khoản nợ công hơn 26.000 tỷ USD và một loạt vấn đề nội bộ, thay vì tham gia vào các tranh chấp lãnh thổ “lặt vặt” ở Đông Á bằng cách sử dụng các tàu sân bay, Mỹ nên công nhận Trung Quốc là một cường quốc và để họ trỗi dậy hòa bình, thay vì sử dụng các chiến lược kiềm chế lỗi thời từ Chiến tranh Lạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục