Mỹ: Tác động của chính sách mới với sinh viên quốc tế

Bộ An ninh Nội địa Mỹ vừa đưa ra đề xuất, theo đó những sinh viên có quốc tịch hoặc được sinh ra ở 59 quốc gia, bao gồm Việt Nam, sẽ chỉ có thời hạn tối đa hai năm.
Mỹ: Tác động của chính sách mới với sinh viên quốc tế ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: Getting Smart)

Theo đề xuất mới mà Bộ An ninh Nội địa Mỹ (DHS) được công bố trên trang Công báo Chính phủ để lấy ý kiến công chúng, thị thực cho những sinh viên có quốc tịch hoặc được sinh ra ở 59 quốc gia, trong đó phần lớn là các nước châu Phi cùng một số nước Trung Đông và châu Á - bao gồm Việt Nam, sẽ chỉ có thời hạn tối đa hai năm.

Đề xuất quy định về thời gian lưu trú của DHS áp dụng cho sinh viên quốc tế (thị thực loại F), những người tham gia các chuyến thăm trao đổi (thị thực loại J) và đại diện truyền thông nước ngoài (thị thực loại I).

Theo cập nhật mới, những người nước ngoài có thị thực loại F hoặc J sẽ được nhập cảnh vào Mỹ trong một khoảng thời gian tính tới ngày kết thúc chương trình của họ, song không quá 4 năm, nếu DHS không xác định rằng những đối tượng này chỉ được cấp thị thực tối đa hai năm.

Như vậy, đối với phần lớn thị thực sinh viên nói chung, Bộ này đề xuất cấp thị thực tối đa 4 năm, cho dù sinh viên đăng ký theo học chương trình dài hơn hoặc cần thêm thời gian để hoàn thành và lấy được bằng. DHS cho biết thêm các công dân đến từ những quốc gia có tỷ lệ quá hạn thị thực cao cũng sẽ bị giới hạn thời gian lưu trú trong hai năm.

[Tân sinh viên sẽ không được vào Mỹ nếu học trực tuyến hoàn toàn]

DHS cho biết trong tài khoá 2018, cơ quan này đã tiếp nhận hơn 2 triệu người nước ngoài vào Mỹ bằng thị thực loại F, loại J và loại I theo diện không định cư.

Việc điều chỉnh là “cần thiết”, vì theo quy định hiện hành, sinh viên có thể lưu trú ở Mỹ miễn là họ có giấy tờ cho thấy đang tiếp tục học để lấy được bằng, điều mà bộ này cho là thời gian lưu trú không xác định có thể “gây ra những rủi ro cho an ninh quốc gia.

Việt Nam và Philippines là hai trong số các quốc gia ở châu Á có tỷ lệ quá hạn thị thực cao đủ để DHS đưa vào đề xuất giới hạn thị thực 2 năm.

Theo đó, các sinh viên sinh ra ở các quốc gia bị nêu tên dù đang sống ở các nước không nằm trong danh sách này vẫn bị áp dụng quy định mới, nếu được thông qua, khi xin học ở Mỹ.

Cựu Luật sư Di trú Aeron Reichlin-Melnick cho biết những thay đổi mới được DHS đề xuất đồng nghĩa bất cứ ai thuộc diện trên muốn ở lại lâu hơn phải xin gia hạn hoặc xin cấp thị thực mới, và điều đó không đảm bảo rằng yêu cầu gia hạn hoặc cấp thị thực mới của họ sẽ được chấp thuận.

Việt Nam nằm trong số các nước có số lượng lớn sinh viên học tập ở Mỹ và liên tục tăng trong 17 năm qua.

Theo Báo cáo Open Doors của Viện Giáo dục Quốc tế Mỹ IIE, có 24.392 sinh viên Việt Nam học tập ở Mỹ trong niên học 2018-2019.

Còn thông tin từ Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội cho biết, sinh viên quốc tế chiếm 5,5% tổng số sinh viên tại Mỹ và sinh viên Việt Nam đóng góp 881 triệu USD cho nền kinh tế Mỹ.

Hồi tháng 7, nhiều sinh viên quốc tế, trong đó có sinh viên Việt Nam, đã đứng trước nguy cơ phải rời khỏi Mỹ khi Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan (ICE) thông báo họ có thể phải trở về nước nếu trường họ đang theo học chuyển sang dạy trực tuyến toàn bộ do ảnh hưởng của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 vào mùa Thu này.

Tuy nhiên, Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump sau đó đã bỏ quy định này khi vấp phải đơn kiện từ Đại học Harvard và Viện Công nghệ Massachusetts.

Do đó, giới quan sát nhận định những đề xuất mới của DHS có thể sẽ khó trở thành luật bởi du học sinh đem lại “nguồn thu lớn" đối với các trường tại Mỹ bởi, những thay đổi đối với thời gian thị thực cho sinh viên có thể sẽ khiến nhiều trường học lo ngại, dẫn đến việc Bộ Giáo dục Mỹ có thể hành động can thiệp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục